Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giới cần lao nói gì khi TP.HCM giãn cách thêm 2 tuần?

xin cơm

Long Đức

 

(VNTB) – Họ nói rằng hãy chỉ họ cách phải sống ra sao khi tiền túi đã cạn hết rồi…

 

Thành phố Hồ Chí Minh đã giãn cách xã hội hơn hai tháng qua, nhiều hoạt động mua bán làm ăn bị ảnh hưởng nặng nề.

Giới cần lao mong mỏi chính quyền sẽ nới lỏng lệnh giãn cách để người dân nghèo tiếp tục được mưu sinh. Bởi tưởng chừng đâu đến hết ngày 1/8, thành phố sẽ xem xét giảm nhẹ lệnh giãn cách xã hội, thế nhưng rồi lo ngại dịch bệnh chưa kiểm soát được, vắc xin vẫn chưa thể ‘phủ’ như các hoạch định, nên chính quyền lại quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm hai tuần lễ nữa.

Người dân lao động dù khó khăn đến mấy thì với ‘phận dân đen’, họ đành tuân theo lệnh của chính quyền. Thế nhưng thêm hai tuần giãn cách nữa thì dù dân chúng có thể ‘không bất tuân dân sự’, nhưng lo lắng về tình trạng cướp bóc xảy ra, vì cái đói, vì sự túng bẩn của những người trẻ đang dần đi đến cùng cực…

Theo một ý kiến khác, ông Trần Nguyên Kha, một người bán vé số dạo hiện đã thất nghiệp, kể rằng từ khi vé số tạm ngưng phát hành hồi thượng tuần tháng 7 đến nay, ông không còn nguồn thu nhập khác. Vậy là đã mấy tuần lễ nay, ông đến trước cổng bệnh viện Ung Bướu vào mỗi buổi chiều để nhận cơm từ thiện “cầm chừng qua ngày đến khi vé số mở lại” – như lời ông cảm thán thân phận.

Nỗi lo chồng chất nỗi lo trong lòng ông Kha khi nghe tin thành phố này sẽ kéo dài giãn cách. Điều đó đồng nghĩa với việc ông phải tiếp tục chuỗi ngày không có đồng ra – đồng vô, không thể đi bán lại vé số và tiếp tục chờ đợi vào tấm lòng thơm thảo của mạnh thường quân giúp đỡ.

Đâu chỉ riêng ông Kha, nhiều người dân nghèo khó đang lang thang trên các con đường chờ đợi sự giúp đỡ của những nhóm thiện nguyện, vì cuộc sống họ quá đỗi khó khăn, chẳng biết xoay xở thế nào… Một số bác tài xế ‘xe ôm truyền thống’ cũng ra ngoài đường đợi khách ‘nhờ giao hàng’ để mong kiếm được đồng nào hay đồng đó.

Họ đã ở nhà theo lệnh giãn cách cũng khá dài trong thời gian qua, đến nay không thể cầm cự lâu hơn được nữa, họ đành chấp nhận ra ngoài để mưu sinh.

Có lẽ đối với dân lao động như lượm ve chai, vé số, buôn bán nhỏ lẻ… đa phần đều mong muốn thành phố nới lỏng giãn cách thêm chút, thay vì thắt chặt kéo dài chưa biết đến khi nào…

Người dân đã gói ghém từng miếng ăn hàng ngày, nhưng rồi cơm gạo trong nhà cũng đến lúc hết. Trong lúc đó thì số tiền hỗ trợ do dịch bệnh, có người nhận được, người vẫn tiếp tục chờ đợi như họ đã từng chờ gói an sinh của chính phủ từ lần bùng dịch đầu tiên.

Nhưng cho dù họ có được hưởng số tiền hỗ trợ 1 triệu rưỡi đi chăng nữa, thì xem chừng với ‘giãn cách chồng giãn cách’, họ cũng không đủ để trang trải cuộc sống trong thời gian cận kề.

Điều mà người dân trông đợi nhất, có lẽ là được mua bán làm việc trở lại. Tự bản thân họ sẽ tìm mọi cách để hiểu phải ngừa dịch bệnh chết người ra sao trong công cuộc mưu sinh kiếm sống.

“Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, có mắm ăn mắm” là câu trả lời dễ bắt gặp nhất ở người nghèo lúc này. Họ không hề có tư tưởng “bất tuân dân sự”. Họ không nề hà gì chuyện ‘ăn mày’ lòng từ tâm để đi xin gạo về mong nấu được bữa cơm nóng cho gia đình.

Xin đừng bỏ rơi họ khi thành phố này tiếp tục ban lệnh ‘phong thành’.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền trả lại vắc-xin

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhật ký mùa săn Cô Tên Vy

Phan Thanh Hung

VNTB – Kế hoạch điều trị với kịch bản 500 trường hợp Covid-19 nặng của TP.HCM

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo