Khi năm 2016 đã trôi qua gần một nửa, một quan chức có trách nhiệm – ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) – mới bật lên báo chí một ý tưởng “trong năm 2016 VAMC sẽ lần đầu tiên mua nợ xấu bằng tiền mặt”.
Ảnh: NT
Phát ngôn của ông Nguyễn Quốc Hùng dù mang tính trấn an, nhưng lại vô tình thú nhận một sự thật được che giấu lâu ngày. Hiểu một cách đơn giản nhất, chưa bao giờ VAMC mua nợ xấu bằng tiền mặt!
Vậy trong suốt ba năm hoạt động kể từ ngày thành lập cho đến nay, VAMC đã “xử lý” nợ xấu bằng gì?
Trong các báo cáo của VAMC những năm trước, doanh nghiệp có vị trí rất hiểm yếu trong nền kinh tế quốc dân đã luôn phô trương đã xử lý nợ xấu rất hiệu quả từ khối các ngân hàng thương mại cổ phần, và cho đến giờ tỷ lệ nợ xấu của cá ngân hàng này đã giảm hẳn, còn tỷ lệ nợ xấu bình quân đã được kéo giảm dưới 3% theo “nghị quyết” của Chính phủ.
Những báo cáo trên lại được chính phủ Nguyễn Tấn Dũng liên tục trình ra trước Quốc hội như một thành tích, đặc biệt vào thời gian sắp diễn ra đại hội 12 của đảng cầm quyền vào tháng Giêng năm 2016. Thậm chí còn đặt ra chỉ tiêu sẽ giải quyết toàn bộ nợ xấu trong vài ba năm tới.
Thế nhưng sau đại hội 12 và cùng với sự ra đi của Thủ tướng Dũng lẫn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, sự thật về nợ xấu dần lộ diện.
Cần nhắc lại, nếu từ năm 2011 các chuyên gia phản biện độc lập đã đề cập đến con số nợ xấu tồn tại trong hệ thống ngân hàng lên đến 500,000 tỷ đồng, trong khi báo cáo của Ngân hàng nhà nước chỉ thừa nhận số nợ xấu này vào khoảng 100,000 – 150,000 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2014 Thống đốc Bình mới buộc phải thú nhận con số thực về nợ xấu tương đương đến hơn 20 tỷ USD đó.
Tương tự, trong khi Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình cố ép nợ xấu về dưới 3% thì chính báo cáo của Ủy ban giám sát và tài chính quốc gia – một cơ quan phân tích tài chính thuộc chính phủ – lại cho thấy tỷ lệ nợ xấu thực lên đến 17%.
Còn giờ đây, người ta đã rõ là có thể đã chẳng có “tiền tươi thóc thật” nào được tung ra để mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại vào những năm trước. Thay vì tiền mặt, rất có thể VAMC đã phát hành trái phiếu – một thứ giấy tờ rất gần với khái niệm vô giá trị trong tình hình thâm thủng ngân sách hiện nay – để ép các ngân hàng thương mại phải nhận.
Chính vì thế, ngay sau đạ hội 12, đã xuất hiện khá nhiều thông tin về tình trạng nợ xấu tăng đột biến tại nhiều ngân hàng thương mại. Nói cách khác, nếu như trước đây Ngân hàng nhà nước tìm cách “phù phép” để đẩy các khoản nợ đặc biệt xấu và không thể thu hồi được lên những nhóm nợ cao hơn (có thể thu hồi), thì nay do không thu hồi được nên nợ xấu vẫn còn y nguyên, và toàn bộ “công tác xử lý nợ xấu” của VAMC chỉ có ý nghĩa trên giấy.
Câu hỏi còn lại là nếu năm 2016 này “lần đầu tiên mua nợ xấu bằng tiền mặt”, VAMC sẽ lấy tiền ở đâu? Từ ngân sách – tức từ chính tiền đóng thuế của người dân? Hay sẽ phải dùng đến động tác in tiền?
Lê Dung / SBTN