VNTB – Giấc mơ được nghe… tranh cử ở Việt Nam

VNTB – Giấc mơ được nghe… tranh cử ở Việt Nam

Hà Nguyên

(VNTB) – Những ngày này báo chí Việt Nam thường xuyên cập nhật tin tức về các nội dung tranh cử giữa đảng cộng hòa, đảng dân chủ ở Mỹ. Việt Nam dẫu chỉ có một đảng, nhưng sao lại không cho phép đảng viên tranh cử?

 

Nếu không gì thay đổi giờ chót, Việt Nam sẽ có kỳ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 diễn ra vào đầu năm 2021, và kế tiếp đó là bầu cử cho nhiệm kỳ mới của Quốc hội.

Liệu trong những ngày tháng còn lại của nhiệm kỳ, người đứng đầu Bộ Chính trị có làm một cú bứt phá, qua việc ban hành một quyết định về việc những ai sẽ được giới thiệu vào danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tất cả khi bầu chọn vào Bộ Chính trị, thì những nhân sự đó đều phải đăng đàn công khai để ‘tranh cử’, để trình bày trước quốc dân về kế sách quản trị quốc gia và phát triển Đảng ra sao trong suốt nhiệm kỳ.

Việc ‘tranh cử’ này rất quan trọng, vì các thành viên trong Bộ Chính trị lâu nay đều do Ban Chấp hành Trung ương bầu ra. Bộ Chính trị gồm các ủy viên chính thức. Trong lĩnh vực nhân sự, Bộ Chính trị có quyền quyết định hay giới thiệu nhân sự cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng, Nhà nước và các đoàn thể, không kể các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương hay Ban Bí thư quyết định theo phân cấp. Các phiên họp của Bộ Chính trị đều là họp kín, biểu quyết của Đảng. Các thành viên Ban Bí thư không phải Ủy viên Bộ Chính trị được tham dự các phiên họp Bộ Chính trị đối với các vấn đề liên quan Ban Bí thư.

Như vậy, với việc đưa ra được các dự kiến về chính sách quản trị quốc gia của từng ứng viên Bộ Chính trị, sẽ giúp Ban Chấp hành Trung ương thêm dữ liệu hơn nữa cho quyết định bầu chọn nhân sự của Bộ Chính trị.

Việc ‘tranh cử’ còn đặc biệt quan trọng hơn, vì sau đó, theo cơ cấu trong Đảng, các ủy viên Bộ Chính trị giữ tất cả những cương vị chủ chốt trong bộ máy chính quyền: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao…

Các ủy viên Bộ Chính trị khác giữ những cương vị chủ chốt của bộ máy đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng (đảm nhiệm công tác tổ chức, cán bộ), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (kiểm tra tổ chức đảng, tư cách đảng viên, chống tham nhũng), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng khá thường xuyên xuất hiện trong Bộ Chính trị.

Hiện nay, các ủy viên Bộ Chính trị giữ các cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư được gọi là các cán bộ chủ chốt của Đảng Nhà nước, hay trước đây còn được gọi là Thường trực Bộ Chính trị. Các ủy viên Bộ Chính trị này được gọi là các ủy viên Bộ Chính trị phụ trách chung, để phân biệt với các ủy viên Bộ Chính trị phụ trách lĩnh vực.

Với tầm quan trọng về nhân sự trong bộ máy quản trị quốc gia như kể trên, cho thấy vai trò của tất cả nhân sự ở Bộ Chính trị đều quan trọng ngang nhau, và người đứng đầu ở vị trí Tổng Bí thư là nổi trội bậc nhất. Thế nhưng trên thực tế lâu nay ít ai có thể hình dung ra cụ thể tầm quán xuyến quản trị quốc gia của Tổng Bí thư là thế nào?

Về nguyên tắc tổ chức, Tổng Bí thư là người đứng đầu toàn Đảng, là cấp trên của Bí thư cấp ủy, tổ chức đảng, là người đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và thay mặt Ban Chấp hành Trung ương chủ trì công việc ba cơ quan quan trọng nhất trong hệ thống tổ chức của Đảng: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng thời là Bí thư Quân ủy Trung ương, là nhân vật quyền lực cao nhất.

Nếu trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở nhiệm kỳ tới đây, những ứng viên Bộ Chính trị, từng người một sẽ thông qua “chính phủ điện tử” để đăng đàn trình bày kế sách điều hành đất nước, phát triển Đảng khi được tín nhiệm bầu chọn, thì có lẽ sự cạnh tranh ngay trong nội bộ Đảng cũng là một động lực cho quản trị quốc gia.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (5)
  • comment-avatar
    Hùng Phạm 4 years

    Mơ giữa ban ngày à

  • comment-avatar
    Thiên Hoàng 4 years

    Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc rồi, đòi bầu bán gì nữa mấy ba?

  • comment-avatar
    Phùng Thái 4 years

    Lại gặp một chị Quyết Tâm phẩy

  • comment-avatar
    Tha Nguyen 4 years

    Người ta sắp xếp theo ý đảng hết cả rồi . Họ vẫn tổ chức bầu chứ có phải không đâu , nhưng đó chỉ là hình thức còn vấn đề cốt lỏi sẽ không bao giờ thay đổi đó là giữ quyền lực

  • comment-avatar
    LeMao Mac 4 years

    ở VN “nhân dân” là một cách gọi khác…mà bản chất là “các thế lực thù địch”…do dậy không thể có chuyện Đảng “tin” Dân…lúc nào cũng có thực tế “Đảng một bên…và Dân một bên”…