Hồng Kỳ (VNTB) – Tân Hiệp Phát thiếu vị nhân, chỉ biết vị lợi, không lấy đạo đức kinh doanh làm cốt lõi nên bị con ruồi 500 triệu làm sụp đổ cả một thương hiệu nước giải khát cũng là chuyện tất yếu của thương trường hiện nay, và cả về sau.
Tân Hiệp Phát – trước sau như một
Ông Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) chính thức lên tiếng, khẳng định: “Thông tin trên báo chí thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của Tân Hiệp Phát”, trong lúc vào sáng 11/3, lại có thêm một người dùng Đà Nẵng, phải đem chai sữa đậu nành đến Hội bảo vệ người tiêu dùng Đà Năng, do có mốc đen bên trong, theo báo GTVT phản ánh.
Sự ra mặt của ông chủ tập đoàn THP, ông Trần Quý Thanh không làm thay đổi quan điểm xử sự sản phẩm lỗi, vẫn là: “Hiện tượng mốc là do khâu lưu thông, phân phối quăng, ném, vận chuyển. Là do lỗi của các cửa hàng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, không phải lỗi của công ty Tân Hiệp Phát.”
THP là điển hình cho kiểu doanh nghiệp bề trên, coi thường người dùng |
Ông Thanh còn cho rằng: “Người tiêu dùng trước đó uống, giờ ngại sản phẩm của Tân Hiệp Phát là vì truyền thông, chứ không phải sự thật, nên phải xem xét lại.”
Qua cách nói ấy đã cho thấy sự khủng hoảng trong kinh doanh của tập đoàn này, có điều bài học về xử lý khủng hoảng do chất lượng sản phẩm lỗi vẫn chưa được rút ra, vẫn tiếp tục là đổ lỗi, hết khách hàng, đến thế lực thù địch, doanh nghiệp cạnh tranh, và giờ là “lỗi các cửa hàng”, và truyền thông… Có vẻ như đối tượng đổ lỗi của tập đoàn THP ngày một dài thêm.
Chính sự đổ lỗi triền miên đó khiến cho niềm tin giảm sút, không chỉ người dùng, mà giờ đây là các đại lý phân phối sản phẩm của công ty, truyền thông báo chí trong nước đối với tập đoàn này!
Đó là một sự thiếu thiện chí, không có sự hồi tâm của một doanh nghiệp Việt. Thậm chí, theo GTVT, khi được hỏi về “phương án giải quyết”, ông Trần Quý Thanh không những không đưa ra giải pháp, mà lại đẩy “phương án giải quyết” về phía chính quyền, báo chí, khi cảnh báo nếu chính quyền, truyền thông không có biện pháp bảo vệ công ty này, thì có thể công ty sẽ bị mất uy tín và dẹp bỏ, trong khi “ngành này mang về cho nhà nước hàng chục ngàn tỷ và giúp hàng triệu lao động lao động có việc làm.”
![]() |
Quy trình sản xuất khép kín và cỏ rác bên trong chai. Ảnh: Petrotimes |
Nhưng liệu, một tập đoàn chỉ thích đẩy lỗi về phía đối tượng khác, trong khi lỗi đó xuất hiện ngay chính trong sản phẩm của mình có đáng được giữ lại hay không? Một doanh nghiệp Việt, để sản phẩm lỗi diễn ra liên tiếp, dù nó được quảng cáo là ra đời trong một quy trình nghiêm ngặt có đáng phải bào chữa, và thực hiện chiến dịch “giữ uy tín” bằng mọi giá không?
Có vẻ lần này, Tân Hiệp Phát đã phải dùng tới chiêu trò cuối cùng là “hàng chục tỷ đồng và hàng triệu công việc” để cứu vớt hình ảnh làm ăn gian dối của mình. Nhưng có vẻ đã là quá muộn, vì truyền thông nhà nước, và người dân Việt Nam bây giờ không còn là những con bò dễ dàng bị dắt mũi nữa. Họ có quyền tẩy chay những sản phẩm không chất lượng, những doanh nghiệp làm ăn gian dối, như Vedan – Thị Vải một thời.
Gian thương kiểu… THP
Tân Hiệp Phát và vụ con ruồi 500 triệu vừa qua không phải là sự kiện nhất thời, mà nó kéo dài từ thời điểm doanh nghiệp này bị cơ quan chức năng phát hiện 26 tấn hương liệu chế biến nước giải khát do nước ngoài sản xuất đã hết hạn sử dụng trong tháng 6 năm 2009 (THP dàn đè hạn dùng mới lên), rồi sau đó hàng loạt sản phẩm bị xủi bọt, chứa vật lạ, thậm chí là gián, ruồi…
Gian thương kiểu THP, đặt lợi nhuận trên đạo đức kinh doanh |
Nhưng công ty này không những không tìm cách chấn chỉnh sản phẩm, mà ngược lại liên tiếp tìm cách biện hộ, biện hộ bằng cách đổ lỗi cho người dùng (bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc THP, khẳng định sản phẩm hư hỏng do quá trình vận chuyển và lưu thông là có thể xảy ra), biện hộ bằng cách bẫy người dùng (từ năm 2012, khi bẫy thành công ông Trần Quốc Tuấn nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong), biện hộ bằng cả cách… đổ lỗi cho thế hệ thù địch (Phạm Lê Tấn Phong, giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát). Và mới đây là ông chủ Tân Hiệp Phát biện hộ bằng cách đổ lỗi cho đại lý phân phối, truyền thông báo chí.
Chưa kể đến việc THP chi phối luôn cả kết quả thanh tra, biến từ 30 ngày thanh tra theo dự định xuống còn trong vòng một ngày. Gần đây nhất, theo phản ảnh của báo Tiền Phong, khi một người dân Đà Nẵng phát hiện một số chai nước Soya Number 1 của Tân Hiệp Phát kém chất lượng, “dân gọi điện đến đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, chưa thấy người của Hội đến kiểm tra, dân lại nhận được điện thoại yêu cầu… im lặng.”
Tất cả cách ứng xử đó đều lậm kiểu “bề trên” (ảo tưởng tiền và quyền trong tay có thể che cả một bầu trời), thiếu chuyên nghiệp (đổ lỗi, ăn vạ, suy diễn vô căn cứ), vô đạo đức (gài bẫy, lật lọng, lừa khách hàng, gian dối trong khai báo hương liệu, thông tin quảng cáo…). Trước đó, doanh nghiệp THP cũng nhiều lần bị Sở tài nguyên môi trường Dĩ An thanh tra và xử phạt vì tội xả thải không qua xử lý.
Những doanh nghiệp Việt kiểu này không những thiếu khả năng tranh giành trong khi hội nhập kinh tế ngày một sâu rộng, mà còn đầu độc người dùng Việt qua cách làm ăn cẩu thả, chịu đấm ăn xôi, với những sản phẩm lỗi liên tiếp của mình.
Qua đó, để thấy rằng, trong môi trường kinh tế cạnh tranh hiện nay, bản thân doanh nghiệp phải dốc sức trong khả năng kinh doanh, tu bổ và giữ gìn đạo đức doanh nghiệp… Đó mới chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng một doanh nghiệp Việt vững mạnh trong người Việt (có sản phẩm cạnh tranh cao, chất lượng), chứ không phải là tìm mọi cách gán ghép, chèo kéo “lòng yêu nước” như Trung Nguyên, và giờ là Tân Hiệp Phát để phát triển với tâm thế “gian thương.” Rồi đến một lúc phản bội niềm tin cộng đồng, khi bị phát lộ làm ăn gian dối thì tìm cách chối lỗi, thanh minh.
Yêu nước nhưng không mù quáng
Phải khẳng định rằng, người Việt luôn có tinh thần dân tộc, yêu nước. Họ sẵn sàng ủng hộ hàng Việt, làm giàu cho doanh nghiệp Việt để xây dựng quốc gia, vì thế bấy lâu nay VietTien, AnPhuoc, Mattana, Mỹ Hảo, dầu gội Fresh, nước khoáng Vĩnh Hảo, bút Thiên Long, bánh kẹo Kinh Đô, bia Sài Gòn, Vinamilk, Vinacafe… đã không những chiếm lĩnh người dùng Việt, mà còn bước ra khỏi biên giới cạnh tranh với nước ngoài.
Điều đó cho thấy, người Việt chấp nhận sự khiếm khuyết về hương nhu liệu, về mẫu mã để “ủng hộ nền kinh tế nước nhà”, nhưng người Việt không chấp nhận sự lời ăn gian dối, lấy tiền bịt miệng của bất kỳ doanh nghiệp nào. Bởi điều đó chỉ dẫn đến một nền kinh tế èo uột, không vững mạnh.
Một số người thường lấy xu hướng dân tộc của Nhật Bản, Hàn Quốc để tìm cách lôi kéo, bao che lỗi lầm của doanh nghiệp Việt, trong đó có dẫn giải người Hàn Quốc, Nhật Bản hay tìm mọi cách sử dụng sản phẩm do nước mình làm ra (Hàn Quốc thì Samsung, LG…; Nhật Bản thì Sharp, Honda, Mitsubishi,…)
Nhưng để có được sự ưu tiên đó, Nhật Bản, Hàn Quốc chú trọng và đặc biệt chú trọng thị trường nội địa, được gọi là “sản phẩm nội địa”, và sản phẩm này phải có những đặc tính dành riêng cho người dân trong nước, về mẫu mã (thiết kế đẹp tiện dụng, đa năng), chất lượng (áp dụng công nghệ mới nhất), thậm chí chú thích cũng phải là ngôn ngữ trong nước, và hầu như các sản phẩm này không được bán ra bên ngoài. Đó chính là cách ứng xử đạo đức, đặt niềm tin sản phẩm, chất lượng sản phẩm để lôi kéo ủng hộ người dùng tại Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thế nên, một khi doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng chất lượng (mức tối thiểu) và đạo đức kinh doanh thì người Việt không cần thiết phải cố sống, cố chết để “uống, ăn, dùng” những thứ sản phẩm độc hại, kém chất lượng… Thay vào đó, bản thân người dân có thể ủng hộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, miễn là tạo được nhiều công ăn việc làm, sản phẩm an toàn vệ sinh, chăm lo đời sống công nhân tốt, đóng thuế đầy đủ… như cái cách mà nhà nước đang tìm cách ưu đãi doanh nghiệp FDI.
Doanh nghiệp Việt: Muốn vị lợi, cần vị nhân
THP giờ đây không khác gì kiểu cách làm ăn của các gian thương Việt khi làm nên những sản phẩm “hàng Việt ruột Trung Quốc” (áo quần mang danh Việt Nam xuất khẩu, đồ công nghệ) nhằm đánh lừa người dùng, lợi dụng phong trào “người Việt dùng hàng Việt” để tuồn hàng tồn, hàng kém chất lượng, kém an toàn, hàng ế thừa hay gần hết hạn sử dụng về phía người Việt ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong khi đó hàng tốt lại ưu tiên dành cho xuất khẩu – tâm lý chuộng ngoại vẫn tồn tại trong doanh nghiệp.
Vậy làm sao trách sự quay lưng của người Việt đối với hàng Việt? Chính vì thái độ thờ ơ nội địa, coi thường chính người dân Việt Nam, thiếu đạo đức kinh doanh, làm ăn với thái độ trông chờ – ỷ lại trong nền kinh tế thị trường, nên dù đã có một phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát động rầm rộ cách đây 6 năm, vẫn không thể khiến cho hàng nội làm chủ tình hình thực tế tại thị trường trong nước.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi – một nhà tư sản dân tộc đầu thế kỷ 20, người biết gắn nghiệp kinh doanh của mình với tinh thần dân tộc. Cái cách ông, “treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu đỡ phần lỗ lã, đủ sức cạnh tranh.” Cho thấy cái đức và sự quyết tâm trong kinh doanh của ông, ông để người dân nhìn thấy việc làm của mình mà tự quyết nó có đáng được ủng hộ hay không. Có lẽ, doanh nghiệp Việt Nam cũng nên học tập cái tinh thần qua việc làm nhỏ đó của cụ, để đừng bao giờ ăn hại trên lòng yêu nước của người dân Việt Nam.
Bởi muốn có vị lợi, thì cần phải có vị nhân!
Tân Hiệp Phát thiếu vị nhân, chỉ biết vị lợi, không lấy đạo đức kinh doanh làm cốt lõi nên bị con ruồi 500 triệu làm sụp đổ cả một thương hiệu nước giải khát cũng là chuyện tất yếu của thương trường hiện nay, và cả về sau. Đó cũng là bài học cho các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Nhất là sắp tới, Thái Lan bắt đầu tràn vào thị trường nước ta – một thị trường mà họ đánh giá là tiềm năng.