Nguyễn Xuân Nghĩa
(VNTB) – Không có cách nào can thiệp để số phận của các sắc tộc Tây Nguyên tốt lên.
Tôi bị kết án 6 năm tù và 3 năm quản chế với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”
Trừ thời gian bị tạm giam ở B.14 – bộ công an, ( tháng 9/2008 – 1/2010) từ tháng 1 năm 2010 đến tháng 9/2014 tôi lần lượt đi qua 3 nhà tù: Kim Bảng, Nam Hà; Trại 6 Thanh Chương Nghệ An và An Điềm Quảng Nam.
Ba trại giam tôi đi qua là 3 trong số nhiều trại giam trên khắp cả nước giam giữ tù nhân lương tâm người Thượng, đa số là người tỉnh Đăk Lắk, Gia Lai, một ít Đắc Nông. Họ tham gia cuộc biểu tình đòi đất rẫy và tự do tôn giáo xảy ra tại địa phương vào ngày 11 và 12 tháng 4 năm 2004. Hàng trăm người bị chết, hàng ngàn người bị bắt nguội, bị ngồi tù nhiều năm vì án “phá hoại khối đoàn kết dân tộc”
Người Tây Nguyên bị giam đông nhất chắc chắn là ở trại giam Kim Bảng – Nam Hà.
Ở Kim Bảng – Nam Hà, người Thượng mà tôi quý mến nhất là ông Oi Lư, quê huyện Phú Thiện, tỉnh Jarai; người gây khó chịu cho tôi là anh Siu H’Mang, cũng ở Phú Thiện, Jarai . Tổ vót nan tre của tôi có cả hai người.
Bấy giờ (năm 2011 -2012) ông Oi –Lư khoảng 52, anh Siu H’Mang khoảng 28-30 tuổi.
Như tất cả các tù nhân Tây Nguyên khác, ông Oi Lư rất chịu đựng, phải dùng từ “nhẫn nhục” mới chính xác Trong 2 năm bị giam cùng nhau, tôi chưa thấy ông hiển thị một cử chỉ nào, từ lời nói đến hành vi phản ứng lại ngôn ngữ khinh miệt, đe nẹt của mấy người tù hình sự người Kinh đối với người Tây Nguyên. Mấy người tù hình sự tôi vừa kể trước đây là những con chuột trong bộ máy tham nhũng nhà nước , bây giờ làm tai mắt cho Ban giám thị theo dõi, đe nạt tù nhân Tây Nguyên để “ lập công giảm án”
Tuy nhiên, một lần ông đã nổi giận với một người đồng bào của mình, đến mức dùng một thanh giang đang sẵn trên tay vụt mạnh hai phát vào ống chân một người tù trẻ vì anh này xúc phạm tôi, dù tôi không biết anh này lăng mạ mình, vì anh nói bằng tiếng J’rai).
Chuyện như sau:
Người tù xúc phạm tôi tên là Siu H’mang. Anh là người tù Tây Nguyên duy nhất trong số gần 100 tù nhân người Tây Nguyên vào lúc đó tôi không thể gần, không thể chia sẻ đồ ăn. Đối với anh, tôi cũng là người Kinh như người Kinh thực dân ở quê hương anh, như mấy người Kinh là tù hình sự Giám thị trại giam “ gửi” vào. Tệ hơn, người Tây Nguyên nào nhận đồ ăn tôi chia sẻ đều bị anh gọi là “ con chó của người Kinh”.
Anh không đủ học vấn để hiểu mấy người Kinh là TNLT chúng tôi đang nằm chung cùng anh trên nền xi măng lạnh là người đấu tranh cho tự do, nhân quyền, trong đó có các quyền của người Tây Nguyên. Anh bị chi phối và bị kích động bởi một thực tế rằng người Kinh lên Tây Nguyên cướp hai cái rẫy của bố mẹ anh làm nông trường , khiến bây giờ anh không có rẫy để đền cho bố mẹ vợ, bởi thế cho nên anh không thể bỏ được vợ để lấy vợ khác. Thêm một điều làm anh cay đắng/ hoặc cay cú, đó là khi anh và bố mẹ anh chưa theo đạo Tin Lành, anh đã nghe người Kinh xui khiến đốt nhà thờ Tin Lành mà người trong buôn bán thóc và gia súc dựng lên.
Rồi anh lớn khôn hơn, cả nhà theo đạo Tin Lành. Anh sám hối, lưu giữ một vết hằn ác cảm với người Kinh trong tiềm thức của anh.
Người Tây Nguyên theo Mẫu hệ. Đến tuổi trưởng thành, con trai gùi đồ dùng cá nhân về nhà bố mẹ vợ ở rể. Con gái người Tây Nguyên, mẹ càng có nhiều rẫy càng dễ kén chồng, đồng thời con trai khi bỏ vợ phải đền cho nhà vợ giá trị thoả thuận không rẫy thì gia súc. Bởi vậy, rẫy là tài sản vô giá đối với hạnh phúc và cả bất hạnh của hai phía
Nhà bố mẹ đẻ không còn rấy, anh không đền được cho bên nhà vợ, trong khi đang có người phụ nữ khác sẵn sàng làm vợ mới cho anh.
Vì các nguyên nhân trên, vào tù, anh vẫn chưa có con, đặc biệt là gái. Con gái là nơi nương tựa duy nhất của tuổi già. Tập tục Tây Nguyên, con gái và con rể nuôi bố mẹ vợ khi họ đến tuổi già như vậy anh lâm vào một vòng tròn không thể gỡ ra được. Không có rẫy đền cho vợ cũ để cưới vợ mới, không có rẫy cho con gái lấy chồng để hai vợ chồng chúng nuôi anh khi về già. Rẫy! rẫy và rẫy, Trong khi hai cái rẫy của bố mẹ anh bị “cách mạng” tịch thu cho nông trường đang bị chia cho người Kinh mới di cư, Đốt rừng làm rẫy hoàn toàn bị cấm…
Người Kinh di cư đã dồn anh vào con đường chết. Người Kinh trong tù luôn rình anh để đưa anh vào xà lim biệt giam.
Anh căm ghét người Kinh, kể cả chúng tôi.
Hôm ấy, không biết anh đã chửi rủa gì tôi mà ông Oi Lư tái mặt vụt mạnh vào ống đồng của anh anh khiến cả tuần sau đùi anh vẫn còn tím.
Đêm đó tôi thấy ông Oi Lư đến nằm cạnh Siu H’nang một lúc, tôi không nghe được họ nói gì
Bữa trưa hôm sau, tôi mang đến cho anh một một con cá trích muối khô đã nướng sẵn. Anh nhận và nói:
Cảm ơn Chúa! Chúa đã sai chú chia sẻ đồ ăn cho cháu.
Tôi bị chuyển vào trại Thanh Chương Nghệ An đột ngột, anh Siu H’mang giờ cũng đã ra tù. Tôi không biết anh đang ở đâu; sống hay chết. Có thể rồi anh tham gia tấn công đồn cảnh sát, chính quyền như vụ 11/6 ở Đăk Lắk, có thể lại bị tù. Nhiều người Tây Nguyên đấu tranh bị tù 2 lần.
Không có cách nào can thiệp để số phận của các sắc tộc Tây Nguyên tốt lên. Buồn!
Kỷ vật của tôi từ anh em tù Tây Nguyên- Chiếc dây lưng có chữ: Human rights watch for me/ We need freedom
Vợ chồng ông Oi Lư ngày ông ra Bắc thăm vợ chồng tôi rồi trở về, bị đánh đập, khủng bố phải chạy sang Thái Lan.
______________
Nguồn: Facebook Nguyễn Xuân Nghĩa