VNTB – Gốm Bàu Trúc của người Chăm xứ Tháp Chàm vẫn ‘mịt mù’ đầu ra

VNTB – Gốm Bàu Trúc của người Chăm xứ Tháp Chàm vẫn ‘mịt mù’ đầu ra

Ghi chép của Hùng Văn

 

(VNTB) – Nghề gốm Chăm Bàu Trúc đang đứng trước nguy cơ mai một do  các sản phẩm gia dụng nhựa, nhôm … đang dần thay thế sản phẩm gốm truyền thống.

 

Gốm Bàu Trúc làm bằng thủ công đến mức cùng một mặt hàng, nhưng quan sát kỹ sẽ nhận ra vẫn có sự khác biệt trong đường nét nào đó tùy vào tâm trạng khi ấy của người phụ nữ Chăm.

Sở dĩ như vậy vì sản phẩm gốm Bàu Trúc được chế tác hoàn toàn bằng việc nắn bằng tay, không bàn xoay như nghề làm gốm ở các địa phương khác. Nghệ nhân Bàu Trúc tự đi giật lùi quanh bàn chế tác tạo hình gốm. Do đi quanh chế tác nên cách vuốt gốm của nghệ nhân Chăm là vuốt thẳng, khác với cách vuốt ngang ở các làng gốm có sử dụng bàn xoay.

Với sự khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, chỉ cần vài vòng, người thợ đã tạo xong khối cho sản phẩm. Hình dáng sản phẩm sẽ được quyết định bởi việc di chuyển lùi xung quanh của người thợ.

Sản phẩm sau khi chế tác được nung lộ thiên. Điểm khác biệt của gốm Chăm là các sản phẩm được nung lộ thiên hoàn toàn. Tùy theo điều kiện nắng gió cộng với quá trình và kỹ thuật phun màu như chiết xuất từ dầu hạt điều, cây dông… sẽ cho ra các sản phẩm có màu sắc đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu lạ và đẹp mắt, thể hiện rõ nét văn hóa Chăm cổ xưa.

Chính bởi được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công như vậy nên những sản phẩm gốm Chăm không chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi sản phẩm đều thể hiện phong cách, tay nghề, sự khéo léo và cả tình cảm, tâm trạng của người thợ trong quá trình chế tác sản phẩm.

Ninh Thuận có tất cả 22 làng Chăm truyền thống, nhưng chỉ có duy nhất làng Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước còn bảo tồn nghề làm gốm.

Làng Bàu Trúc tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok và người Việt phát âm thành Ma Tró. Ngày xưa, làng còn có tên gọi khác là Danao Panrang, danh xưng theo đơn vị hành chính là thôn Vĩnh Thuận.

Ngày nay, được gọi là khu phố Bàu Trúc. Làng được bao quanh bởi cánh đồng lúa có hệ thống thủy lợi sông Lu và sông Quao chảy qua hình thành lớp địa tầng đất sét tự nhiên. Mặc dù, chưa có nghiên cứu nào nói về việc phát hiện mỏ đất sét được ví như “vàng đen” đã được khám phá ra như thế nào? Nhưng, trong dân gian tương truyền vị tổ nghề của làng là vợ chồng Poklong Chanh được người dân thờ phụng như vị thần hoàng của làng.

Truyền thuyết dân gian kể rằng, vợ chồng ông Poklong Chanh là tổ của nghề làm gốm ở Bàu Trúc. Nghe đâu hơn ngàn năm trước, ông đã dạy cho phụ nữ trong làng cách lấy đất, nắn, nung đất sét thành những dụng cụ phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tới nay, người làng vẫn tổ chức cúng tế Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm, khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10.

Người dân trong làng nói rằng, tổ nghề dạy họ phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, vì mình làm trước hết là để cho mình và người thân của mình dùng. Sau khi nung, sản phẩm nào không đạt yêu cầu thì phải loại bỏ ngay. Cho tới nay, người làm gốm Bàu Trúc vẫn kiên trì như vậy nên gốm của làng không bao giờ bị chê trách hoặc trả lại.

Các loại hình sản phẩm gốm Bàu Trúc bao gồm đồ gia dụng có kích thước nhỏ, hình dáng tương đối đơn giản, chủ yếu là đáy tròn miệng loe, miệng khum. Đồ gốm Bàu Trúc thường là đồ dùng để đun nấu, đồ đựng như loại lu, khạp, nồi, niêu có chiều cao 20 cm, đường kính miệng 10 cm. Đồ gốm có kích thước lớn nhất là lu có chiều cao 120 cm, đường kính miệng gốm 50 cm.

Thế nhưng tương tự như nghề gốm ở đất miền Đông Nam bộ, nghề gốm Chăm Bàu Trúc cũng đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi nền sản xuất công nghiệp, các sản phẩm gia dụng nhựa, nhôm làm đồ đựng, đồ nấu… đang dần thay thế sản phẩm gốm truyền thống.

Ghi nhận lời của các nghệ nhân gốm Bàu Trúc thì hiện nay cùng với việc thay đổi mẫu mã, cải tiến sản phẩm gốm dân dụng, người xứ này đang đẩy mạnh phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ, gốm lưu niệm có hàm lượng thẩm mỹ, cho giá trị kinh tế cao như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm…

Ghi nhận ý kiến từ một số nghệ nhân Chăm cho đến vài viên chức đang làm việc trong bộ máy quản trị nhà nước ở tỉnh Ninh Thuận, hầu hết đều chung băn khoăn là làm cách nào cho yêu cầu về hướng phát triển bền vững của làng nghề  gốm Bàu Trúc, qua đó để có thể vừa bảo tồn di sản văn hoá, vừa tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân?.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)