Hùng – Sơn
(VNTB) – Cách bày trí bàn thờ ở nhà thân sinh của hành giả Thích Minh Tuệ được cho là có dáng dấp của giáo phái Hoàng Thiên Long, tức “đạo Bác Hồ”.
Có ý kiến quan sát về tấm hình ngài Thích Minh Tuệ chụp chung với gia đình tại Gia Lai, cho thấy không có bàn thờ Phật, không có bài vị tổ tiên mà chỉ có bát nhang với di tượng của Hồ Chí Minh, một cách thờ phượng của giáo phái Hoàng Thiên Long, hay còn gọi với cái tên dân dã hơn là “đạo Bác Hồ”.
Hôm 10-6-2024, ghi nhận qua clip “Tâm linh Bác Hồ – Đào Bích Khuyên bài 823” trên tài khoản youtube Phạm Thị Hương, tự giới thiệu là ngụ tại tổ 4 phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Clip này cho thấy đám đông hiện diện ngồi nghe hầu hết đều đồng phục màu đỏ, và clip có phần mở đầu bằng nhắc kể sự kiện của hành giả Thích Minh Tuệ để luận bàn về vấn đề cần thiết của sở hữu tài sản ở mỗi cá nhân.
Một ghi nhận trên cổng thông tin Bộ Công an cho biết hình thức tu tập của “đạo Hoàng Thiên Long” là lập bàn thờ bên trái treo cờ Đảng, bên phải treo cờ Tổ quốc, trên tường treo ảnh Bác Hồ, hai bên treo câu đối, tùy vào mỗi gia đình có thể treo các câu đối khác nhau, khi lập bàn thờ này phải bỏ bàn thờ tổ tiên, mỗi bên bàn thờ có một chai nước (nước Thánh).
Trên bàn thờ đặt một bát hương, từ 01 đến 03 chén nước lã, bày hoa quả và tiền thật. Những người tin theo phải lễ tại nhà, tự thắp một nén nhang và 03 chén nước, hoa quả, tiền mặt sau đó quỳ trước ban thờ đọc niệm (đại pháp đoàn tràng tu gia) và thỉnh cầu ý nguyện… lễ xong đem nước xuống uống để chữa bệnh, tiền mặt thì mang ra tiêu dùng…
Ghi nhận của cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng thời điểm ngày 27-4-2023, thì “đạo Hoàng Thiên Long” hay còn gọi là “đạo Bà Điền” do bà Nguyễn Thị Điền, sinh 1960, tự thành lập ở huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Hiện tượng tôn giáo mới này đã lan rộng ra khoảng 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc. Bà này tự xưng là “Thánh nữ” hay “Nữ thần giao liên của Trang Thiên”, lập điện “Hoàng Thiên Long” và “Đại Phúc Phúc” để sinh hoạt tôn giáo và rêu rao khả năng chữa bệnh không cần thuốc mà chỉ cần uống nước “thánh” (nước lã, nước giếng khoan tại nhà riêng của bà) là bệnh gì cũng khỏi.
Giáo lý, giáo luật, kinh sách của cái gọi là “thánh nữ” nói trên sử dụng bao gồm: “Đại pháp, tràng an, tu gia” và “Đại pháp cầu an”, “Bàn thờ người Đại Việt”, “Luật công phép nước”, “Luật trời-thời thế”…
Trong suốt quá trình học đạo và chữa bệnh, bà Điền tự sáng tác thơ ca rồi phô tô gửi đi nhiều nơi. Không dừng ở đó, những bài thơ được bà tập hợp lại, in thành sách gọi là “kinh sách” đặt tên là “Đại pháp, tràng an, tu gia” và “Đại pháp cầu an”. Để mọi người tin theo, chữa bệnh, “thánh nữ” còn in sao đĩa, bán trực tiếp các cuốn “kinh sách” trên để lôi kéo tín đồ ở các địa phương tham gia.
Theo đó, mỗi tín đồ khi tham gia “tu hành” theo “đạo Hoàng Thiên Long” đều phải mua “kinh sách” với giá từ 150.000-350.000 đồng. Ngoài ra, ở một số địa phương, một số chân rết phát triển đạo Bà Điền còn yêu cầu mỗi người muốn tham gia phải đóng góp ít nhất 50.000 đồng. Bà Điền lập ra “Hội đồng tu gia Điện Hoàng Thiên Long” bao gồm 19 người để điều hành lễ nghi, tuyên truyền phát triển “Đạo Hoàng Thiên Long”…
Giảng pháp về “đạo Bác Hồ” đưa ra lập luận dương gian bây giờ nhiễu loạn, âm binh ma quỷ nhiều vô kể nên Bác Hồ đã trở về chỉ huy các anh hùng liệt sỹ dẹp loạn. Bác bây giờ là Chủ tịch quốc gia âm Việt Nam, là người đứng đầu của 3 cõi Phật, Thánh, Thần…
Có ý kiến quan sát cho rằng lúc đầu, giáo phái này được chính quyền ủng hộ vì nhân thể được hợp thức hoá Hồ Chí Minh như là thần nhân. Tuy nhiên, sau đó giáo chủ cậy quyền trở thành một dạng kiêu binh, nên đã bị liệt vào tà giáo. Giáo phái này cũng thách thức quyền lợi thu hút con nhang của các đạo tràng như Ba Vàng, Phật Tôn Thiền Quang và cả Giác Ngộ của Thích Nhật Từ nên bị rút củi âm thầm. Phía Ban Tôn giáo không muốn làm quá tay vì sợ mạo phạm tới hình ảnh lãnh tụ. Không có lợi cho toàn cục (?!).