Đại hội 12 của đảng cầm quyền tại Việt Nam đã kết thúc với khá nhiều kịch tính. Một trong những kịch tính nhưng không lộ diện như cuộc chiến đấu đơn thư tố cáo lẫn nhau được tung lên mạng xã hội là “tranh cử trong đảng”.
Ông Vũ Ngọc Hoàng
Ngay trong thời gian diễn ra đại hội 12, một quan chức là Vũ Ngọc Hoàng – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương – đã trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động, mà theo báo này tường thuật thì ông Hoàng “tỏ ý tin tưởng nếu quyết tâm, tích cực, chủ động thì có thể tiến tới bầu trực tiếp Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng”.
Khi được hỏi “Ông có cho rằng thực hiện tranh cử trong Đảng sẽ giúp đánh giá, lựa chọn chính xác hơn những người giữ trọng trách?”, ông Vũ Ngọc Hoàng đã bộc lộ: “Tôi nghĩ về lâu dài, công tác bầu cử trong Đảng nên có tranh cử để nhiều người lên trình bày phương án của mình trước đông người, nói rõ dự định nếu trúng cử vào vị trí đó sẽ làm gì… Sau đó, các ứng cử viên tranh luận với nhau một cách công khai. Đó là một cơ chế tốt, tiến bộ, cần tích cực chuẩn bị nhằm sớm triển khai”.
Có thể cho rằng, đây là lần rất hiếm hoi một tờ báo nhà nước dám vượt qua rào cản tuyên giáo để đặt câu hỏi về vấn đề tranh cử trong đảng mà thực chất là “tranh cử kiểu phương Tây”. Nhưng là lần đầu tiên, một quan chức có trách nhiệm và lại là lãnh đạo Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng là xơ cứng và giáo điều – không phủ nhận tính cần thiết của cơ chế tranh cử trong đảng, cho dù vẫn chưa hứa hẹn khi nào đảng cầm Cộng sản sẽ thi hành cơ chế này.
Được xem là cánh tay mặt của tổng bí thư, phát ngôn của Ban tuyên giáo trung ương có thể mang tính “định hướng” về những việc làm đảng Cộng sản có thể thực hiện trong tương lai. Nếu não trạng của ông Vụ Ngọc Hoàng có thể “chuyển” thì điều đó có nghĩa là tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng đã có hơi hướng thay đổi.
Nhưng vì sao lại thay đổi?
Có ít nhất một lý do rõ rệt để ông Vũ Ngọc Hoàng bắt đầu khơi mào về chuyện tranh cử trong đảng.
Đại hội 12 không chỉ là đại hội về đấu đá nhân sự mà còn là đại hội của thông tin không chính thống. Từ sau Hội nghị trung ương 13 vào tháng 10/2015, hàng loạt đơn thư tố cáo lẫn nhau của hai phe đảng và chính phủ đã được dồn dập tung lên mạng xã hội, cậy nhờ một số trang mạng xã hội có lượng truy cập khá như Ba Sàm, Dân Luận, Tin Tức Hàng Ngày… đăng tải, chứ tuyệt nhiên không có lấy một dòng đơn thư này trên báo chí nhà nước.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị trung ương 14 vào tháng 12/2015, cũng như thời gian diễn ra đại hội 12 vào tháng Giêng năm 2016, nhiều bài viết chứa đựng tin tức cập nhật và bình luận của hai phe đảng và chính phủ cũng liên tiếp được tung lên mạng. Nhờ đó, lần đầu tiên dư luận trong nước và hải ngoại cùng giới quan sát quốc tế được chứng kiến một đại hội “dân chủ” theo cách tung tóe đến như thế.
Cũng là lần đầu tiên một đại hội không thể bưng bít các nội dung về nhân sự.
Tiền lệ về “thông tin nội bộ” đã có từ đại hội 12. Gần giống như các chiến dịch vận động tranh cử và thực hiện bầu cử ở phương Tây, đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu “bạch hóa’ một cách chẳng đặng đừng công tác tổ chức nhân sự của họ. Đây chính là một tiền đề không thể thiếu và rất quan trọng để tiến tới mô hình đa nguyên, ít nhất về thông tin, trong xu thế đảng Cộng sản Việt Nam không thể cưỡng lại xu thế đa đảng trong vài năm tới.
Cần nói thêm, cũng tại đại hội 12, lần đầu tiên báo nhà nước dám đặt câu hỏi với một quan chức phụ trách vấn đề tư tưởng – Nhị Lê, Phó tổng biên tập của Tạp chí Cộng sản – về “bộ luật về đảng”. Quan chức này, tuy không trả lời trực tiếp câu hỏi, nhưng đã không bác bỏ.
Lê Dung (SBTN)