VNTB – Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và nền học vấn miền Nam ngày trước

Tôn Phi (VNTB) – Một ông đạp xích lô nhưng biết cư xử có văn hóa và có tinh thần trách nhiệm, thì cũng có thể coi là người có thái độ trí thức. Người tử tế phải có dũng khí nói không với các ác, không im lặng hay lảng tránh hay thoả hiệp với cái ác, cái xấu…
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Ngày 20/03/2015, trường Đại học Mở TP.HCM tổ chức buổi nói chuyện của GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng. Ông là giáo sư danh dự thực thụ (Professeur ordinaire honoraire) của trường đại học Liege, Bỉ, nguyên chủ nhiệm các chương trình đào tạo cao học Bỉ – Việt tại các đại học Bách Khoa TP.HCM và Bách Khoa Hà Nội. Tại đây, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng đã nói về triết lí giáo dục đúng đắn của chính quyền Sài Gòn cũ, mặc dù thời thanh niên ông là người có cảm tình với phe cách mạng. Là một nhà khoa học tự nhiên, giáo sư Hưng vẫn còn nhớ rõ và kể lại cách dạy và học lịch sử, địa lý, triết học của chính quyền miền Nam, thời Đệ Nhất  Cộng Hòa.

Miền Nam dạy lịch sử một cách nhân văn, đa chiều

Chương trình giáo dục của chính quyền Sài Gòn cũ được thiết kế bởi  bộ trưởng giáo dục Hoàng Xuân Hãn. Cụ Hoàng là người theo tây học, giáo sư Hưng nói, và biết chỉnh sửa nội dung giáo dục  Pháp để cho phù hợp với văn hóa và lịch sử của Việt Nam. Một trong những điều giáo sư Hưng tiếc nuối, đó là triết lí giáo dục chân chính đã có ở miền Nam thời giáo sư còn là học sinh trung học. Các trường dạy chữ việt, rất nhân văn, rất đa chiều. Nhờ đó học sinh có được hiểu biết thực, có tư duy độc lập và đầu óc phê phán.

Giáo sư Hưng giới thiệu với cử tọa những cuốn sách thời ông còn học trong chế độ miền Nam, tiêu biểu như cuốn Quốc văn giáo khoa thư. Trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư này có những bài nhạc về giáo dục,  có những bài về luân lý, về sự đời, tuyệt nhiên không có dòng nào ca ngợi chế độ như miền Bắc mặc dù miền Nam lúc đó cũng không hoàn toàn dân chủ.

Giáo sư Hưng kể về một bài giảng mà ông không thể quên được, một bài giảng đã đi theo ông trong suốt cuộc đời khoa học. Đó là bài giảng về quan niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nội dung bài giảng nói về sự tinh xảo của một nghề, một chức năng và khuyên học sinh đừng theo hư danh, đừng theo bằng cấp. Theo giáo sư Hưng, đó mới thật sự là tinh thần chân chính nhất về triết lý giáo dục, một quan điểm rất nhân văn.

Giáo sư Hưng kể lại: “Các thầy lĩnh hội, giảng theo hiểu biết của mình và truyền cảm hứng lại cho học sinh, sinh viên tính đa chiều của sự việc. Cùng một bài  học lịch sử, ngay trong một trường, ông A giảng thế này, ông B thế khác. Ông thân hữu, ông thân tả. Nhờ đó học sinh đã có cái nhìn độc lập, có nhận thức rằng ông này nói đúng, ông kia nói chưa chắc đúng. Hồi đó chúng tôi được dạy sử Việt Nam, được dạy lịch sử thế giới, thống nhất Đức, Ý, lịch sử giành độc lập Hoa Kỳ, Các mạng dân chủ dân quyền Pháp, kể cả cách mạng tháng 10 của Lê Nin. Người dạy tôi năm đó là một ông thầy thân tả và có cảm tình với XHCN. Mọi ý kiến đều được tôn trọng . Vì vậy, thời xưa đậu tú tài đã là trí thức, rất vững vàng. Tú tài thời xưa khác hẳn tú tài ngày nay. Tú tài thời nay không có hiểu biết thực, không có tự lập và không có đầu óc phê phán.”
Địa lý rất khó

Ngoài lịch sử, giáo sư Hưng còn bình luận nhiều về chương trình dạy địa lý thời  tổng thống Ngô Đình Diệm. Việc dạy địa lý lúc đó giống như dạy hình học, việc học đòi hỏi ở học sinh kỹ năng tư duy và thực hành nghiêm túc. Học địa lý lúc đó là học địa lý thế giới, thầy cô  dạy rất khó. Học sinh lúc đó phải sử dụng thành thạo bản đồ, biết vẽ bản đồ và làm các phép toán cơ bản của địa lý. Giáo sư phân tích một bài tập mà lớp của ông được giao. Lúc đó ông học Đệ Ngũ (hết Đệ Ngũ đến Đệ Tứ, xong đến Đệ Tam, Đệ Nhị và cao nhất là Đệ Nhất). Đề bài cô giáo ra như sau: em hãy vẽ con  sông Rhône  từ thượng nguồn ra tới hạ nguồn để cho biết nó bắt nguồn từ vùng nào, chảy ra biển nào, và ghi rõ tất cả những con sông con của sông ấy. Cậu học trò Nguyễn Đăng Hưng là một học sinh xuất sắc, làm bài rất tốt và được 17, lúc đó là điểm cao nhất. 17 điểm lúc đó đã là cao rồi, không ai được điểm tối đa trừ khi người đó là thần đồng thông tuệ vạn vật.

Thời đó người ta không cho điểm theo kiểu tặng biếu như ngày nay. Đã xuất sắc là phải xuất sắc thật, phải giỏi thật chứ không phải bình thường. Thời nay lớp nào trường nào cũng đầy học sinh xuất sắc nhưng chẳng có ai ưu tú.

Chương trình học của chính quyền Sài Gòn cũ được Hoàng Xuân Hãn mô phỏng của Pháp cả về nội dung và nề nếp kỉ luật, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình Việt Nam. “Chúng tôi được dạy lễ phép của người Á Đông, nhờ đó thế hệ chúng tôi đi ra nước ngoài biết nhập gia tùy tục, tôn trọng xứ bạn cho nên đi đâu cũng được người địa phương nể phục. Đó là nhờ nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa.”

Giờ đây, khi so sánh cảnh học sinh lớp 12 của Việt Nam không biết xem bản đồ với việc những học sinh cùng tuổi ở nước ngoài sử dụng kiến thức địa lý để đi tham quan nhiều nơi, chắc hẳn những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước đều không khỏi ngậm ngùi.

Vì sao  ngụp lặn cải cách giáo dục?

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là người có tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam. Ông tiếc nuối cho một nền giáo dục đã bị chôn vùi.

“Thời đó xã hội lưu hành câu nói “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”, nghĩa là một anh chàng không có bằng cao đẳng sư phạm thì đừng mong cô gái kết hôn. Giá trị của một nhà giáo thời đó rất cao. Thanh niên thời đó thi đậu vào trường kỹ sư không danh giá bằng thi đậu vào cao đẳng (sư phạm). “Nền giáo dục ngày nay không coi trọng người thầy. Mà người thầy không coi trọng chất lượng.”, giáo sư Hưng nói.

Nhiều câu hỏi được đặt ra cho vị giáo sư quốc tế này, xung quanh cũng bàn về vấn đề cải cách giáo dục: Làm sao để cải cách giáo dục? Theo giáo sư, Việt Nam đặt vấn đề cải cách giáo dục mấy chục năm qua mà chưa giải quyết được, đó là do người đứng đầu ngành này có ý chí cải cách giáo dục hay không, hay là chỉ nói cho có lệ và làm nửa chừng.

Giáo sư đưa ra ví dụ so sánh với đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, những năm 20 của thế kỷ trước, một nơi cũng từng có một nền giáo dục thảm hại bị chi phối bởi thần quyền Hồi giáo, nơi mà các thiếu nữ theo đạo Hồi không được tới trường. Mustafa Kemal là người được dân Thổ Nhĩ Kỳ gọi là cha già dân tộc (Atatürk), đã không ngại mạo hiểm làm cải cách giáo dục một cách triệt để. Ông cho mời một giáo sư từ Hoa Kỳ về và trao toàn quyền cho người này. Giáo sư này đã thay hàng loạt quan chức giáo dục chỉ biết nói bằng một thế hệ quan chức giáo dục mới trẻ trung năng động và có tâm huyết. Chỉ sau ba năm, nền giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi 180 độ và bây giờ nền giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ đã không thua gì các nền giáo dục khác ở Châu Âu, giáo sư Hưng cho biết.
Đạp xích lô cũng có thể là trí thức

Cũng tại buổi nói nói chuyện, có một nữ tiến sĩ ngành ngôn ngữ Trung Quốc đặt câu hỏi với giáo sư, đó là như thế nào thì được gọi là trí thức, làm sao để phân biệt trí thức giả và trí thức thật. Giáo sư Hưng trả lời rằng trí thức bao gồm hai yếu tố, một là kiến thức điều cần, nhưng điều kiện đủ là phải có tinh thần trách nhiệm của mình đối với cộng đồng xã hội. 

Theo giáo sư, một ông đạp xích lô nhưng biết cư xử có văn hóa và có tinh thần trách nhiệm, thì cũng có thể coi là người có thái độ trí thức. Im lặng trước cái ác cái xấu là đồng lõa là tạo điều kiện cho cái ác lên ngôi. Người tử tế phải có dũng khí nói không với các ác, không im lặng hay lảng tránh hay thoả hiệp với cái ác, cái xấu…

Môi trường xã hội phát xuất từ thể chế, nhưng thể chế sẽ phải được kiểm soát bằng con người có ý thức về quyền của mình trong xã hội, về những giá trị của xã hội văn minh… Ở đây thành phần có học, thành phần khoa bản phải giữ vai trò tiên phong…
Tôn Phi, tường thuật từ đại học Mở TP.HCM, 97 Võ Văn Tần, quận 3.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)