Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hành chính về thuế: những bức xúc của doanh nghiệp ngành thủy sản

Hàn Lam

(VNTB) – Hành là chính

Nhìn lại một năm sắp đi qua, phía hiệp hội ngành nghề về thủy sản cho rằng cải cách hành chính về thuế vẫn là một thách thức trong năm mới 2024.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – ông Trương Đình Hỏe cho biết cụ thể như sau: trước hết là bất cập trong hướng dẫn về mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản.

Ông Trương Đình Hòe nói rằng các công ty chế biến thủy hải sản có cả mặt hàng thủy hải sản đông lạnh (không qua gia nhiệt) và mặt hàng đông lạnh đã qua hấp, luộc chín; nghĩa là nguyên liệu thủy sản sử dụng đầu vào của hai mặt hàng này đều giống nhau. Tuy nhiên, thuế suất thuế GTGT áp dụng khi công ty xuất bán phế liệu của 2 loại mặt hàng trên lại khác nhau, cụ thể là theo hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, thuế suất của các mặt hàng hàng phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm này được áp dụng như sau:

“1. Đối các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm được xác định là mặt hàng thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản thông thường bằng các hình thức quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính nêu trên bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại Khoản 5, Điều 5, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

2. Đối các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm của các mặt hàng thủy hải sản được xác định là mặt hàng đã qua chế biến (luộc chín…) thì thuộc diện áp dụng thuế suất thuế GTGT theo mức thuế suất phổ thông là 10% theo quy định tại Điều 11, Thông tư 219/2013/TT-BTC”.

Quy định như trên tạo ra các bất cập sau: Thứ nhất, điều này chưa phù hợp với tính thống nhất trong luật thuế: cùng một sản phẩm, bán cho cùng một khách hàng tại cùng một thời điểm nhưng lại có 2 thuế suất khác nhau, phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm của dây chuyền sản xuất sản phẩm sơ chế đông lạnh được hưởng không phải kê khai, nộp thuế GTGT còn cùng phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm tương tự nhưng của dây chuyền đông lạnh có gia nhiệt thì lại thuộc diện áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%.

Như vậy, trên cùng một hóa đơn bán hàng của cùng một mặt hàng cho cùng một khách hàng nhưng doanh nghiệp lại phải tách thành hai dòng thuế suất GTGT khác nhau.

Thứ hai, hướng dẫn như trên chưa phù hợp với quy định tại Mục b.1 Khoản 3 Điều Thông tư 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT theo danh mục hàng hóa NK Việt Nam: “b) Thuế suất thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thực phẩm tươi sống, ở khâu kinh doanh thương mại áp dụng như sau: (…)

Tôm nguyên liệu (được làm sạch, để nguyên con hoặc lặt đầu, bóc vỏ, xẻ lưng, rút tim, cắt bụng, ép duỗi thẳng, xếp vào vỉ, hút chân không, đông lạnh); mực tươi (làm sạch, phân loại, cắt khúc, xếp khuôn, cấp đông); cá file; tôm, cá cấp đông; hạt điều (được phơi khô, sàng, hấp, cắt tách, sấy khô, bóc vỏ lụa, hun trùng); lúa (thóc) xay xát ra gạo, gạo đã qua công đoạn đánh bóng; phế phẩm, phụ phẩm của sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản như tấm, trấu, cám, đầu tôm vỏ tôm, đầu cá, xương cá, nội tạng và phế phẩm thu được sau giết mổ khác của động vật, mỡ tươi đều là sản phẩm chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu kinh doanh thương mại”.

Thứ ba, đi ngược chủ trương cải cách thuế của Chính phủ theo định hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Với quy định này thì doanh nghiệp thủy sản hàng ngày đều phải cử cán bộ phân loại phế liệu tươi – mặc dù bản chất của các phế liệu này đều giống nhau, tính toán phân bổ, chia tách hóa đơn cho riêng phế liệu của từng dây chuyền khiến doanh nghiệp tốn thêm nhân lực và chi phí.

Trong khi đó, nhiều khách hàng cũng không chấp nhận khi mua cùng một loại sản phẩm từ cùng một doanh nghiệp nhưng lại phải chịu hai mức thuế suất GTGT khác nhau.

“Đề nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn cho tất cả các Cục thuế địa phương và các doanh nghiệp để các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản, dù của mặt hàng sơ chế hay chế biến nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại” – ông Trương Đình Hòe nói, và cho biết một lần nữa đã gửi kiến nghị này bằng văn bản đến Văn phòng Chính phủ, nơi là Cơ quan Thường trực tổ công tác cải cách thủ tục hành chính hôm 8-12-2023.


Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao chưa nên tăng lương ở lúc này?

Phan Thanh Hung

VNTB – VinFast sẽ là doanh nghiệp gây ô nhiễm tiềm tàng ở Việt Nam

Do Van Tien

VNTB – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục ‘bơm tiền’ ra thị trường

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo