Việt Nam Thời Báo

VNTB – GS Võ Tòng Xuân: nhà khoa học ‘chuyển giao’ tiêu biểu

GS Nguyễn Văn Tuấn

 

(VNTB) – Giới trẻ nên học cách làm khoa học thực tế và cách dấn thân đem khoa học đến đại chúng như Giáo sư  Võ Tòng Xuân.

 

Mới nghe tin buồn vài phút trước từ anh bạn Lê Anh Tuấn ở Cần Thơ: Giáo sư Võ Tòng Xuân mới qua đời sáng nay ở Cần Thơ, thọ 84 tuổi. Anh là một người con xuất sắc của miền Tây Nam Bộ, người đã gắn liền với cây lúa của miền Nam, người được mệnh danh là ‘Rice Doctor’ (Bác sĩ Lúa).

Hai năm trước, anh Võ Tòng Xuân trải qua một cơn bạo bệnh có thể nói là ‘thập tử nhất sanh’, nhưng may mắn thay anh đã bình phục nhờ sự chăm sóc của các bác sĩ, kể cả PGS Phạm Nguyễn Vinh. Mới tháng trước, khi còn ở trong nước, tôi nói chuyện với anh ấy qua điện thoại. Khi được hỏi tình hình sức khoẻ, anh ấy vẫn còn cười sang sảng nói “Tôi dạo này khoẻ lắm”. Vậy mà nay thì anh ấy đã ra đi. Đúng là “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.”

Tôi có vài kỉ niệm với anh từ lúc anh còn là hiệu trưởng của Đại học An Giang. Dạo đó, chắc cũng hơn 20 năm trước, anh mời tôi tới Đại học An Giang để chia sẻ về phương pháp nghiên cứu khoa học, và sẵn dịp bàn luận về giáo dục đại học. Lúc đó, anh còn khoẻ, và chở tôi bằng cái xe Honda cũ. Anh hay hỏi tôi “Có sợ không”, làm tôi đôi khi phì cười vì tôi có lạ gì với cái xe Honda. Nói chuyện xong, anh ấy hỏi tôi muốn ăn nhậu gì, tôi nói “Bún mắm” (vì Long Xuyên có một tiệm bán bún mắm nổi tiếng). Chúng tôi bàn đủ thứ chuyện về giáo dục đại học và ôn lại nhiều kỉ niệm thời trước 1975.

GS Võ Tòng Xuân là người con của miền Tây Nam Bộ. Anh sanh ngày 6/9/1940, (tức năm nay coi như gần 84 tuổi), ở xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Cũng như đa số dân miền Tây, anh xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Trong một bài viết của BS Ngô Thế Vinh, anh cho biết rằng ngay từ nhỏ anh đã sống tự lập. Vào cuối thập niên 1950s, anh lên Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm đến kiếm tiền giúp đỡ gia đình và các em ở dưới quê. Vì làm việc quá sức và ăn uống không đủ, anh bị lao phổi và phải nghỉ học một thời gian.

Sau khi xong chương trình học của trường Kỹ thuật Cao Thắng năm 1961, anh xin thi tuyển và được học bổng của Đại học Nông Nghiệp Los Baños, Phi Luật Tân. Đó là một sự thay đổi lớn: từ một anh học trò kĩ thuật, anh chuyển sang học về nông nghiệp. Năm 1966, tốt nghiệp cử nhân, anh được nhận vào làm nghiên cứu sinh cho Viện Lúa Gạo Quốc Tế (International Rice Research Institute hay IRRI), rất nổi tiếng trên thế giới. Ở IRRI, anh học tiếp và tốt nghiệp cao học (nay gọi là ‘thạc sĩ’) năm 1971.

Năm anh tốt nghiệp cử nhân cũng là năm Viện Đại học Cần Thơ ra đời (năm 1966) qua một sắc lệnh của tướng Nguyễn Cao Kỳ. Lúc đó, GS Nguyễn Duy Xuân [1], một người con miền Tây khác, làm Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ. GS Xuân lớn hơn anh Xuân 15 tuổi, người từng du học ở Mĩ và tốt nghiệp Tiến sĩ Kinh tế từ Đại học Vanderbilt.

Năm 1972, đáp lời kêu gọi của GS Nguyễn Duy Xuân, anh Võ Tòng Xuân rời Phi Luật Tân về ‘đầu quân’ cho Đại học Cần Thơ. Anh vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Anh Võ Tòng Xuân tâm sự:

“Anh Nguyễn Duy Xuân nói ĐBSCL là cái vựa của lúa gạo nên rất cần những nhà khoa học về nông nghiệp. Chiến tranh rồi có ngày hòa bình, đất nước sẽ cần những người như tôi. Đó là một trong những lý do tôi về công tác ở Đại học Cần Thơ.”

Năm 1974, anh được sang Nhật bảo vệ luận án tiến sĩ, và anh về Việt Nam chỉ một tháng trước ngày 30/4/1975.

Trong thời gian giảng dạy ở Viện Đại học Cần Thơ, anh Võ Tòng Xuân xây dựng một chương trình tivi rất nổi tiếng, có tên là “Gia Đình Bác Tám”. Chương trình tivi chỉ nhằm hướng dẫn cho nông dân miền Nam cách trồng lúa sao cho khoa học và có năng suất cao. Tôi còn nhớ hình ảnh của một người đàn ông trông có vẻ trí thức một cách dân dã, tay cầm cây lúa lên, rồi giải thích về quá trình trưởng thành và sự ảnh hưởng của sâu rầy mà tôi — một người không có học về nông học — vẫn thấy dễ hiểu.

Phong cách giải thích những ý tưởng khoa học cho thường dân của anh đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tôi sau này khi tôi giải thích các khái niệm khoa học phức tạp cho công chúng, tôi đều nghĩ đến anh. Đó là một chương trình tivi mà tôi nghĩ bất cứ ai ở vào thế hệ tôi cũng đều biết, chứng tỏ sự lan tỏa và thành công của chương trình ‘khoa học phổ thông’ nhưng rất thiết thực.

Tên tuổi của Gs Võ Tòng Xuân gắn liền không chỉ với ‘Gia Đình Bác Tám’, mà còn giống lúa Thần Nông mà anh thuyết phục nông dân sản xuất và đưa Việt Nam lên nước thứ hai xuất khẩu gạo. Anh còn có công lớn với nhiều giống lúa khác.

Những năm tháng sau 30/04/1975 là một giai đoạn khó khăn của cả nước. Đang từ một vùng sung túc, do quản lí kém cỏi và duy ý chí, miền Nam trở nên thiếu thốn mọi thứ, thậm chí không đủ gạo ăn! Chẳng những thế mà còn có nạn rầy nâu hoành hành các cánh đồng lúa khắp ĐBSCL. Thuốc trừ sâu rầy đều không có hiệu quả. Anh tâm sự:

“Cuối năm 1976 đầu 1977 tại Tân Châu (An Giang) xuất hiện rầy nâu loại biôtýp mới. Lúc đó giặc rầy nâu khủng khiếp đang đốt cháy hầu hết các cánh đồng lúa cao sản. Hàng trăm ngàn bà con nông dân điêu đứng; nhiều người bán hết cả tủ thờ để đầu tư trừ rầy nâu nhưng vẫn thất bại, phải cột xuồng nối đuôi nhau đi sang các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau để mua gạo ăn đong. Tôi đánh một điện tín ngay cho Viện Lúa quốc tế IRRI ở Philippines, và 2 tuần sau nhận được 4 bịch giống lúa mới nhất. Tôi và anh Nguyễn Văn Huỳnh đã thanh lọc tính kháng rầy và tiềm năng năng suất của 4 giống này, đã chọn được giống IR36, sau đó nhân ra khoảng 2 tấn lúa giống IR36”.

Võ Tòng Xuân kể thêm: “Chúng tôi đã thuyết phục được lãnh đạo Đại học Cần Thơ, tạm thời cho đóng cửa nhà trường, để tất cả ban giảng huấn và hơn 2000 sinh viên các khoa nông nghiệp và sư phạm cùng ra đồng tham gia chống dịch. Sau 2 ngày tập huấn cấp tốc, học cách gieo trồng giống lúa mạ mới kháng rầy, và rồi thầy trò đã hết lòng thuyết phục nông dân chấp nhận trồng giống lúa mới kháng rầy, với kết quả thần kỳ là qua mấy vụ “giống lúa cao sản mới kháng rầy” đã phủ xanh ĐBSCL và dịch rầy nâu hoàn toàn được khắc phục.

Chiến thắng của nông dân ĐBSCL đối với con rầy nâu là một kỳ công làm cho các chuyên gia quốc tế đều phải thán phục. Đây là sự phối hợp lực lượng rất độc đáo mà Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện được.” (Báo Đại Đoàn Kết 2/5/2022).

Những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân được ghi nhận qua nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Nikkei châu Á 2002 về Tăng trưởng vùng, Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật Australia 2005, Huy chương “Kỵ mã Nông nghiệp” của Bộ Nông-Lâm-Thủy sản Pháp, Giải thưởng Ramon Magsaysay 1993 về Phục vụ nhà nước, v.v. Cuối năm 2023 ông được trao giải VinFuture với công trình Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh.

Anh là người làm việc miệt mài, ngay cả đến những ngày cuối đời. Có thời gian (2010 – 2013) anh là Hiệu Trưởng Trường Đại học Tân Tạo. Năm 2013, anh là người tham gia sáng lập và Quyền Hiệu Trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.

GS Võ Tòng Xuân là một trường hợp tiêu biểu về nghiên cứu không phải để làm dày lí lịch khoa học mà nghiên cứu để chuyển giao thành tựu nghiên cứu đem lại lợi ích cho hàng triệu người. Trường hợp của anh cũng giống như trường hợp Giáo sư Đồ U U bên Tàu (Giải Nobel 2015), người mà nghiên cứu chỉ nhắm đến lợi ích thiết thực cho bệnh nhân sốt rét. Sự nghiệp và đóng góp của anh Võ Tòng Xuân là một tấm gương về nghiên cứu chuyển giao (‘translational research’) mà thế giới phương Tây đang bàn luận sôi nổi ngày nay. Giới trẻ nên học cách làm khoa học thực tế và cách dấn thân đem khoa học đến đại chúng như anh Võ Tòng Xuân.

Vĩnh biệt anh Võ Tòng Xuân và mong anh chuyển nghiệp an lành.

______

[1] GS Nguyễn Duy Xuân quê ở Ô Môn, Cần Thơ, từng là Viện trưởng Viện Đại học Cần Thơ, giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh Niên trong chính phủ 3 ngày của Tổng thổng Dương Văn Minh. Sau 1975 ông bị đi tù cải tạo và chết trong tù năm 1986 tại trại Ba Sao thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc huyện Kim Bảng-tỉnh Hà Nam).

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà báo không theo “tôn chỉ, mục đích” của Đảng, không được tác nghiệp

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Đọc luận án tiến sĩ của TT Thích Chân Quang

Do Van Tien

VNTB – Những luận án ‘salami’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.