Phùng Hoài Ngọc (VNTB) Ngày nay, nói về chủ nghĩa cộng sản và đảng cộng sản, mỗi người sẽ có ngay nhận xét ít nhiều khác nhau. Trí thức, cán bộ, cựu binh, nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, thậm chí đến bà nội trợ, ai cũng có thể nói một nhận xét nào đó về hai chữ CS. Nếu mỗi người chỉ là một “thầy bói xem voi” thì khi đem gộp những cái nhìn cục bộ lại, tổng hợp cũng sẽ cho ra một “chân dung hơi nham nhở” tạm tin cậy được. Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc một công trình nhỏ về qui mô nhưng đạt được cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc về CNCS và ĐCS. Tác giả công trình là Milovan Djilas.
Cách đây tròn 60 năm (1957- 2017), cuốn sách GIAI CẤP MỚI ra đời, người viết là Milovan Djilas – cựu lãnh đạo Đảng CS Nam Tư. Công trình nghiên cứu và phản tỉnh về Chủ nghĩa cộng sản, về Đảng cộng sản Nam Tư và Liên Xô.
Dưới đây chúng tôi giới thiệu bản dịch tiếng Việt của dịch giả Phạm Nguyên Trường*[1] chưa có cơ hội xuất bản trong nước, hiện chỉ lưu hành trên mạng internet.
Tập sách dày 120 trang (cỡ A4), nếu bạn đọc có ít thời gian đọc sách, chúng tôi sẽ làm theo kiểu các nhà xuất bản ngày nay tái bản những cuốn sách dày bằng cách rút gọn và đơn giản hoá, tất nhiên vẫn phải toát lên được tinh hoa của sách. Thể loại sách đó gọi là Simplified Edition (tức là Bản giản dị, rút gọn). Bạn đọc có thể hiểu các tiểu thuyết qui mô hoành tráng như “Những người khốn khổ” Victor Hugo, “Kịch Shakespeare”, tiểu thuyết “Hồng lâu mộng”.v.v…với số trang chữ thu gọn chỉ còn không quá 10 % nguyên tác. Thà rằng đọc sách rút gọn còn hơn không. Chúng tôi xin giới thiệu công trình GIAI CẤP MỚI qua ba kỳ ngắn gọn.
Trước hết giới thiệu tóm tắt lai lịch ông Milovan Djilas tác giả cuốn sách, để bạn đọc cân nhắc, có thể tin cậy vào công trình nghiên cứu tâm huyết của ông hay không.
Milovan Djilas |
Milovan Djilas (sinh 12.6.1911 ở Montenegro, mất 20.4.1995 tại Beograd) là một nhà hoạt động chính trị Nam Tư cũng là một nhà văn. Xuất thân cử nhân luật và văn chương, ông đạt được học vấn hàng đầu Nam Tư vào thời điểm ấy (tương đương các trí thức Tây học hàng đầu ở Việt Nam cùng thời điểm). Ông gia nhập Đảng cộng sản Nam Tư từ năm 1932. Năm 1938 ông được bầu vào ủy ban Trung ương đảng và trở thành ủy viên Bộ chính trị năm 1940.
Tháng 4 1941, khi Đức quốc xã và phát xít Ý đánh bại quân đội hoàng gia Nam Tư, Djilas giữ cấp bậc trung tướng, cùng với thủ lĩnh Đảng là Tito thành lập lực lượng du kích kháng chiến. Khi chiến tranh chấm dứt, 1945, ông trở thành bộ trưởng nội các của chính phủ Tito. Ông đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giữ cho Nam Tư độc lập với Liên Xô vào năm 1948. Những kinh nghiệm chiến tranh của Djilas và những cuộc gặp mặt với chủ tịch Liên Xô Stalin dần dần làm tan vỡ ảo tưởng của ông về chủ nghĩa Stalin, với Liên Xô và cả chủ nghĩa cộng sản.
Về Stalin lãnh tụ và biểu tượng điển hình của Liên Xô, trong phần kết luận của cuốn sách “Nói chuyện với Stalin”, viết tại Beograd, 9.11.1961, Milovan viết ngắn gọn:
“Stalin có thể thực hiện mọi tội ác, chưa có tội ác nào mà ông ta không phạm. Dù dùng tiêu chuẩn nào thì ông ta cũng là một kẻ tội đồ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, chúng ta hãy hi vọng như thế”.
Vào tháng 1 năm 1953 Djilas được bổ nhiệm làm phó Tổng thống, tháng 12 ông được bầu làm chủ tịch Quốc hội liên bang.
Trong cuộc đời hoạt động đảng, ông từng bị các “đồng chí” bắt bỏ tù hai lần vì bất đồng chính kiến. Tháng 4 năm 1954, ông tự rút ra khỏi đảng cộng sản Nam Tư.
Công trình của Milovan gồm 9 chương:
Lời nói đầu Nguồn gốc (chủ nghĩa cộng sản) Đặc điểm của cách mạng Giai cấp mới Nhà nước đảng trị Nền kinh tế bao cấp Khủng bố về mặt tinh thần Mục đích và phương tiện Bản chất Chủ nghĩa cộng sản dân tộc (giai đoạn thoái trào)
Nhìn qua cấu trúc công trình, hiện rõ một công phu nghiên cứu khoa học và nghiêm túc về Chủ nghĩa cộng sản và Đảng cộng sản.
Xin nói ngay, “GIAI CẤP MỚI” chính là “giai cấp quan chức cộng sản cầm quyền”.
Hãy xem lại định nghĩa của Marx sau đây:
Giai cấp theo định nghĩa của K. Marx: chuẩn mực chủ yếu của sự phân chia giai cấp xã hội là quan hệ đối với tư liệu sản xuất, có sở hữu về tư liệu sản xuất hay không, là vai trò đối với quá trình sản xuất, quản lý quá trình đó hay bị quản lý bởi quá trình đó, là cách phân chia kết quả sản xuất, cách phân phối và hưởng thụ sản phẩm xã hội. Với những chuẩn mực kinh tế ấy, các giai cấp có những dấu hiệu xã hội và chính trị khác nhau như lối sống, địa vị xã hội, văn hóa, ý thức, v.v…
Nếu theo quan điểm của Marx thì cái giai cấp “đảng cộng sản cầm quyền” vượt ngoài định nghĩa, là một thứ “siêu giai cấp”. Trong tay “giai cấp mới” đó không có tư liệu sản xuất, không có phương thức sản xuất tiên tiến, họ chỉ có súng đạn, “ai có dao dùng dao, ai có súng dùng súng, không có súng thì dùng cuốc. thuổng. gậy. gộc”. Còn Mao Trạch Đông thì khẳng định xanh rờn “Súng đẻ ra chính quyền”. Người Việt ngày nay không thể dùng quan điểm giai cấp của Marx nên tạm gọi “giai cấp mới”, đó là “hệ thống nhóm lợi ích ĐẢNG CS”.
Lời nói đầu của Milovan Djilas:
“ý định của tôi là sử dụng nhiều cách tiếp cận để vẽ lên mặt thật của chủ nghĩa cộng sản trong một tác phẩm sao cho vừa ngắn gọn vừa đầy đủ nhất”.
“Tôi, một trí thức đã đi trọn con đường mà một đảng viên cộng sản có thể đi. Từ chức vụ thấp nhất, từ các cơ sở cơ sở cho đến quốc gia và quốc tế, từ việc thành lập một dảng cộng sản chân chính, chuẩn bị cách mạng, đến việc tham gia xây dựng cái gọi là “chế độ xã hội chủ nghĩa”. Không ai buộc tôi phải tham gia hay từ bỏ chủ nghĩa cộng sản cả.
Tôi đã thấy và tôi đã trình bày tất cả mà không ngượng ngùng khi thú nhận rằng mình đã là sản phẩm của nó, có lúc đã là người tham gia xây dựng nó”.
Nguồn gốc (chủ nghĩa cộng sản)
Tác giả lướt qua quá trình hình thành chủ nghĩa cộng sản: nêu lên những cơ sở tư tưởng trước Marx, tới Marx, Engels rồi tới Lenin, Stalin và điểm qua các đảng phương đông.
CNCS có nguồn gốc sâu xa từ trong quá khứ… Cơ sở của lý thuyết CS là “vật chất có trước và tất cả đều vận động” được kế thừa từ những nhà tư tưởng giai đoạn trước đó không lâu. Nhưng CNCS càng kéo dài, càng mạnh lên thì vai trò những nguyên lý nói trên càng nhỏ đi. Điều đó cũng dễ hiểu, sau khi nắm được“tay lái”, nó chỉ còn đo thế giới bên ngoài bằng chính cái thước đo của mình và không còn muốn vận động, không muốn thay đổi nữa”.
“Giai cấp mới” |
Chỉ một đoạn văn ngắn, Milovan đã chỉ ra quá trình và bản chất của CNCS hiện đại. Tác giả dùng cả đời mình vừa thực hành lãnh đạo Đảng vừa được Đảng giao nhiệm vụ nghiên cứu để viết thoát ra được hai câu văn chân lý đau khổ đó. Nếu bạn đọc không có thời gian đọc trọn cuốn sách mỏng 120 trang thì bấy nhiêu cũng tạm đủ rồi.
Xin đọc tiếp vài đoạn khác:
“Marx cho rằng sự cáo chung của xã hội tư bản sẽ diễn ra trong cuộc quyết đấu giữa GCTS và GCVS”. Quan điểm của ông thể hiện trong bộ Tư bản luận, trong thời gian ấy hàng loạt cuộc khủng hoảng đặc trưng của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX, dẫn ông tới giải pháp được cho là duy nhất,có cơ sở, là “cách mạng”.
“Các luận điểm cách mạng của Marx mới chỉ là giả định và hoàn toàn không phải giải pháp bắt buộc đối với mọi nước mọi nơi”. Tiếc thay, học thuyết đến tay Lê Nin thì “ông ta đã biến nó thành nguyên lý tối thượng và vạn năng”.
Hai đọan văn trên đã vẽ ra chân dung của “cặp đôi không hoàn hảo” mang tên “chủ nghĩa Mác- Lê Nin”.
Vài chục năm sau, các đảng khác, “chỉ dùng Marx như tấm bình phong che đậy cho những hoạt động thực tiễn trong những hoàn cảnh đã khác thời Marx rất xa”. Họ luôn luôn hô khẩu hiệu “kiên định” (!)
Chủ nghĩa Marx đã trở nên hình ảnh “đầu voi đuôi chuột” và biến dạng.
“Nếu Tây Âu đánh giá Marx chủ yếu vì vai trò lịch sử và những đóng góp khoa học của ông, thì tại phương Đông ông là nhà đại tiên tri của thời đại mới, học thuyết của ông trở thành “thuốc phiện”, trở thành một tôn giáo mới”.
Đặc điểm của Cách mạng
Đảng cộng sản tuyên bố và thực thi: “tiêu diệt một cách triệt để quan hệ sở hữu cũ – lực cản trên đường dẫn đến mục đích đã được lựa chọn. Không có đảng nào có thái độ quyết liệt như vậy đối với quan hệ sở hữu, không có đảng nào có xu hướng công nghiệp hoá đến như vậy”.
Bạo lực song song với tuyên truyền lôi kéo quần chúng, đảng viên:
“Cách mạng và công nghiệp hoá một cách nhanh chóng đòi hỏi rất nhiều hi sinh, đòi hỏi những hành động bạo lực vô cùng dã man, lí trí không thể nào tưởng tượng nổi, đòi hỏi không chỉ những lời hứa mà còn niềm tin vào Thiên đàng trên trái đất nữa”.
Họ chỉ dùng bạo lực vô sản, thay cho khoa học “Chiến thắng của những người cộng sản Nga không có liên quan gì đến tính khoa học của các quan điểm của họ”.
Chủ nghĩa xã hội, trong hệ tư tưởng là các khẩu hiệu, những hứa hẹn và những lời có cánh, còn trên thực tế, là một hình thức quyền lực và sở hữu đặc thù.
Thử áp dụng xem xét bối cảnh Việt Nam đầu thế kỷ 20, thì ra nước ta cũng “chưa có điều kiện và nguyện vọng tiến lên CNXH”:
“Sự khác nhau giữa cách mạng xã hội chủ nghĩa và cách mạng tư sản là trong trường hợp sau đã có sẵn các hình thức quan hệ tư bản chủ nghĩa, còn đối với chính quyền Xô Viết, chính quyền vô sản, thì các quan hệ này chưa có sẵn”.
Phân tích như thế, chúng ta đi đến kết luận phản biện: nếu các điều kiện cho xã hội mới chưa chín muồi thì làm cách mạng để làm gì? Làm sao cuộc cách mạng ấy lại có thể xảy ra được? Làm sao nó lại có thể đứng vững được, mặc dù các quan hệ xã hội mới chưa hề tồn tại trong lòng xã hội cũ?
Từ những điều đã trình bày, có thể có cảm tưởng rằng cách mạng cộng sản luôn luôn là một sự tình cờ có tính lịch sử và một sự lừa dối vĩ đại. Theo một nghĩa nào đó thì lí do như sau: không có cuộc cách mạng nào lại đòi hỏi những hoàn cảnh đặc biệt đến như thế và cũng không có cuộc cách mạng nào hứa hẹn nhiều như thế mà lại làm ít đến như thế.
Thói mị dân, những lời nói quanh co, không nhất quán là đặc trưng của các lãnh tụ cộng sản, nhất là khi họ buộc phải hứa hẹn một xã hội siêu lí tưởng và “thủ tiêu tất cả áp bức, bóc lột”.
Ban đầu thành thực, về sau lừa dối
Tác giả đã rất công bằng mà nhận định rằng:
”… cũng không thể nói rằng cộng sản đã lừa nhân dân, không thể nói rằng họ đã cố tình đánh lừa rồi sau không chịu thực hiện. Sự thật đơn giản là: họ không thể thực hiện được điều mà chính họ đã nhiệt liệt tin tưởng”.
Như vậy, ta có thể kết luận rằng với một số nước, trong một giai đoạn phát triển nhất định, cuộc cách mạng xã hội của họ không xuất hiện một cách vô tình và trái tự nhiên. Đấy là lí do vì sao xã hội đó, trong một giai đoạn nhất định, giai đoạn công nghiệp hoá, đã phải chịu và chịu đựng được bạo lực cộng sản, dù nó có tàn khốc và vô nhân đến mức nào. Sau giai đoạn đó, bạo lực đã không còn cần thiết nữa, nó chỉ còn được sử dụng để đảm bảo đặc quyền ăn cướp của giai cấp mới mà thôi. Khác hẳn với các cuộc cách mạng trong quá khứ, cách mạng cộng sản nhân danh tiêu diệt giai cấp đã lập nên ách thống trị của một “giai cấp mới”.
Giai cấp mới
Dễ hiểu là giai cấp mới này, cũng như mọi giai cấp trước nó trong quá khứ, đã tự coi sự thống trị của mình là sự toàn thắng của hạnh phúc và tự do cho tất cả mọi người. Chỉ có một khác biệt duy nhất: thiếu khoan dung hơn, nó không cho phép nghi ngờ những ảo tưởng do nó áp đặt và không cho phép nghi ngờ quyền cai trị của mình. Điều đó lại chứng tỏ rằng sự thống trị của nó toàn triệt hơn mọi chế độ từng được biết đến trong lịch sử, thành kiến và ảo tưởng giai cấp của nó cũng tương đương như thế.
Giai cấp mới, tầng lớp quan liêu, đúng hơn phải nói tầng lớp chính trị quan liêu, không những mang trong mình nó tất cả đặc thù của các giai cấp bóc lột trước đó mà còn có những đặc trưng riêng biệt, khác hẳn. Ngay nguồn gốc của nó, tuy có nhiều điểm chung với sự xuất hiện của những giai cấp khác, nhưng vẫn có những khác biệt.
Các giai cấp khác, trong đại đa số các trường hợp, cũng giành được tài sản và quyền lực bằng con đường cách mạng, nghĩa là phá bỏ các quan hệ chính trị, xã hội và các quan hệ cũ khác. Nhưng những giai cấp đó giành được chính quyền sau khi các hình thức kinh tế mới đã có thế thượng phong trong lòng xã hội cũ. Giai cấp mới, trong hệ thống cộng sản xuất hiện không phải với mục đích hoàn thành các cuộc cải cách mà với ý định đặt nền móng cho các quan hệ kinh tế mới và sự thống trị của chính nó đối với xã hội.
Vì sao Đảng thường nói họ là “đại diện giai cấp công nhân” nhưng thực tế không phải vậy?
Con đường đưa “giai cấp mới” đến với quyền lực là tham gia vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và những tầng lớp cùng khổ khác. Những tầng lớp này chính là chỗ dựa của đảng, đúng hơn phải nói: của giai cấp mới. Quyền lợi của các lực lượng này liên kết chặt chẽ với nhau cho đến khi giai cấp mới thiết lập được sự thống trị của mình. Sau đó thì giai cấp vô sản và các tầng lớp nghèo khổ khác chỉ còn được quan tâm vì nhu cầu của sản xuất và giữ cho những tầng lớp dễ biến động và nổi loạn trong vòng kìm kẹp mà thôi.
Nói cách khác, “giai cấp mới” đã phản bội giai cấp công nhân và giai cấp vô sản khi đã giành được chính quyền.
Địa vị độc tôn đối với toàn xã hội mà giai cấp mới nhân danh giai cấp công nhân lập nên trước hết là sự độc tôn ngay với giai cấp công nhân, ban đầu là trong lĩnh vực tinh thần, dưới danh nghĩa là “đội tiên phong của giai cấp vô sản”, sau đó là trong tất cả các lĩnh vực khác, thực chất là một sự lừa dối vĩ đại mà “giai cấp mới” buộc phải thực hiện (…) ”Giai cấp mới” luôn luôn được bổ sung bằng những người xuất thân từ giai cấp công nhân. Số phận của tầng lớp nô lệ từ xưa đến nay vẫn là như thế, họ phải cống nạp cho các ông chủ những đại diện tài năng nhất, có tầm nhìn xa trông rộng nhất của mình. Trong trường hợp này giai cấp bóc lột mới đã phát sinh và phát triển từ chính giai cấp bị bóc lột. (Nói cách khác, nó phá vỡ quan điểm giai cấp của Marx – PHN)
Kỳ sau: Nhà nước đảng trị- Nền kinh tế bao cấp – Khủng bố về mặt tinh thần- Mục đích và phương tiện – Bản chất
Tham khảo: