Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
(VNTB) – Từ lâu, nền dân chủ Mỹ vẫn được xem như biểu tượng trên toàn thế giới, thế rồi những khiếm khuyết của nó có khi dễ bị bỏ qua, coi nhẹ, thậm chí che đậy vì mục đích chính trị nhất thời.
“Yêu nhau yêu cả đường đi …”
Không ít người Việt do quá chán ngán thực trạng xã hội nước mình nên không muốn tin là cái “biểu tượng” kia cũng có khi, có chỗ bị hoen ố.
Nhiều người do bênh vực phe này, phe kia, lại cũng không muốn “bới bèo ra bọ” để phải công nhận mặt trái của nó, thế là tránh né công nhận hoặc tìm cách biện hộ.
Nước Mỹ trở nên hùng mạnh và dân chủ số một thế giới cũng phần vì người dân biết tự soi mình và nhanh chóng sửa chữa những sai lầm.
Người Việt, ở cả tại nước Mỹ và trong nước, nếu lại mắc vào đúng cái “bệnh” như bẩm sinh của các chế độ toàn trị là che giấu cái xấu thì thật không nên. Nhất là lúc này, những khiếm khuyết trong xã hội Mỹ đang lộ ra dần với một mức độ hiếm thấy đi liền với thời gian cận kề và diễn tiến khốc liệt trong ngày bầu cử tổng thống.
“Gian lận trong bầu cử”
Trong trả lời phỏng vấn của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 05/11/2020, (1) tôi đã đề cập tới sự bất hợp lý trong hệ thống bầu cử Mỹ:
“… Trước đây, các xung khắc xã hội chưa đến độ lộ ra. Nhưng nay qua báo chí tôi thấy lại hiện ra tất cả những điều bất hợp lý đó, vì người ta có thể tìm cách này hay cách khác để gian dối, và rất tinh vi… ở cả hai phe, cả những điểm bỏ phiếu, đường bưu điện… từ việc dùng bút này bút kia đến việc bỏ phiếu lúc rạng sáng…”
“Điều này cho thấy nền dân chủ có khiếm khuyết ghê gớm!”
Trong mục Điểm báo tuần của Đài quốc tế Pháp (RFI) ngày 07/11/2020, (2) có đoạn:
“Về việc Donald Trump từ trước bầu cử đã nói bóng gió về nạn gian lận, theo Spectator điều này không tốt cho truyền thống dân chủ. Tuy nhiên tờ báo cũng nhận định từ thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20, gian lận bầu cử vẫn thường xuyên diễn ra ở Mỹ. Chẳng hạn cuộc bầu cử năm 1876, ứng cử viên Cộng Hòa Rutherford Hayes, người hùng trong cuộc nội chiến đối mặt với Samuel Tilden của đảng Dân Chủ. Do kết quả bị tranh cãi, một ủy ban trọng tài được thành lập gồm các thành viên Quốc Hội và các thẩm phán Tối cao Pháp viện. Phe Cộng Hòa có hơn một đại diện, và ông Hayes được lên làm tổng thống với 185/184 phiếu. Kết quả chung cuộc được loan báo bốn tháng sau ngày bầu cử.”
Và chẳng phải nói đâu xa, năm 2017, sau cuộc bầu cử đến nửa năm, chính Tổng thống Donald Trump đã phải ký lệnh thành lập Ủy ban điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử. (3) Rồi nửa năm sau, ông ra sắc lệnh giải thể cơ quan này, với lý do nhiều tiểu bang không chịu hợp tác. (4) Thế là mối hồ nghi vẫn đang còn đó.
Còn hôm nay, trong lúc hàng triệu người vừa thở phào cùng ăn mừng hoặc buồn bã sau khi nghe tin kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, thì liên tiếp có những thông tin không vui liên quan – chuyện “gian lận bầu cử”.
Nhiều báo Việt Nam, như Công an TPHCM, (5) Thanh tra, Thế giới&Việt Nam tổng hợp thông tin từ TTXVN và các báo Mỹ như The Hill, (6) MSN, FOX NEWS, … đều đưa tin Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ tuyên bố sẽ điều tra “những cáo buộc đáng tin” về sai phạm trong bầu cử.
Rõ hơn, tại tiểu bang Texas, “Tổng chưởng lý tiểu bang Ken Paxton hôm nay thông báo rằng Đơn vị Chống Gian lận Bầu cử của ông đã hỗ trợ Cảnh sát trưởng Quận Limestone và Biện lý Quận trong việc buộc tội Kelly Reagan Brunner, một nhân viên xã hội tại Trung tâm Hỗ trợ Cuộc sống của Bang Mexia (SSLC), với 134 tội danh cố ý hoạt động như một đặc vụ và gian lận bầu cử,” tiểu bang cho biết trong một tuyên bố.” (theo Sài Gòn Đầu tư tài chính, (7) tổng hợp từ báo Daily Wire) (8)
Quả là chuyện động trời!
Đó là mới nói tới các hiện tượng đã khá rõ, được cơ quan tư pháp, lập pháp Hoa Kỳ thực hiện.
Ngoài ra, còn nhiều các cáo buộc từ người dân, từ Đảng Cộng hòa về những dấu hiệu gian lận, như “có khoảng 6.000 lá phiếu của đảng Cộng hòa đã được kiểm sang cho đảng Dân chủ”, do lỗi … “phần mềm”, cùng nhiều vụ đáng ngờ khác ở các bang Pennsylvania, Michigan, Nevada, Wisconsin, New Jersy, … (9) (10)
Dù sao thì cũng mới chỉ ở mức “buộc tội”, “điều tra”, nghi vấn trong có vài ngày. Chúng ta vẫn phải chờ xem còn những vụ việc nào nữa, và chung cuộc các cáo buộc, buộc tội này sẽ ra sao sau những phiên tòa.
Tin rằng, dưới chế độ dân chủ như ngọn hải đăng, với nền tư pháp độc lập được hệ thống luật chặt chẽ yểm trợ, lại có sự kiểm soát của nhánh lập pháp, công luận, sự thật sẽ mau được sáng tỏ.
Hà Nội, ngày 08/11/2020
_________________
Ghi chú:
- Quan sát từ Việt Nam: Bầu cử Mỹ 2020 lộ ra những khiếm khuyết
- Bầu cử Mỹ: Giấc mơ chiếm Quốc Hội của Dân Chủ đã tan
- Tổng thống Mỹ lập ủy ban điều tra gian lận bầu cử
- Tổng thống Mỹ Trump giải thể ủy ban điều tra gian lận bầu cử
- Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ: Điều tra các “cáo buộc đáng tin” về sai phạm bầu cử
- Graham vows Senate Judiciary will investigate ‘voting irregularities’
- Texas buộc tội một nhân viên xã hội với 134 tội danh liên quan đến gian lận bầu cử
- Texas Charges Social Worker With 134 Felony Counts Involving Election Fraud
- Bầu cử Mỹ mới nhất: Xuất hiện cáo buộc gian lận…
10. Đảng Cộng hoà chỉ ra hàng loạt dấu hiệu gian lận phiếu bầu tại nhiều bang ở Mỹ
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả