Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Giảm thiểu huy động tiền: Người gửi trả giá thay ngân hàng

Viết Lê Quân

(VNTB) – Làn sóng kéo giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chưa có đà ngưng nghỉ, khiến chúng ta phải hình dung một viễn cảnh không mấy xa xôi là lãi suất có thể… âm.

Mối lo vĩ đại

Lãi suất âm lại là một thực tồn trần trụi ở Tây Âu khi nền kinh tế ngầy ngật trong cơn suy thoái kéo dài. Quá nhiều ngân hàng dư tiền mà không thể cho vay được đã kéo theo chính sách “giảm phát” euro. Nhiều người dân, thay vì mang tiền đến gửi ngân hàng theo thói quen, bắt đầu cất giữ tiền dưới gầm giường nhà mình hoặc bỏ tiền vào bất động sản, chứng khoán.

Nhưng mối lo của hệ thống ngân hàng Việt Nam còn vĩ đại hơn nhiều. Trong khi châu Âu và Hoa Kỳ chưa phải “lăn tăn” bởi những con số nợ xấu tràn ngập, lại có đến ít nhất 250.000 tỷ đồng nợ khó thu hồi đang đe dọa hầu hết các ngân hàng Việt Nam, kể cả những ngân hàng lớn nhất như Vietcombank, BIDV. Còn với Agribank – ngân hàng được xem là huy hoàng nhất về doanh số huy động và cho vay – vấn đề không cần phải bàn cãi, vì thực ra ngân hàng này chiếm giải quán quân về nợ xấu và số cán bộ lãnh đạo bị khởi tố.

Tuy nhiên, con số thực về nợ xấu ở Việt Nam thì có lẽ chỉ có Trời Đất và từng ngân hàng biết, chứ không một cơ quan nhà nước nào, kể cả Ngân hàng nhà nước và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, kể cả Bộ chính trị… có thể tường tận.

Vấn đề đặt ra là nếu con số thực vọt lên gấp đôi con số báo cáo hiện thời, tức có thể vượt quá 500.000 tỷ đồng, hậu quả sẽ ra sao?

Cũng chưa một ai phác ra được lời giải cho bài toán cực kỳ nan giải này. Chỉ biết rằng trong không khí tràn ngập tiền ứ đọng trong két sắt, các ngân hàng không còn mấy nhu cầu huy động vốn. Thậm chí đã cả năm nay, nhiều ngân hàng phải lao vào phong trào mua trái phiếu chính phủ để hưởng lãi cỏn con, đơn giản vì họ không còn cách nào khác. Đến kỳ đáo hạn, tiền từ chính phủ lại tuôn chảy về ngân hàng và càng làm cho ngân hàng dồi dào tiền mặt hơn.

Bi kịch của nền kinh tế cũng chính ở chỗ đó. Không phải ngân hàng thiếu tiền mặt, thậm chí họ còn dôi dư hàng trăm ngàn tỷ đồng mà không biết để làm gì. Nhưng ngược lại, thị trường sản xuất và tiêu dùng hầu như phải thở oxy vì không nhận được dòng tiền lưu thông đều đặn. Hệ số lưu thông tiền mặt hiện thời so với năm 2010 đã giảm đến 2/3.

Ai phải trả giá thay ngân hàng?

Khó mà nhìn nhận khác hơn là chính sách kéo giảm lãi suất huy động của ngân hàng trong thời gian qua đã càng phản ánh về điều được xem là “kinh tế đang phục hồi”. Nếu cả những ngân hàng đầu tàu như BIDV và Vietcombank còn phải dần đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng xuống dưới mức 5%, thậm chí có ngân hàng còn ấn định chỉ 4,5%, có thể hình dung trong tương lai không xa, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ còn “xuống” nữa.

Nhưng cho dù lãi suất tiền gửi ngày càng thấp, mặt bằng lãi suất cho vay không vì thế được kéo giảm tương ứng. Chênh biệt giữa hai loại lãi suất này hiện nay vẫn từ 3-5%, đủ để “nuôi” ngân hàng và vẫn không làm mờ đi hình ảnh “doanh nghiệp bị hút máu”.

Một khi lãi suất cho vay không giảm hoặc không muốn giảm, sẽ đừng hy vọng gì vào chuyện tín dụng có thể tăng trưởng đến 12% theo “quyết tâm” của giới lãnh đạo đầy quan liêu của Ngân hàng nhà nước. Trong nửa đầu năm 2014, mức tăng trưởng tín dụng bình quân chỉ vào khoảng 3%, trong đó một phần cơ bản dành cho những doanh nghiệp “đầu đàn” chứ không phải cho thị trường khách cá nhân và doanh nghiệp nói chung.

Rất nhiều người dân đang tự hỏi sẽ phải làm gì một khi tiền của họ cứ mỗi ngày một “hao hụt” trong ngân hàng. Hiển nhiên là tác động của đà sụt giảm lãi suất tiền gửi đang làm ảnh hưởng đến phần lớn đối tượng xã hội, đặc biệt giới về hưu – những người chỉ biết trông chờ vào sổ tiết kiệm.

Đó cũng là hậu quả mà nhóm lợi ích ngân hàng đã gây ra, từ “cực tả” sang “cực hữu”, chuyển từ lãi suất huy động cao chót vót đến 20% vào năm 2011 về chỉ còn 5% như hiện thời. Sự bất nhất và quay quắt ghê gớm như thế đang làm khốn đốn cả một nền kinh tế và đời sống dân sinh.

Viết Lê Quân

Tin bài liên quan:

Dự luật “tăng quyền cho thủ tướng”: Đội nào sẽ thắng?

Phan Thanh Hung

Âm mưu tăng giá điện: EVN sắp giáng lên đầu người dân “món quà mừng năm mới”

Phan Thanh Hung

Lại giảm lãi suất huy động: Ngân hàng “muốn” gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.