Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giang hồ hiểm ác*

 

 

Trần Dzạ Dzũng

 

(VNTB) – Hổm rày đọc trên mạng xã hội, đặc biệt là tài khoản facebook của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đưa tin về ngờ vực rằng ông chủ tịch của hội này bị bắt bỏ tù vì dám lên tiếng yêu cầu hoãn phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam. Lý do: Việt Nam chưa bảo đảm tôn trọng nhân quyền cho chính nhân dân của họ.

 

Dĩ nhiên là ông bà chính quyền Hà Nội vô cùng khó chịu khi có người cứ đâm bị thóc, thọt bị gạo trong vụ Hiệp ước Tự do Mậu dịch ấy.

 

Ngay cả trong nội bộ Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, nghe đâu cũng có ý kiến rằng thay vì phản đối, hãy vỗ tay thúc nhanh Liên Âu sớm thông qua hiệp ước đó với Hà Nội.

 

Lập luận của vị hội viên từng là luật sư kể trên nghe cũng có lý. Nói theo ngôn ngữ báo chí ở xứ Việt, xin trích đăng ở đây như trò games show ‘Chọn giá đúng’:

 

RCEP hay EVFTA? Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership, viết tắt RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

 

Hiệp định RCEP được khởi xướng và dẫn dắt bởi ASEAN, nhưng có sự hậu thuẫn chính của Trung Quốc, nhằm đối chọi lại với TPP từng được Mỹ đỡ đầu.

 

Cho đến đầu tháng 11/2019 bộ trưởng từ 16 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đã không đạt được thỏa thuận về RCEP. Nếu được k‎ý kết, đây sẽ thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu và chiếm gần một nửa dân số thế giới.

 

16 nước thành viên RCEP đã kết thúc đàm phán 18 trong 20 lĩnh vực, nhưng dường như vẫn chưa đồng ý về các lĩnh vực chính gồm thuế quan, thương mại dịch vụ, tiếp cận thị trường và đầu tư.

 

Trung Quốc muốn kết thúc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt, vì nền kinh tế nước này đang chậm tăng trưởng, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ tiếp diễn.

 

EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và 28 nước châu Âu. EVFTA là một hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

 

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

 

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các hiệp định RCEP và EVFTA đều gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

 

Tuy nhiên, khác với các FTA khác, EVFTA yêu cầu mở cửa thị trường với gần như 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm thuế quan trong vòng 7 năm. Ngay sau năm 2020, hơn 85% dòng thuế sẽ về 0 – chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU. Và không chỉ cắt giảm thuế quan, ưu đãi thương mại từ EVFTA rất toàn diện, trải rộng từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, v.v….

 

Do đó, nếu vì bất cứ lý do gì khiến EVFTA không được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu sắp tới đây, thì điều đó sẽ mang lại bất lợi rất lớn cho Việt Nam, cả chính quyền lẫn người dân. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam khi đó sẽ dựa hẳn vào RCEP do Trung Quốc hậu thuẫn, chẳng những ưu đãi thương mại mà Việt Nam được hưởng không thể so sánh với EVFTA, mà viễn cảnh lệ thuộc hẳn vào nền kinh tế Trung Quốc càng trở nên hiện thực hơn.

 

Vì vậy, hãy cân nhắc sự lựa chọn chiến lược vào lúc này, EVFTA hay RCEP?”.

 

Xem ra câu trả lời ở đây lại liên quan tới đề xuất của ông nhà báo vừa bị bắt bỏ tù hồi hạ tuần tháng 11: lợi ích đó nếu có, phải thực sự phục vụ tốt nhứt cho người dân, chớ không phải chỉ là việc củng cố ngôi vị quyền lực chính trị nào đó.

 

Đạo luật Dân chủ và nhân quyền Hong Kong mà ngài tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 ký hồi tháng 11 vừa rồi là một ví dụ cho những đòi hỏi về nhân quyền cho người dân Việt Nam mà ông nhà báo kể trên bền bỉ đòi hỏi.

 

Nhớ lại hồi đó ở Sài Gòn từng có câu ‘giang hồ hiểm ác’ như trong tiểu thuyết feuilleton kiếm hiệp kỳ tình. Đúng là giờ chuyện thiệt, chuyện giả cứ trộn lộn tùng phèo kiểu như EVFTA hay RCEP trong đòi hỏi dân chủ – nhân quyền.

 

Ngó bộ giang hồ chính trị còn hiểm ác bội phần.

 

* Bài viết không thể hiện quan điểm của VNTB

Tin bài liên quan:

VNTB – Ở Việt Nam người dân không được quyền kêu gọi biểu tình

Phan Thanh Hung

VNTB – Bài học “bẫy nợ” từ dự án Cát Linh – Hà Đông

Do Van Tien

Có tới 300 tù nhân chính trị tại Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.