Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hà Nội: 139 Hộ dân ở đường Đê La Thành kêu cứu…!

Hàn Giang (VNTB) Việc chính quyền Hà Nội phê duyệt Dự án xây dựng mở rộng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục để giảm thiểu ách tắc giao thông được người dân đồng thuận nhưng người dân không chấp nhận chính quyền Hà Nội tự ý lấy luôn phần đất còn lại để làm bãi giữ xe, trồng cây xanh. Đây là phản ánh của 139 hộ dân sinh sống ở đường Đê La Thành khi cho rằng mình đang bị dồn vào đường cùng nên cất tiếng kêu cứu lên công luận…

Người dân ở đường Đê La Thành treo biểu ngữ phản đối việc lấy đất làm bãi giữ xe và trồng cây xanh. Ảnh: facebook Nguyen Kim
Khu phố có bề dày lịch sử trước nguy cơ bị giải tỏa “trắng”

Được sự giúp đỡ và giới thiệu của bạn bè, Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã liên lạc được người dân sinh sống ở đoạn đường Đê La Thành. Theo tờ trình, tuyến đường Vành đai 1 mở rộng đoạn Hoàng Cầu- Voi Phục có điểm đầu giao cắt với đường Cát Linh- Đê La Thành- Yên Lãng và điểm cuối giao cắt tại nút giao thông Voi Phục, như vậy người dân sinh sống tại đoạn đường Đê La Thành nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự án.

Chị X (xin được giấu tên) cho VNTB biết gia đình chị là một trong 139 hộ dân sinh sống ở mặt đường Đê La Thành đang kêu cưú, đã mấy đời sống ở mảnh đất này, có nhiều người sống đến sáu, bảy mươi năm nay. Đường Đê La Thành có thương hiệu là đường buôn bán sắt, trước đây dự án đường Vành đai 1 được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội trình lên UBND thành phố Hà Nội thẩm định, phê duyệt đã lấy đất mở đường ở sau lưng nhà chị X. Khi Nhà nước lấy đất mở đường thì người dân ở đoạn đường Đê La Thành hoàn toàn đồng thuận, theo phản ánh của chị X và cũng như 138 hộ dân còn lại thì phần đất còn lại của các hộ dân bao nhiêu năm này vẫn là để của dân. Tuy nhiên, dự án xây dựng mở rộng đường Vành đai 1 với thời gian thực hiện Dự án là từ nay đến năm 2020, chị X và số hộ dân cho rằng đang nắm được thông tin tập đoàn VinGroup thâu tóm và mua toàn bộ khu đất đó, việc thi công sẽ phải giải tỏa “trắng” nhà dân nằm ở phía bắc đường Đê La Thành để nhằm xây dựng hạ tầng kỹ thuật – cây xanh – bãi đỗ xe. Việc làm này của Ban Dự án và Chính quyền các cấp ở Hà Nội là sai khi người dân cho biết đã không thông qua ý kiến của dân mà lại lên báo đài nói là dân đã đồng thuận để Nhà nước lấy luôn phần đất còn lại của dân. Chị X nói :

« Ban dự án đó làm sai, chưa họp dân mà dám thông tin lên báo đài là đã họp dân và dân đồng thuận cho nốt lấy phần đất còn lại khi Nhà nước có chủ trương lấy. Trong khi chúng tôi đang sinh sống, buôn bán làm ăn bây giờ tự dưng thấy ở hai đầu phố dựng hai cái sơ đồ dự án là lấy hết phần đất còn lại của chúng tôi để làm bãi gửi xe và trồng cây xanh. Người dân chúng tôi quá bàng hoàng vì không hiểu tự dưng có dự án treo trên đầu chúng tôi như thế? »

Chị X nói tiếp :

« Khi người dân chúng tôi tìm hiểu ra thì bên Dự án làm sai hoàn toàn, chưa họp dân, chưa hỏi ý kiến dân mà cứ nói dân chúng tôi đồng ý đồng thuận cho lấy hết phần đất còn lại. »

Liên quan đến Dự án tuyến đường Vành đai 1 và Vành đai 1 mở rộng, VNTB xin được nói thêm; Căn cứ vào các nguồn thông tin tức các báo đài Nhà nước Việt Nam mà VNTB tìm hiểu thì Dự án tuyến đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Cầu Giấy được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt năm 1999. Công tác cắm mốc chỉ giới quy hoạch tuyến đường Vành đai 1, đoạn Trung Tự – Ô Chợ Dừa – Cầu Giấy được hoàn thành và bàn giao từ năm 2001. Về cơ bản thì cho đến nay tuyến đường Vành đai 1 cơ bản đã hoàn thành, nhưng đoạn đường từ Hoàng Cầu- Voi Phục thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Vì lẽ này mà ngày 06/12/2016, HĐND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định nghị Dự án xây dựng mở rộng tuyến đường Vành đai 1 theo chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt với chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m, khu đất mở rộng diện tích xen kẹt giữa chỉ giới đường đỏ và phố La Thành thuộc địa bàn quận Đống Đa. Dự kiến các khu đất giải tỏa sẽ xây dựng Hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe, cây xanh và tái định cư tại chổ…như vậy nếu Dự án được thông qua để Chủ đầu tư thực hiện thì cả khu Đê La Thành sẽ bị giải tỏa “trắng”.

Không thể chấp nhận đất ở của gia đình mình thành đất xen kẹt, chị X bức xúc nói:

“Không hiểu lý do gì đất chúng tôi đang sinh sống và cho rằng đất chúng tôi là đất xen kẹt, đất xen kẹt trừ trường hợp là ở hồ, ao ở vùng quê chứ đằng này đất chung tôi đang sinh sống ở trung tâm thành phố thì tại sao gán đất của chúng tôi là đất xen kẹt? Không thể như thế được.”

Quy hoạch chi tiết 1500 được treo trên phố La Thành. Ảnh: báo Vietnamnet
Trong những ngày qua, những hộ dân ở đường Đê La Thành đã treo biểu ngữ trước nhà để phản đối quyết định của chính quyền thành phố Hà Nội và Ban Dự án khi lấy phần đất còn lại của dân làm bãi đỗ xe và trồng cây xanh. Chị X cho đây là hành động của nhóm lợi ích đã đẩy dân vào đường cùng:

“Đường Đê La Thành này người dân bao nhiêu đời làm ăn, sinh sống đằng sau đó còn bao gia đình với những thế hệ người già, người trẻ trong đó có gia đình chúng tôi sống nhờ chúng tôi mà bây giờ còn một chút đất để gia đình chúng tôi sinh sống, chưa nói là đợt trước chúng tôi đã cống hiến một phần đất cho Nhà nước rồi, giờ còn một chút mà tự nhiên vì lợi ích nhóm đẩy chúng tôi vào con đường cụt là không được. Giờ người dân chúng tôi không biết làm thế nào, bao đơn từ đi kêu khắp nơi mà không ai trả lời.”- Lời của chị X.

Ngoài việc căng biểu ngữ tại nhà, các hộ dân ở đường Đê La Thành mới đây còn đi gặp ông Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (địa bàn các hộ dân sinh sống) để phản ánh việc tại sao một cấp chính quyền gần dân nhất vậy mà khi thấy những quyết định sai trái, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà không lên tiếng? Chị X cho biết kết quả là một sự đùn đẩy.

“Thật ra chúng tôi có đơn từ đi khắp nơi nhưng không có bên nào trả lời đơn của dân. Trong khi đó họ lại nói dân chúng tôi đồng thuận nên người dân chúng tôi phải kéo lên phường, cuộc họp không do gọi lên nhưng người dân vì quyền lợi mà người dân tự lên gặp ông Chủ tịch phường. Chủ tịch phường trả lời chung, không nhận cái sai thuộc về mình mà đẩy lên quận, lên thành phố. »

« Đường Đê La Thành là đường đê chống bão lụt, có rất nhiều lịch sử thế thì vì ông tập đồng Vincom, Vingroup nào đó mà giật đi cả một lịch sử như vậy là không được. Tôi chỉ nói lên những suy nghĩ mộc mạc của người dân, nói lên tất cả nguyện vọng của 139 hộ dân đang bị dồn vào đường cùng, gần như là cướp đất của chúng tôi như vậy là không được. »

Kết thúc chia sẻ với VNTB, chị X cho biết 139 hộ dân chỉ mong muốn bên chính quyền các cấp ở Hà Nội phải có lời giải thích chính đáng cho người dân.

Ngoài ra, việc thu hồi không được thông báo tới người dân. Ảnh: báo Vietnamnet
«Dự án Vành đai 1 của Thủ tưởng Chính phủ quyết định là lấy đất phía sau nhà của chúng tôi, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Nhà nước trong việc lấy phần đất để mở rộng đường để cho dân sinh sống. Nhưng còn phần đất còn lại của dân thì phải thuộc quyền của người dân chúng tôi sử dụng, không thể cướp trắng của người dân chúng tôi như vậy được. Người dân chúng tôi muốn chính quyền trả lời rõ ràng nhưng chính quyền cứ đùn đẩy cấp này cấp kia mà chưa có lời giải thích nào »- Lời của chị X.

Chị X cho biết hộ gia đình chị và 138 hộ dân còn lại đồng lòng kêu cứu khắp nơi. Như đã nói trên, Dự án xây dựng mở rộng tuyến đường Vành đai 1 theo chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt với chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang B=50m, là đường nối Hoàng Cầu – Voi Phục dự kiến khởi công trong năm nay có tổng mức đầu tư 7.800 tỷ trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đã chiếm hơn 6.400 tỷ đồng. Đây trở thành con đường đắt nhất hành tinh với chi phí lên đến 3,5 tỷ đồng trên mỗi mét đường./.

Tin bài liên quan:

VNTB- Tại sao không cho người dân tưởng niệm công khai ngày “Thảm sát Trường Sa 14/03/1988” ?

Phan Thanh Hung

VNTB- Cưỡng chế dồn dân vào đường cùng: Tòa nhầm tài sản đất ở và nhà ở là một?

Phan Thanh Hung

VNTB- Khoản tiền Formosa Hà Tĩnh bồi thường bao giờ đến tay người dân?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.