Minh Trí – Ngọc Thịnh
(VNTB) – Thuyền đi nước ngược. Không hướng tới tương lai, e rằng sẽ mãi khó “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như câu huấn thị của cố lãnh tụ đảng CSVN…
Thiếu tính sáng tạo
Nhắc đến giáo dục, ôi thôi, đủ thứ vấn đề: từ chương trình học, hình thức thi cho đến cách giảng dạy, học phí…. Theo quan điểm cá nhân của chúng tôi, thiếu tính sáng tạo và bảo thủ – duy ý chí là một trong số những nguyên nhân làm cho giáo dục Việt Nam thêm nặng nề, hiệu quả đạt được không bao nhiêu…
Điểm đầu tiên, chúng tôi muốn đề cập là trong hệ thống giáo dục Việt Nam thiếu tính sáng tạo. Suốt những năm cấp 1, cấp 2, cấp 3, vác cặp lên và đi… học, vô lớp, thầy cô giảng gì trò nghe đó. Nhất là môn Văn, ngày xưa, mỗi khi thầy cô cho ra đề thi gì mà không nói đúng như ý của thầy cô, hoặc nếu nói chệch theo phía khác, hầu hết sẽ bị điểm thấp ngay.
Một cựu học sinh lớp 12 nhớ lại: “Hồi đó, cô em cho ra cái đề đại khái nội dung là có nên hay không tình yêu trong phổ thông? Nhỏ bạn em nó chê cái vụ đó quá trời, kêu là không nên này nọ, phá hủy tương lai gì đó, cuối cùng nó được 8 điểm. Còn em, em viết khác, em nói vấn đề nào cũng có hai mặt, nếu tình yêu làm động lực cho con người học tốt hơn, có kết quả đẹp hơn thì vấn đề tình yêu trong học đường là chuyện tốt. Dĩ nhiên không thể phủ nhận có nhiều cặp vì yêu mà kém đi, như vậy thì không nên. Cuối cùng, em nhận được con 5 tròn trĩnh luôn…”.
Vậy đó, nếu duy trì cách học vẹt, thầy cô dạy sao trò nghe vậy thì làm sao giáo dục Việt Nam có thể phát triển? Tìm hiểu nguyên nhân, phải chăng thầy cô cũng muốn như vậy? Cô H. là giáo viên dạy Anh văn, chia sẻ: “Dạy ở các trung tâm hay trường tư nhân, mình phải trau dồi liên tục và thường xuyên nảy ra nhiều ý tưởng mới sao cho từng buổi dạy đều thú vị, học sinh tiếp thu và hiểu bài ngay trên lớp. Nếu mình cứ giậm chân tại chỗ, dần dần cũng sẽ bị đào thải. Ở phổ thông thì khác, cần gì phải nghĩ này nọ, cứ lên lớp dạy thôi, miễn sao đủ bài đủ tiết là được rồi…”
Không thể quơ đũa cả nắm. Mặc dù cũng có nhiều thầy cô (nhất là những sinh viên mới ra trường) có tâm huyết, mong muốn các tiết học trở nên lý thú hơn, nhưng quỹ thời gian làm sao… cho phép?
Giáo dục: bảo thủ – duy ý chí…
Có xưa mới có nay, có cũ mới có mới. Thế nhưng, quá câu nệ những cái cũ giáo điều cũng sẽ làm cho giáo dục “dậm chân tại chỗ”.
Thời gian gần đây, xôn xao việc đưa Hán ngữ vào giảng dạy ở trường phổ thông. Không ai phủ nhận đó là nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, ngày hôm nay, không còn áp dụng nhiều, đại trà, trong sinh hoạt cuộc sống nữa thì thôi tạm thời… để qua một cho bên, dành cho những người chuyên nghiên cứu Hán Nôm.
Xã hội ngày một phát triển, dân tộc đã có một thứ chữ, một thứ tiếng giúp giao tiếp dễ dàng hơn, thì tại sao lại phải quay ngược thời gian, tìm đến những cái khó khăn hơn để làm gì? Để mỗi khi Trung Quốc “giở trò” với Việt Nam là lấy Hán ngữ ra mà nói à? Thế thì tiếng Anh, tiếng Pháp… để làm gì? Và cũng nên xác định cho rõ ràng rằng: tiếng Hán ngữ, còn gọi là phồn thể, ngày nay, đa phần sử dụng là ở Đài Loan. Người Trung Quốc đang xài tiếng Hán giản thể, tiếng Bắc Kinh…
Tựu trung lại, những chuyện trong giáo dục tuy cũ, nói đi nói lại hoài nhưng vẫn không hề… cũ. Bởi nó vẫn còn y như thế, chưa có dấu hiệu của sự thay đổi. Hán ngữ là một phần của văn hóa Việt. Những cái cũ là nền tảng để phát triển xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng không vì thế mà suốt ngày cứ bới móc cái cũ ra rồi đòi dạy đại trà theo kiểu 16 vàng – 4 tốt.
Thuyền đi nước ngược. Không hướng tới tương lai, e rằng sẽ mãi khó “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, như câu huấn thị của cố lãnh tụ đảng CSVN…