Triệu Tử Long
(VNTB) – Với Việt Nam, có 7 tỉnh giáp với biên giới Trung Quốc, với hàng trăm cửa khẩu giao thương. Dịch bệnh viêm phổi cấp đang diễn ra phức tạp trong thời điểm cả hai quốc gia Việt – Trung đều đang nghỉ Tết. Sau Tết, các hoạt động giao thương biên mậu sẽ trở lại trên phạm vi hàng hóa trải dài từ Cà Mau đến 7 tỉnh biên giới phía Bắc. Nên chăng, cơ quan chức năng đóng cửa tạm thời biên giới giữa hai nước để phòng dịch?
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội nghỉ Tết Âm lịch năm 2020 liền 7 ngày, từ thứ Năm ngày 23/1/2020 đến hết thứ Tư ngày 29/1/2020, tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý.
“Nên đóng cửa khẩu ngay lúc này. Chúng ta nên lo cho sức khoẻ của chính dân ta trước, ngồi chờ WHO ban bố tình trạng thì quá lâu, họ ở trời Tây còn chúng ta thì gần ngay Trung Quốc”. Đó là ý kiến ghi nhận chung của các tờ báo điện tử có tòa soạn tại Sài Gòn. Tuy nhiên theo ý kiến của chính phủ trong phiên họp vào chiều mồng Ba Tết, lại ‘đổ thừa’ rằng “khuyến cáo của WHO và các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ và điều trị, với tình hình hiện tại, chưa cần thiết phải công bố dịch bệnh và chưa cần đóng cửa biên giới nước ta”.
“Phát triển kinh tế biên mậu” là cụm từ quen thuộc nằm trong chỉ tiêu kế hoạch nhiệm kỳ của các chính quyền các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Riêng ở vùng kinh tế biên mậu của Việt Nam với Trung Quốc, một văn bản từ Cục Xuất Nhập khẩu của Bộ Công Thương Việt Nam (công văn số 0015/XNK-NS ngày 03/01/2020) cho biết, theo chu kỳ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động; trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây.
Như vậy, kể từ sau mồng Năm Tết, khi các cơ quan hành chính, sự nghiệp đã làm việc trở lại, rất có thể hàng hóa nông sản từ miền Nam lại tiếp tục theo đường bộ để vận chuyển ra các cửa khẩu ở phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang để xuất mậu biên sang Trung Quốc. Những giao dịch mua bán này là một trong những nguy cơ về nguồn lây nhiễm dịch vi rút Vũ Hán.
Nhắc lại, tháng 10 năm ngoái, các xe hàng nông sản (chủ yếu là thanh long) từ miền Nam ra đã dồn về cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn với mức cùng lúc tới 500 xe cùng đậu chờ đợi do Trung Quốc áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu từ ngày 12-10-2019. Tình trạng này nếu lại tái diễn, khả năng nguồn lây nhiễm dịch vi rút Vũ Hán từ bên kia biên giới Trung Quốc tràn sang là cảnh báo nghiêm trọng.
Một lo ngại khác kể từ sau mồng Năm Tết, đó là các nhà máy của Trung Quốc tại Việt Nam sẽ mở cửa hoạt động trở lại. Sở dĩ lo ngại, vì Trung Quốc đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chiếm khoảng 21% tổng vốn đăng ký của cả nước; và theo nhận xét của Tổng cục Thống kê, với 1,78 tỷ USD vốn đổ vào Việt Nam, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc trải đều ra hơn 364 dự án, mỗi dự án trung bình dưới 5 triệu USD tương đương hơn 112 tỷ đồng. Điều đó cho thấy người Trung Quốc sẽ quay trở lại Việt Nam để làm việc từ sau mồng Năm Tết là con số rất lớn; đặc biệt là với các dự án nhiệt điện than, khai thác bô xít.
Tuy nhiên những con số ở trên chỉ là bề mặt. Vào cuối năm ngoái, trong một động thái bất ngờ, Ant Financial, cánh tay đầu tư tài chính của tỉ phú Jack Ma, đã âm thầm mua lại một tỉ lệ lớn cổ phần trong ví điện tử eMonkey của Công ty Dịch vụ Thương mại và Công nghệ M-Pay.
Giá trị của thương vụ mua bán không được tiết lộ chi tiết, nhưng tin rằng đó là con số không nhỏ nếu nhìn vào các thương vụ gần đây trên thị trường thanh toán di động. Nhưng điều gây bất ngờ là sự kiện này đã không được truyền thông rộng rãi bởi Tập đoàn Alibaba.
“Khá dễ hiểu khi các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm những người nhìn vào thị trường Việt Nam với tiềm năng về tiêu dùng, cũng như mong muốn giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, đều muốn giấu kín thông tin các thương vụ đầu tư”, Nick Marro, chuyên gia về thương mại toàn cầu tại Công ty Tư vấn Economist Intelligent Unit, nhận định trên Reuters (Exclusive: Ant Financial takes stake in Vietnam’s eMonkey: sources)