VNTB – Hành vi và cái chết của ông Lê Đình Kình (trích dẫn đơn kiến nghị)

VNTB – Hành vi và cái chết của ông Lê Đình Kình (trích dẫn đơn kiến nghị)

TRÍCH DẪN 3 

1. Kết luận điều tra:

Tại trang 16 Kết luận điều tra ghi nhận: Khi phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp), Tổ công tác phát hiện Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn trên tay phải đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, lưng quay về phía Tố công tác nên sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 2 – 2,5m và nổ súng 2 lần khiến đối tượng Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng. Ngay lúc này, 01 chó nghiệp vụ lao vào phòng cắn vào đầu gối chân trái của Kình và lôi ra ngoài phòng khách tầng 1 nhà Kình. Khi lực lượng Công an tiến hành áp sát thì thấy Lê Đình Kình đã chết trong tư thế nằm ngửa, trên tay phải của Kình vẫn cầm 01 quả lựu đạn (Cơ quan Công an đã thu giữ quả lựu đạn trên tay phải của Lê Đình Kình).

Tại trang 44 của KLĐT nêu: Hành vi của Lê Đình Kình đã cấu thành tội “Giết người”, quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Lê Đình Kình đã chết nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với Lê Đình Kình.

2. Cáo trạng:

Tại trang 14 của Cáo trạng nêu rằng: Khi lực lượng Công an phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp) thì phát hiện Kình đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, mặt hướng chếch ra phía cửa chính, lưng quay về phía cửa ngách, trên tay phải của Kình đang cầm 01 quả lựu đạn và hô “tao cho nổ, chúng mày chết”. Tổ công tác đã sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 02 – 2,5m và nổ súng 02 lần, làm Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng. Ngay lúc này, 01 chó nghiệp vụ lao vào phòng cắn vào đầu gối chân trái của Kình và lôi ra ngoài phòng khách tầng 1. Khi lực lượng Công an tiến hành áp sát thì thấy Kình đã chết trong tư thế nằm ngửa, trên tay phải của Kình vẫn cầm 01 quả lựu đạn (Cơ quan Công an đã thu giữ quả lựu đạn trên tay phải Lê Đình Kình).

Trang 49 của Cáo trạng nhận định rằng: Hành vi của Lê Đình Kình đã phạm tội “Giết người” theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, do Lê Đình Kình đã chết nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với Kình.

3. Lời khai trong hồ sơ:

Tại bút lục ghi lời khai số 2984M của cán bộ Công an tên Nguyễn Tuấn Anh khai rằng: đồng chí Đặng Việt Quảng di chuyển ra ngách phía chỗ tôi đứng và đi đến cửa ở cuối căn nhà, các đồng chí khác tiếp tục vào bên trong nhà qua cửa kính. Tôi đứng ở ngách nhìn qua cửa sổ thì thấy một người đàn ông mặc quần áo tối màu từ trong phòng ngủ lao ra nấp ở cửa, tay phải cầm một quả lựu đạn giơ lên định ném về phía trước phòng khách phía ngoài nơi có các đồng chí công an đang đứng và hô lên “tao cho nổ chúng mày chết hết” thì tôi nghe thấy có 2 tiếng súng nổ nhưng không biết là ai bắn. Đối tượng lùi lại vào trong phòng. Tôi thấy có chó nghiệp vụ được thả vào phòng. Tôi chạy ra cửa trước vào phòng khách thì thấy chó nghiệp vụ vào cắn chân và lôi ra ngoài phòng khách một người đàn ông lớn tuổi (sau đó tôi mới biết là ông Kình). Tôi thấy trên tay ông Kình vẫn đang cầm một quả lựu đạn. Sợ lựu đạn bị rút chốt sẽ nổ nên tôi ngay lập tức dùng tay gỡ được 2 ngón tay của ông Kình thì thấy lựu đạn còn chốt nên tôi để nguyên quả lựu đạn ở đó.

Tại bút lục ghi lời khai số 2855C của người làm chứng Nguyễn Hữu Luyện (cán bộ Công an): Một lúc sau không thấy có tiếng nổ, tôi thấy đồng chí Đặng Việt Quảng di chuyển ra phía ngách nhà Kình, tôi đi theo thì thấy có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh đang đứng gần ở cửa sổ ngách nhà. Đồng chí Quảng đi về phía cuối ngách, tôi lại rút ra phía cửa trước để cùng các đồng chí khác áp sát vào trong căn nhà. Lúc này tôi nghe thấy có 2 tiếng súng nổ vang lên (tôi không biết ai bắn), tôi thấy có chó nghiệp vụ phi vào trong phòng. Lúc sau tôi chạy vào trong phòng khách thì thấy đồng chí Tuấn Anh đang dùng tay gỡ một quả lựu đạn trên tay một người đàn ông đang nằm dưới sàn (sau này tôi mới biết người đàn ông đang nằm dưới sàn là ông Lê Đình Kình).

Tại bút lục ghi lời khai số 2856 của người làm chứng Ngô Trọng Tính (cán bộ công an): Sau khi không nghe thấy tiếng lựu đạn nổ, lực lượng tiếp tục tiến vào phòng số 2 thì nghe thấy tiếng người nói là “Tao nổ cho chúng mày chết hết” và đồng thời nghe thấy 2 tiếng nổ. Lực lượng lui ra ngoài để đảm bảo an toàn, đồng thời chó nghiệp vụ của lực lượng lao vào phòng số 2 và cắn lên lôi Lê Đình Kình ra ngoài, chó nghiệp vụ cắn vào chân trái Lê Đình Kình, trên tay phải Kình lúc đó đang cầm lựu đạn.

Tại bút lục ghi lời khai số 2852 của cán bộ Công an tên Đặng Việt Quảng: Ngay lúc này tôi thấy một đối tượng nam giới cao tuổi, tóc bạc, tay phải cầm một quả lựu đạn giơ lên hướng về phía phòng khách, quay lưng về phía tôi, đối tượng đứng ngay trước cửa phòng 2 và phía ngoài phòng khách. Các đồng chí công an vẫn đang làm nhiệm vụ thì đối tượng này hô lên: “Tao cho nổ chúng mày chết”, tôi thấy thế nên ngay lập tức nổ súng về phía đối tượng 2 lần và đối tượng dịch người vào trong phòng, đồng thời tôi rút ra ngoài”. Sau này tôi mới biết đối tượng mà tôi thấy tay phải cầm lựu đạn giơ lên hướng về phía các đồng chí công an hô “Tao cho nổ chúng mày chết” tên Lê Đình Kình và nhà này cũng là nhà Kình.

4. Lời khai tại phiên tòa:

Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Viết Hiểu khai rằng rạng sáng lúc xảy ra sự kiện, ông Hiểu ở cùng với ông Kình, không thấy ông Kình cầm gì trong tay mà chỉ hai tay chống gậy. Ông Hiểu chứng kiến ông Kình bị bắn từ phía trước, nòng súng to như cổ tay. Ông Kình ngã xuống trước mặt tôi, sau đó họ bắn tôi hai phát, một phát vào chân, một phát vào ngực nhưng tôi không chết.

Trong quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu (là người ở trong phòng cùng với ông Lê Đình Kình và chứng kiến việc ông Kình bị bắn trực diện) và lời khai của các chiến sỹ công an có mặt tại thời điểm ông Kình bị tiêu diệt có sự mâu thuẫn và khác nhau, tuy nhiên cơ quan điều tra và phiên tòa sơ thẩm không cho những người này tiến hành đôi chất trực tiếp để làm rõ mâu thuẫn trong lời khai của họ. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng của cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm nhằm cáo buộc hành vi giết người một cách “nhanh chóng” của ông Lê Đình Kình.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, không có sự tham gia tố tụng của các chiến sỹ công an có mặt chứng kiến sự việc hôm đó do Toà án không triệu tập họ. Chủ tọa phiên toà sơ thẩm không tiến hành hỏi và đối chất các chiến sỹ công an có mặt hôm xảy ra sự kiện đó. Bởi lẽ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội chính là cơ quan tố tụng tiến hành thụ lý điều tra và trực tiếp lấy lời khai. Điều này là không khách quan, vô tư.

Tại phiên tòa, ông Hiểu cũng khai rằng: “Cáo trạng ghi không đúng. Ông Kình bị bắn trực diện từ phía trước”. Ông xác nhận trên tay ông Kình không cầm lựu đạn và cũng không có lựu đạn, chỉ cầm gậy chống mà thôi.

5. Chứng cứ khác:

Thứ nhất, tại bút lục số 3043 Kết luận giám định pháp y số 02/20/GĐPY của Viện Pháp y quốc gia xác định nguyên nhân tử vong của ông Lê Đình Kình là:

1. Các dấu hiệu chính qua giám định:

Tử thi cứng lạnh;

Ngực có 2 vết thương do đạn thẳng (01 vết xuyên ngực, 01 vết đạn chột) gây tổn thương phổi phải, thủng quai động mạch chủ;

Vết thương hở dập nát mô, cơ, xương cẳng chân trái, làm biến dạng cẳng chân (Vi thể: Da cơ vết thương vùng cẳng chân trái có dấu hiệu sống);

Hai khoang ngực đầy máu;

Dạ dày rỗng không có thức ăn.

2. Kết luận:

Nguyên nhân tử vong: Mất máu tối cấp do tổn thương phổi, thủng quai động mạch chủ, hậu quả của 2 vết thương do đạn thẳng”.

Thứ hai, bà Dư Thị Thành dù không được các cơ quan tiến hành tố tụng đưa vào tham gia với bất kỳ tư cách gì nhưng bà là người chứng kiến toàn bộ sự việc trước khi ông Kình bị bắn chết tại nhà riêng của mình, bà Thành khai rằng khi bà và mọi người được tiếp xúc với thi thể của chồng bà mà người ta giao lại cho gia đình, không ai kìm được nước mắt khi thân thể ông gần như bị tan nát: đầu bị bắn một viên đạn, ngực bị bắn nhiều viên đạn, đầu gối bị bắn rất nhiều viên đạn khiến chân như gần đứt lìa, bụng và ngực ông bị mổ toang như để khám nghiệm dù không ai trong gia đình bà được chứng kiến việc đó.

Tuy nhiên, trong các bút lục lấy lời khai của bà Dư Thị Thành sau khi bị áp giải lên đồn Công an Miếu Môn, huyện Chương Mỹ, bà Thành do bị ép đánh để khai nên đã hoảng loạn và cũng không được biết sự việc ông Lê Đình Kình là chồng mình đã bị bắn tử vong trước đó. Các bút lục lấy lời khai của bà Thành đều không liên quan đến cái chết của cụ Kình (từ BL số 2556 trở đi). Ngày hôm sau khi được thả về thì bà Thành mới biết được chồng của mình đã bị bắn ngay sáng 09/01/2020. Kể từ đó, bà Thành không được lấy lời khai để làm rõ sự thật khách quan nữa, việc không đưa bà Thành vào tham gia tố tụng với bất kỳ tư cách gì là vi phạm về thủ tục tố tụng, thiếu chứng cứ khách quan và độ tin cậy. Bà cũng khẳng định rằng, ông Lê Đình Kình là chồng bà vẫn còn sống tại thời điểm bà bị Công an bắt đưa ra đồn Công an Miếu Môn mặc dù trước đó ông Kình bị khó thở do hơi cay của đạn pháo.

Theo lẽ thông thường thì một người bị bắn chết tại chỗ với 02 phát đạn liên tiếp không thể cầm trên tay một quả lựu đạn cho đến lúc khám nghiệm tử thi; một người chết cháy, trước khi chết họ đang giữ một thứ gì đó thì có thể tới lúc chết họ vẫn giữ được vì khi đó các chi co quắp lại; còn người bình thường, khi chết vẫn cầm nắm được vật, ở đây là vật nặng trên tay là một điều hoàn toàn không thể và phản khoa học.

Ban đầu, khi trả thi thể ông Lê Đình Kình về cho gia đình, phía chính quyền địa phương còn yêu cầu gia đình ông ký xác nhận là ông Kình chết ở đồng Sênh nhưng họ không ký. Điều này có thể là một kịch bản đã được dàn dựng trước là các đối tượng đã chống đối, làm chết cán bộ và bị bắn chết tại cánh đồng Sênh; tuy nhiên, sau đó kịch bản đã được thay đổi. Yêu cầu của chính quyền địa phương xã Đồng Tâm rõ ràng đã mâu thuẫn hoàn toàn với những lời khai của các chiến sỹ công an khi họ cũng đã khai ông Kình bị chết tại nhà riêng của ông sau khi bị bắn 2 phát súng (các bút lục lời khai của các chiến sỹ công an Đặng Việt Quảng, Nguyễn Hữu Luyện, Nguyễn Tuấn Anh,…).

6. Bản án sơ thẩm:

Tại trang 22 của Bản án sơ thẩm nêu: Khi lực lượng Công an phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp) thì phát hiện Kình đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, mặt hướng chếch ra phía cửa chính, lưng quay về phía cửa ngách, trên tay phải của Kình đang cầm 01 quả lựu đạn và hô “Tao cho nổ chúng mày chết”. Tổ công tác đã sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 02 – 2,5m và nổ súng 02 lần, làm Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng. Ngay lúc này 01 chó nghiệp vụ lao vào phòng cắn vào đầu gối chân trái của Kình và lôi ra ngoài phòng khách tầng một. Khi lực lượng Công an tiến hành áp sát thì thấy Kình đã chết trong tư thế nằm ngửa, trên tay phải của Kình vẫn cầm 01 quả lựu đạn (Cơ quan Công an đã thu giữ quả lựu đạn trên tay phải Lê Đình Kình).

7. Phân tích, kiến nghị:

Theo bản Kết luận điều tra số 210/KLĐT-PC01 (Đ3) ngày 05/06/2020 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội và bản Cáo trạng số 241/CT-VKS-P2 ngày 24/06/2020 của VKSND thành phố Hà Nội cho rằng ông Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng, cách chừng 2 – 2,5m, nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, hai vết thương phía trước ngực tròn nhỏ, không có xây xát nhưng hai vết thương sau lưng lớn hơn, bờ mép vết thương nham nhở chứng tỏ đạn được bắn từ hướng trực diện, từ trước ra sau và loại đạn là loại đạn chạm nổ nên vết thương đạn xuyên qua phía sau sẽ lớn hơn phía vào. Điều này cũng trùng hợp với nội dung lời khai của bị can Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa, ông Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu người bắn đứng trước ông Kình khoảng 1m, nòng súng to như cổ tay, nhắm thẳng vào ngực ông Kình, bắn trực diện chứ không phải bắn từ phía sau. Ông Kình ngã xuống, chết trước mặt tôi, sau đó chó nghiệp vụ vào kéo xác ông Kình đi. Như vậy, cần xác định rõ việc ông Kình có thực sự thực hiện hành vi chống trả lực lượng chức năng hay không và việc bắn chết ông Kình đã đúng quy định pháp luật hay chưa.

Làm rõ sự mâu thuẫn trong nội dung bản Kết luận điều tra, Cáo trạng về hiện trường vụ án liên quan tới hành vi của bị cáo Bùi Viết Hiểu, ông Lê Đình Kình, tới cái chết của ông Lê Đình Kình và các vết thương trên người bị cáo Bùi Viết Hiểu. Theo lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu và hồ sơ có trong vụ án, đủ cơ sở để chứng minh ông Kình bị bắn trực diện từ phía trước và đó là phát bắn gây nên cái chết cho ông.

Nếu xét theo như kết luận của Công an thành phố Hà Nội và Cáo trạng của Viện KSND thành phố Hà Nội đưa ra, việc tiêu diệt ông Kình là cần thiết và đúng pháp luật. Tuy nhiên, cần xem xét lại thực tế rằng, kể từ sau khi bị đánh gãy chân vào năm 2017, ông Kình chủ yếu ngồi xe lăn do ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng. Thời gian sau này (khoảng vài tháng trước khi xảy ra sự kiện ngày 09/01/2020), ông Kình đã không cần dùng tới xe lăn nhưng việc đi lại phải chống gậy do tuổi cao sức yếu; do vậy, việc cho rằng ông Kình một tay giữ cây gậy sắt để giữ thăng bằng, một tay cầm dao tuýp, một tay cầm lựu đạn để tấn công lực lượng chức năng là thiếu cơ sở thực tế vì khi đó ông đồng thời phải có 3 cánh tay mới đủ để thực hiện. Việc khẳng định ông Kình cầm vũ khí tấn công có thể chỉ là cơ sở để khẳng định việc bắn cụ là chính xác mà thôi chứ việc chứng minh thực tế có thể xảy ra hay không bằng cơ sở khoa học cần phải thực nghiệm hiện trường.

Liên quan đến cái chết của ông Kình, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa hề làm rõ, mặc dù đã được các luật sư nhắc đến trong giai đoạn trước khi đưa vụ án ra xét xử, cũng như Đơn tố giác tội phạm của bà Dư Thị Thành (vợ của ông Kình). Dù bất kỳ tình huống nào xảy ra thì ông Lê Đình Kình cũng đã chết. Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Không ai được xem là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án”, do đó việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội và Viện KSND thành phố Hà Nội vội vàng quy kết “Hành vi của Lê Đình Kình đã phạm tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự” là trái quy định của pháp luật. Hơn thế nữa, từ cách quy chụp này dẫn tới cách sử dụng từ ngữ, cách xưng hô với một người già hơn 80 tuổi đời một cách miệt thị, coi thường là hành động thiếu văn hoá và tỏ rõ thái độ phân biệt đối xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại phiên tòa sơ thẩm các Luật sư không đồng tình với việc vị chủ tọa phiên tòa không cho các luật sư đặt câu hỏi, tranh luận và đối đáp liên quan đến cái chết của ông Kình. Tuy nhiên trong Cáo trạng đã cáo buộc ông Kình phạm tội giết người thì các luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Dư Thị Thành có nghĩa vụ làm rõ vấn đề này nhưng không được vị chủ tọa chấp nhận.

Đối với các lời khai của những người dân có mặt tại nhà ông Kình tại thời điểm ông Kình bị bắn đều cho rằng ông Kình không cầm lựu đạn. Trong khi đó lực lượng Công an cũng có mặt tại thời điểm đó lại cho rằng ông Kình cầm trên tay quả lựu đạn khi bị bắn tử vong (lời khai giống nhau về từng câu chữ ghi lại trong bút lục lời khai). Những lời khai của tất cả các chiến sỹ công an có mặt hôm đó chứng kiến trước cái chết của ông Kình đều không khách quan, không có cơ sở tin cậy do họ là những người chủ động tấn công và nổ súng tiêu diệt ông Kình.

Ông Lê Đình Kình không phải là bị can, bị cáo trong bất kỳ một vụ án nào, cũng không phải chấp hành bất kỳ một biện pháp ngăn chặn nào trong tố tụng hình sự, vậy mà lực lượng công an và cơ động lại tấn công và xâm phạm chỗ ở của ông Kình. Mặt khác, ông Kình là công dân xã Đồng Tâm có tuổi Đảng cao, có địa chỉ cư trú rõ ràng thì không thể tiến hành bắt ông vào lúc nửa đêm được, điều này là hoàn toàn vi phạm quy định Hiến pháp và pháp luật.

Sự vi phạm nguyên tắc vô tư, khách quan: Trong vụ án này, chủ yếu các cán bộ, chiến sỹ Công an trực tiếp tham gia vào sự kiện xảy ra đêm 09/01/2020 thuộc lực lượng Công an thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra vụ án thì chính Công an thành phố Hà Nội lại là đơn vị trực tiếp tiến hành điều tra vụ án, vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, không đảm bảo sự vô tư, khách quan khi tiến hành điều tra vụ án (Điều 21, Điều 49 BLTTHS năm 2015).

Rất nhiều người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập họ tham gia phiên tòa với bất cứ tư cách gì. Công an thành phố Hà Nội – đơn vị trực tiếp và liên quan nhất đến vụ án này được Tòa án triệu tập với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (chỉ mang tính hình thức) nhưng không được Tòa án xét hỏi và cũng không được Tòa án chấp nhận cho các luật sư tiến hành hỏi khi đến lượt các luật sư hỏi.

Kiến nghị HĐXX triệu tập những người có liên quan tới các chết của ông Lê Đình Kình tới phiên toà để làm rõ việc quyết định bắn chết ông là đúng hay không, nó được chỉ đạo trong Kế hoạch 419A hay chỉ là phát sinh tại thời điểm đó; đồng thời cho những người này đối chất với bị cáo Bùi Viết Hiểu, người ở chung phòng và chứng kiến toàn bộ sự kiện ông Kình bị bắn chết và bản thân ông cũng bị bắn 2 phát nhưng may mắn thoát chết. Bên cạnh đó, nếu đủ cơ sở pháp lý, đề nghị Toà xem xét, chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án “Giết người” theo Đơn tố giác và đề nghị khởi tố của bà Dư Thị Thành (là vợ của ông Lê Đình Kình).

(Trích ĐƠN KIẾN NGHỊ ngày 02/3/2021 của 14 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo kháng cáo trong vụ án Đồng Tâm tại phiên phúc thẩm TANDCC tại Hà Nội xét xử từ ngày 8/3/2021).


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)