Việt Nam Thời Báo

VNTB – Giới trẻ Việt Nam cháy hết mình trong show BlackPink và những ý kiến trái chiều.

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Nếu bắt giới trẻ phải sống như cách của những người già, thì chắc chắn là không thể, và có khi lại mang tới những hậu quả tiêu cực cho sự tiến bộ của nền văn minh.


Liveshow của nhóm nhạc nữ đến từ Hàn Quốc đã tạo ra một loạt những phản ứng trái chiều trong suốt tháng 7 vừa qua. Từ những vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia, tới bản quyền, nguy cơ huỷ show, ế vé… Thậm chí khi các nữ ca sĩ đã về nước thì dư luận vẫn còn tranh cãi về sự cuồng nhiệt của những khán giả trẻ Việt Nam trong hai đêm nhạc này.

Những góc nhìn tiêu cực của thế hệ đi trước

Một bài viết có tựa đề “thế là xong” của tác giả Anh Quốc đã dùng những ngôn từ mang tính nhục mạ fan hâm mộ của Blackpink như “đàn bò”, “cỗ máy”, “mất dạy”. Đáng chú ý là bài viết này được rất nhiều người dùng facebook ở độ tuổi trung niên chia sẻ, đăng lại.

“Mưa vẫn xối xả, bò đã thấy thần tượng của mình xuất hiện, chúng rống lên theo từng tiếng hát, uốn éo của Idol. Sao bây giờ chúng như cỗ máy, răm rắp ngoan ngoãn và dễ bảo, chẳng nhốn nháo khi an ninh trật tự nhắc nhở… Thời đại bây giờ chăn dắt bò dễ thật”. Một phần nội dung bài viết của tác giả Anh Quốc.

Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện bài viết chỉ trích thậm tệ giới trẻ Việt Nam. Trước đây cũng từng có bài viết “tuổi trẻ Việt Nam – một thế hệ vứt đi” được hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Tác giả thể hiện một góc nhìn đầy tiêu cực và dùng những ngôn từ lăng mạ nặng nề để chỉ trích thanh niên Việt Nam khi gọi họ là “con ngợm”. Người này nhận xét “đa số chúng không thể nhận thức được những sai trái, bất công, thối nát trong xã hội chúng đang sống”. Đa phần những người chia sẻ lại bài viết này cũng ở độ tuổi trung niên trở lên.

Người trẻ nghĩ gì?

Bạn Phương Dung, một người hoạt động xã hội thế hệ 9x bày tỏ trên facebook cá nhân: “Việc khóc hoặc hét hò trong một buổi concert mình thấy đó là một phản ứng cảm xúc hoàn toàn bình thường của một con người, chắc hẳn những người đang phán xét các bạn trẻ khóc lóc, gào hét chưa từng có được trải nghiệm đó, hoặc đã từng mà ko hề nhận ra. Một buổi festival, hoà nhạc hay concert nơi mà hàng chục ngàn người cùng một lý tưởng, kết hợp thêm hiệu ứng âm thanh, màu sắc, hình ảnh và các điệu nhảy cộng hưởng đám đông lên nhau khiến xúc động đến khóc đó là trạng thái hoàn toàn bình thường của con người”.

Bạn này cho rằng việc lên án các fan hâm mộ thể hiện cảm xúc với thần tượng cũng giống như cách nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đấu tố những người yêu nhạc bolero hoặc nhảy đầm giai đoạn sau 1975. “Xem đá banh trên sân vận động cũng thế, chúng ta dễ chấp nhận khi thấy hình ảnh khóc lóc, vỡ oà khi xem đá banh nhưng lại buông câu ‘không biết giới trẻ sẽ đi về đâu’ khi thấy những bạn ấy xúc động? Không chỉ riêng giới trẻ Việt, concert ở nước khác cũng thế thôi”.

“Thần tượng, đam mê thứ gì đó là quyền cá nhân của mỗi con người, đọc những post lên án giới trẻ mình lại nhớ đến những hình ảnh đấu tố của thời ba mẹ mình ở Sài Gòn sau năm 1975 – nhảy đầm, nghe nhạc bolero là 1 cái tội sẽ đưa ra bêu rếu trên đường”. Dung viết trên trang cá nhân.

Ngọc Diệp, một thạc sĩ nhân quyền thế hệ 9x cũng bày tỏ sự ủng hộ sự cuồng nhiệt của các fan hâm mộ Blackpink. “Ai dám khẳng định tất cả những người tham dự concert Blackpink vừa rồi không quan tâm gia đình, không đau đáu chuyện xã hội? Họ sống rõ ràng với cảm xúc và sẵn sàng thể hiện điều đó thì đáng tự hào hơn nhiều những vỏ bọc kìm kẹp xã hội. Họ có thể vừa yêu thần tượng, vừa yêu gia đình hay yêu bất kỳ điều gì họ muốn mà không đòi hỏi sự công nhận của bạn”. Diệp bày tỏ trên trang cá nhân.

Nữ thạc sĩ nhân quyền này tỏ ra quan ngại trước những kết luận mang tính cảm tính của những người “lo lắng giới trẻ thời nay”. Ngọc Diệp dịch lại bài báo trên Thisrupt tựa đề “văn hoá Kpop đã dẫn đến cách mạng văn hoá Thái Lan như thế nào”. Nhằm kể về việc những fan hâm mộ Kpop chính là lực lượng phản kháng sôi nổi và sáng tạo nhất của những chiến dịch xã hội tại Thái Lan.

“Một số thậm chí còn thường xuyên tổ chức các buổi diễn nhảy K-pop tại các địa điểm biểu tình. Họ muốn xây dựng tương lai của mình, nhưng điều đó đòi hỏi họ phải giải phóng mình, không bị trói buộc và không bị ràng buộc bởi chế độ cũ của Thái Lan”, Diệp viết.

Nhìn lại các cuộc biểu tình lớn tại Việt Nam như phản đối Formosa 2016, phản đối luật đặc khu 2018, thì lực lượng đông đảo nhất chính là những người trẻ. Những đóng góp của họ, bằng cách này hay cách khác cũng đã mang tới những màu sắc đa dạng và sinh động cho xã hội hiện nay. Họ có thể xuống đường biểu tình phản đối bất công, có thể cuồng nhiệt ăn mừng một chiến thắng của đội tuyển bóng đá, cũng có thể gào thét vì thần tượng âm nhạc mà họ ngưỡng mộ. Đó là cách sống của người trẻ.

Nếu bắt giới trẻ phải sống như cách của những người già, thì chắc chắn là không thể, và có khi lại mang tới những hậu quả tiêu cực cho sự tiến bộ của nền văn minh. Xã hội hiện nay, không phải là kết quả mà người trẻ tạo ra, mà nó là hậu quả của những thế hệ đi trước, những nhà lãnh đạo chính trị độc tài và những người dân chấp nhận loại lãnh đạo đó. Thay vì phán xét, chỉ trích, lên án, đổ lỗi; hãy bồi dưỡng, chăm sóc. Để có được những người trẻ dám xuống đường phản kháng cường quyền như Hongkong, Thái Lan thì các bậc ông bà, cha mẹ của họ đã phải đắp xây từ hàng chục năm trước. Việt Nam cũng vậy. Thế hệ đi trước phải là nền tảng để thanh niên có thể bật dậy, phải là tấm khiên che chắn trước những bạo lực bất công…


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Lì xì Tết: văn hoá tốt đẹp dần biến tướng

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tiếp tục kỷ luật quan chức trước đại hội 14: Tô Lâm quyết giành hết ghế về phe mình

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tô Lâm chỉ đạo sửa Điều lệ Đảng và Hiến pháp để xây chắc ngai vàng

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo