Việt Nam Thời Báo

VNTB- Giây phút cáo chung của nền ngân sách rỗng ruột đang sắp điểm!

Minh Quân
(VNTB) – 50.000 – 60.000 tỷ đồng chính là số tiền mà ngân sách đang thiếu hụt, cần phải “tái cơ cấu” và do vậy thuế “bảo vệ môi trường” cần phải được tăng gấp gần 3 lần, đánh thẳng vào đầu dân, bất chấp đời sống đại đa số dân tình Việt Nam đã chuyển vào cảnh thắt lưng buộc bụng từ vài ba năm qua và chắc chắn còn khốn quẫn hơn nhiều trong vài ba năm tới.


Bất chấp phản ứng dữ dội của công luận, trong một dự thảo vừa được Bộ Tài chính công bố, cơ quan này tiếp tục nêu quan điểm, giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế lên 3.000-8.000 đồng/lít như dự thảo ban đầu.
Bộ Tài chính tiếp tục nại ra các lý do: việc tính toán điều chỉnh khung thuế không chỉ xem xét đến yếu tố cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu mà còn nhiều yếu tố khác như: xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường cần có chính sách nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế; khung thuế trên nhằm chủ động ứng phó với tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tác động do giá dầu thế giới có biến động lớn…
Vào đầu năm 2017, một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn còn bật ra một tuyên bố không thể “liêm sỉ” hơn: “Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10 – 20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, ….đối tượng thu và phương thức thu cũng được lòng dân hơn”!
Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Petrolimex chính là những cơ quan ban hành rất nhiều loại thuế đánh vào dân chúng và doanh nghiệp, thu thuế bất chấp dân sinh. Một trong những thứ thuế có tác động tiêu cực lớn nhất đến túi tiền vốn đã rất ít ỏi của người dân đã được đặt một cái tên nghe rất hấp dẫn: “thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.
Năm 2015, Bộ Tài chính đã đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015.
Theo tính toán của giới chuyên gia phản biện, khi đó một lít xăng phải cõng 3.000 đồng/lít thay vì mức 1.000 đồng/lít, một lít dầu diesel phải nộp 1.500 đồng/lít thay vì mức 500 đồng/lít trước đó.
Vào thời điểm đó, Bộ Tài chính tính toán: chỉ riêng với thuế bảo vệ môi trường đánh vào các mặt hàng này, ngân sách dự kiến sẽ thu về hơn 35.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đã dự kiến là hơn 20.000 tỷ đồng/năm, tăng gần 14.000 tỷ đồng/năm. Rất đáng chú ý, con số này gấp 2 – 2,5 lần so với tổng thu thuế bảo vệ môi trường dự toán năm 2015, tương ứng tăng khoảng 22.500 tỷ.
Còn năm 2016, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014.
Nếu chiến dịch tăng thuế “bảo vệ môi trường” từ 3.000 đồng/lít vọt lên đến 8.000 đồng/lít được tiến hành trót lọt, ngân sách trung ương sẽ đạt được số thu 100.000 tỷ đồng hàng năm, so với hiện tại chỉ có khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo đó, 50.000 – 60.000 tỷ đồng chính là số tiền mà ngân sách đang thiếu hụt, cần phải “tái cơ cấu” và do vậy thuế “bảo vệ môi trường” cần phải được tăng gấp gần 3 lần, đánh thẳng vào đầu dân, bất chấp đời sống đại đa số dân tình Việt Nam đã chuyển vào cảnh thắt lưng buộc bụng từ vài ba năm qua và chắc chắn còn khốn quẫn hơn nhiều trong vài ba năm tới.

Việc Bộ Tài chính vẫn rắp tâm tăng giá xăng dầu mà bất chấp phản ứng công luận chỉ cho thấy một điều: những giây phút cáo chung của nền ngân sách rỗng ruột đang sắp điểm!

Tin bài liên quan:

VNTB- Thu ngân sách sụt mạnh do ‘kinh tế thị trường XHCN’!

Phan Thanh Hung

VNTB- Lại ‘tin mừng’: Chưa tìm ra gần 80% vốn thiếu hụt để giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Phan Thanh Hung

VNTB- Vì sao Ngân hàng Thế giới không hứa hẹn gì cho Việt Nam?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.