Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hát Xẩm

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

 

(VNTB) – Nhà Nước mong người Việt ở nước ngoài “tích cực đóng góp xây dựng đất nước” thì quả là ước mong rất đỗi viển vông, y như dự tính huy động tiền và vàng của người dân trong nước vậy

 

Rằm tháng Tám (Tết Trung Thu) tôi hú cả đống bạn bè tụ tập lại chơi, và uống sương sương vài chai cho vui nhà vui cửa – nhân lúc “nhà tôi”… đi vắng. Sau khi cạn mấy ly đầy, rồi đầy vài ly cạn, và lại cạn thêm mấy ly đầy nữa thì tất cả chúng tôi đều “ngỡ như trẻ thơ – dù tóc đều đã bạc từ lâu!

Cả đám đồng ca bài Thằng Cuội. Bản nhạc mà có lẽ đứa bé nào sinh trưởng ở miền Nam (vào thập niên 1950 – 1960) cũng biết. Đây là bài đồng dao được nhạc sĩ Lê Thương viết bằng những lời lẽ rất tân kỳ, dù nền tân nhạc Việt Nam (vào thời điểm này) còn ở giai đoạn phôi thai:

Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ …

Lặng nghe trăng gió hỏi nhau
Chị kia quê quán ở đâu
Gió không có nhà
Gió bay muôn phương
Biền biệt chẳng ngừng
Trên trời nước ta…”

Các con dế mèn suốt trong đêm khuya
Hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ

Hát bội, hát chèo, hát cô đầu, hát cải lương, hát hồ quảng… để kiếm sống ra sao thì tôi không biết. Chớ còn hát xẩm thì dù có được (cho) tiền, vẫn nghèo xơ xác.

Thuở ấu thơ, thỉnh thoảng, tôi vẫn nhìn thấy những người hát xẩm. Họ thường ngồi ở cầu thang chợ Đà Lạt, vào lúc chợ đông, gẩy những tiếng đàn buồn bã (và hát những bài ca u uất) giữa sự hờ hững của đám đông – “ông đi qua bà đi lại”!

Đó là chuyện hát xẩm miền Nam, trong trí nhớ non nớt của tôi, khi đất nước đã hoàn toàn chia cắt. Ở miền Bắc, sinh hoạt của giới người này (có lúc) lại hoàn toàn khác hẳn:

“Khi hòa bình mới lập lại 1954, ông (nhà văn Thanh Tịnh) được giao phụ trách một đoàn xẩm, gồm 23 anh chị em, phần lớn là mắt kém, đi về hướng Bùi Chu – Phát Diệm, lấy lời ca tiếng hát dân gian để động viên đồng bào đừng nghe theo những lời dụ dỗ di cư của kẻ địch mà hãy ở lại với quê hương.” (Vương Trí Nhàn. Cây Bút Đời Người. Phương Nam: 2002).

Quê hương, tuy thế, xem ra cũng chả “ưu ái” gì lắm với những người ở lại. Ngay cả Thanh Tịnh (một nhà văn tăm tiếng, biên tập viên của tạp chí Văn Nghệ, sĩ quan cao cấp của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam Anh Hùng) mà ngó bộ cũng không được hạnh phúc hay vui sướng gì lắm, ngay giữa lòng cách mạng :

“Ở vào cái tuổi chưa đầy sáu mươi mà Thanh Tịnh những năm đó trông đã già lắm, già hơn tuổi rất nhiều… muốn biết Thanh Tịnh đơn độc thế nào phải nhìn những lúc ông đi bộ. Trên đường Phan Đình Phùng, dưới những hàng sấu, cũng già cả mệt mỏi, ông bước đi như không thể dừng lại nên phải bước, khuôn mặt đăm chiêu, dáng điệu đờ đẫn.” (Vương T.N. s.đ.d 181).

Với hàng triệu người di cư thì hậu vận cũng không sáng sủa gì hơn. Họ bị bắt lại, trọn đám, sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng! Từ đây, Nam/Bắc hòa lời ca. Một bản trường ca rất khó hát nên hằng triệu kẻ đã liều mạng đâm xầm ra biển, hay ù té bỏ chạy thục mạng qua biên giới xứ người.

Họ thuộc thành phần “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, chây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” – theo như nguyên văn lời giải thích của giới truyền thông trong nước với dư luận thế giới, và với lũ cột đèn (còn) ở lại.

Không hiểu đám người này đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao – nơi đất khách – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ gửi về cố hương đã cứu toàn dân, cũng như toàn Đảng, thoát chết (đói) nhiều phen. Từ đó, Bộ Chính Trị bèn đổi mới tư duy, và báo chí nhà nước cũng bắt đầu… đổi giọng.

Chỉ qua một đêm, tiếng Việt (bỗng) có thêm nhiều cụm từ rất mới và (nghe) rất thân thương: khúc ruột xa ngàn dặm, sứ giả Lạc Hồng, thành phần không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc…  Bộ Ngoại Giao VN cũng có thêm một vị Thứ Trưởng, Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài.

 

 

Nếu bỏ những chức danh vừa kể, cho nó đỡ rườm rà, và nói trắng phớ ra thì đây chỉ là một đoàn hát xẩm tân thời. Nhiệm vụ mới không phải là động viên người dân ở lại như thời Thanh Tịnh (vì chúng đã thoát được rồi) mà là kêu gọi họ đừng nỡ ngoảnh mặt đi luôn, tội lắm!.

Nói cho chính xác thì trước khi cái “đoàn hát xẩm” này được chính thức thành lập, Đảng và Nhà Nước cũng đã từng có những “động thái” để hoà giải với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, cụ thể là chuyến công du Hoa Kỳ (vào năm 2004) của bà Tôn Nữ Thị Ninh – Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội.  

Chỉ tiếc có điều là cái giọng hát xẩm của bà Ninh lại không được dễ nghe cho lắm:

Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi.

–  Mình là thế thượng phong của người chiến thắng, mình cần chủ động, người ta không thể chủ động được do mặc cảm, cũng không thể yêu cầu người ta đi trước, họ đứng ở vị trí không thuận lợi trong tiến trình lịch sử.

Đã ngồi ngửa nón ăn xin giữa chợ đời mà còn ca ông ổng (“mình là thế thượng phong”) như thế thì có mà ăn cứt. Thứ Trưởng Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng – Chủ Nhiệm Ủy Ban Người VN Ở Nước Ngoài – cũng thế (cũng không biết thế nào là nghề hát xẩm) nên giọng ca rất khó nghe: “Một bộ phận bà con vẫn chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến tiếp, chưa có nhận thức đúng, đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

G.S Nguyễn Văn Tuấn nhận xét:

“Tôi thấy phát ngôn này hơi bậy nè. Bà con ở ngoài này, nếu họ quan tâm đến quê hương, thì họ có nhiều thông tin hơn những gì báo chí do Nhà nước kiểm soát cung cấp. Chị có để ý là cứ mỗi lần có thay đổi nhân sự ở trong nước thì bà con ngoài này đã biết trước khi báo chí đưa tin cả tháng trời. Họ thậm chí còn biết những chuyện ‘thâm cung bí sử’ do chính những bà con trong nước chuyển ra.

Chẳng hạn như làm sao bà con trong nước đọc được các tác phẩm của Vũ Thư Hiên, Tô Hải, Trần Đĩnh, Lê Phú Khải, v.v. nhưng bà con ngoài này thì đọc lâu rồi. Chị có vẻ xem thường bà con ở hải ngoại.”

Chị Hằng, nói nào ngay, cũng không đến nỗi xem thường “bà con ở hải ngoại” bằng người tiền nhiệm, T.T Nguyễn Thanh Sơn. Ông cựu Chủ Nhiệm Ủy Ban Người Việt Ở Nước Ngoài ăn nói còn khó nghe hơn thế nữa cơ:

 Họ ra đi, đem theo hận thù và hận thù đó, rất đáng tiếc, được nuôi dưỡng bởi sự không hiểu về chúng ta, bởi những tuyên truyền sai lệch về chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội. Sự sợ hãi đó gây nên nhiều thiệt thòi cho bà con. 

Trong rất nhiều người đã về Việt Nam, chúng tôi đã gặp, và chúng tôi biết chứ, rất nhiều người tham gia những cuộc biểu tình trước đây… Chúng tôi có hỏi một vài người tại sao lại tham gia như thế làm gì thì họ bảo là thực tế nói thật là cũng đi để kiếm thêm vài ba chục đô la vì họ phát tiền, họ cho tiền thì tại sao không đi.

Với cái đám “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn” và sẵn sàng đi biểu tình chỉ “để kiếm thêm vài ba chục đô la” mà Đảng và Nhà Nước mong họ “tích cực đóng góp xây dựng đất nước” thì quả là ước mong rất đỗi viển vông. Cũng viển vông y như dự tính huy động tiền và vàng của người dân trong nước vậy.

Túng quá nên hoá quẫn chăng? 

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thái Lý Hạo Nam 

Do Van Tien

VNTB – Đàng Hoàng & Tử Tế 

Do Van Tien

VNTB – Tâm Thanh 

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.