Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giá vàng tăng rất mạnh

Phương Nguyên

 

(VNTB) – Dường như chính việc chờ đợi kéo dài của quyết định ban hành văn bản bãi bỏ độc quyền thị trường vàng miếng trong nước đã khiến thị trường vàng của Việt Nam lại tăng rất mạnh.

 

So với mở cửa phiên giao dịch trước, hôm 3-4, giá vàng tại Tập đoàn DOJI tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng chiều bán ra. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC ở mức 79,3 – 81,3 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng so với ngày 2-4. Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết 79,1 – 81,5 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng so với hôm 2-4.

Cùng thời điểm, vàng thế giới niêm yết 2.283 USD/ounce, tăng 30 USD/ounce so với sáng 2-4. Đây là mức cao nhất tính đến hiện tại. Giá vàng thế giới tăng mạnh những ngày qua do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, đồng Yên Nhật xuống thấp nhất 34 năm trong khi giá dầu lên mức cao nhất 5 tháng.

Như vậy, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế giảm từ mức đỉnh cao 18-20 triệu đồng/lượng xuống còn hơn 12 triệu đồng/lượng.

“Nếu có nhiều sản phẩm khác, thị trường phong phú hơn thì chắc chắn giá vàng SJC sẽ giảm, dù còn cao hơn giá thế giới nhưng mức chênh lệch ở tỷ lệ vừa phải. Người tiêu dùng có lợi, thị trường sẽ bình ổn hơn”, Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhìn nhận. Cũng theo ông Khánh, bỏ độc quyền vàng miếng là điều kiện tiên quyết để sau này cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ví dụ, cho PNJ, DOJI sản xuất vàng miếng để cạnh tranh với SJC, thì cũng phải cho 2 doanh nghiệp này nhập vàng nguyên liệu. Ngược lại, cho PNJ, DOJI nhập thì cũng phải cho SJC nhập vàng nguyên liệu về để sản xuất thêm.

Một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng vàng hóa và đô la hóa chỉ diễn ra khi tiền đi vào hệ thống ngân hàng. Vì 1 đồng tiền vào ngân hàng có thể biến thành 10 đồng nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%. Sai lầm nhiều năm về trước là nhận gửi và cho vay bằng vàng nên mới bị vàng hóa.

Hơn một năm trước đó, vào tháng 8-2023, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. “Hiệp hội kiến nghị trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp này được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương đương 500 kg vàng/năm đối với mỗi doanh nghiệp”, ông Huỳnh Trung Khánh đã cho biết như vậy.

Về góc nhìn cá nhân, ông Khánh đánh giá nếu Nhà nước bỏ độc quyền vàng miếng SJC sẽ ngay lập tức có tác động tới thị trường vàng Việt Nam. Khi ấy, chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với vàng thế giới sẽ thu hẹp lại. Còn mức giảm của giá vàng trong nước bao nhiêu sẽ tùy vào nguồn cung đưa ra thị trường từ phía doanh nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, có ý kiến rằng nếu bỏ độc quyền vàng, đầu tiên là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo các quy định của Nhà nước có thể nhập khẩu vàng về để tập trung sản xuất trang sức. Khi đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ khách hàng. “Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thì doanh nghiệp cũng sẽ an toàn hơn, tránh được các rủi ro pháp lý khi mua nguyên liệu từ các nguồn trôi nổi” – vị doanh nhân ngành vàng bạc này nhận định.

Hiện nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hy vọng thị trường vàng tới đây sẽ được tự do hóa hơn. Bất kỳ quy định mới nào cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Giá vàng tăng liên tục

Do Van Tien

VNTB – Lãi suất huy động ở ngân hàng giảm, vốn tín dụng vẫn khó hấp thụ

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tiếp tục họp bàn về quản lý thị trường vàng

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo