VNTB – Góp ý về dự Luật Công đoàn

VNTB – Góp ý về dự Luật Công đoàn

Nguyễn Nam (lược ghi)

(VNTB) – 8 tổ chức Hiệp hội ngành nghề đã ký chung bản góp ý về dự Luật Công đoàn; trong đó có một ý kiến khá nhạy cảm: các tổ chức công đoàn độc lập có bình đẳng về quyền chính trị?

 

Luật Công đoàn 2012 và Dự thảo sửa đổi quy định người lao động nước ngoài không được tham gia tổ chức Công đoàn Việt Nam (CĐVN). Nhưng Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi 2019 đã quy định người lao động nước ngoài được tham gia tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.

Trong khi đó, Khoản 3, Điều 5 Dự thảo quy định tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tán thành Điều lệ CĐVN thì có quyền gia nhập CĐVN. Như vậy cần quy định rõ về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có thành viên là lao động nước ngoài khi gia nhập CĐVN thì xử lý thế nào?

Chúng tôi cũng kiến nghị cần đưa vào Luật Công đoàn cả nội dung ở chiều ngược lại. Tức là người lao động đã tham gia công đoàn cơ sở (CĐCS) tại doanh nghiệp có quyền xin thôi không tham gia CĐVN (vì là tự nguyện) để tham gia là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và công đoàn cơ sở cũng có quyền xin ra khỏi hệ thống công đoàn Việt Nam để trở thành tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.

Về hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam

Quy định tại Điều 7 Luật Công đoàn chưa giải quyết được những bất cập xảy ra trong thực tế. Cụ thể: Giữa tổ chức công đoàn ngành và công đoàn địa phương. CĐCS của doanh nghiệp cùng một ngành có một số thuộc Liên đoàn lao động địa phương quản lý, số khác do Công đoàn ngành trung ương quản lý. Nhiều lúc Tổng Liên đoàn (TLĐ) muốn tổ chức lại nhưng việc bàn giao giữa các Liên đoàn lao động địa phương và công đoàn ngành gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thực hiện được do liên quan đến việc bàn giao CĐCS cũng là bàn giao kinh phí công đoàn 2%.

Đối với doanh nghiệp theo hình thức công ty mẹ/ con, có nơi công ty mẹ thuộc công đoàn ngành, công ty con thuộc Liên đoàn lao động địa phương hoặc cả CĐCS của công ty mẹ và công ty con cùng thuộc Công đoàn ngành nhưng ngang cấp nhau vì đều là CĐCS. Việc phối hợp hoạt động rất rối, không rõ ràng, không hiệu quả. Nên bố trí các ngành đã có công đoàn ngành thì các CĐCS thuộc ngành đó đều thuộc Công đoàn ngành quản lý. Liên đoàn lao động địa phương quản lý các doanh nghiệp thuộc các ngành không có công đoàn ngành.

Về phân biệt đối xử giới

Điều 9 về những hành vi bị nghiêm cấm, những nội dung bổ sung trong dự thảo đều đã quy định tại điều 175, BLLĐ hoặc điểm (d) về phân biệt đối xử về giới đã có trong Luật bình đẳng giới nên không cần thiết đưa vào Dự thảo Luật Công đoàn.

Tuy nhiên cần bổ sung thêm quy định “Nghiêm cấm sử dụng phí công đoàn không đúng mục đích và quy định của pháp luật”. Đề nghị: Bỏ nội dung, trốn đóng, chậm đóng, đóng không đúng quy định… vì việc quy định đóng kinh phí công đoàn còn nhiều bất cập.

Quyền và trách nhiệm của công đoàn

Khoản 2, Điều 14 của Dự thảo bổ sung quy định: “Công đoàn chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và của người lao động”.

Quy định này trái với Điều 10, Hiến pháp 2013:

“Điều 10: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh t ế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Như vậy, công đoàn không có quyền chủ trì, chỉ có quyền tham gia cùng các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước.

Khoản 3, Điều 170, Bộ Luật Lao động 2019:

“3. Các tổ chức đại diện người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động”.

Tức là công đoàn cơ sở và tổ chức người lao động tại doanh nghiệp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp lý, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Người sử dụng lao động mong muốn hoạt động của CĐCS và/hoặc

tổ chức người lao động tại doanh nghiệp mạnh lên nhờ những cạnh tranh bình đẳng, hoạt động

thực chất chăm lo bảo vệ người lao động chứ không phải bằng quy định của pháp luật.

Chức năng của công đoàn

Theo qui định của Hiến pháp 2013, công đoàn cùng với các chủ thể khác thực hiện việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động, chứ không phải là thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ người lao động một cách độc lập như qui định của Dự thảo.

Trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đội ngũ lao động Việt Nam đã có những chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Đề nghị: Dự Luật thể hiện rõ chức năng của công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động và cũng chưa làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với thành viên của mình. Trong khi quyền của công đoàn các cấp và quyền của cán bộ công đoàn được qui định rất rõ trong Dự thảo thì quyền của người lao động lại không đề cập đến.

Nguồn thu khác

Công đoàn có các nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch kinh doanh của công đoàn; thu từ các đề án, dự án do Nhà nước giao, từ viện trợ, hỗ trợ của các công đoàn nước ngoài, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đây là hoạt động cần thiết để gây quỹ công đoàn và quỹ này được sử dụng để phục vụ lại lợi ích của đoàn viên công đoàn.

Nhưng hoạt động này hiện nay lại không phát huy được là do công đoàn đã có khoản tiền trích của doanh nghiệp. Nếu không có khoản trích này chắc chắn các hoạt động này sẽ phong phú và tích cực hơn. Nhiều hoạt động của công đoàn cơ sở có thể triển khai và mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: vừa gây được quỹ công đoàn lại vừa hỗ trợ được cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và tăng cường phát triển, tạo sự gắn bó giữa người lao động với người sử dụng lao động và tạo được sự hài hòa giữa hai bên.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)