Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hãy ‘cập nhật dữ liệu’ cho tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Định Tường

 

(VNTB) –  Nếu không phải là nịnh nọt ‘vuốt đuôi’ Tổng bí thư, vậy thì cần kíp ‘giải thích thời sự’ để tân Chủ tịch nước không ảo tưởng nữa trong kế sách quản trị quốc gia.

 

Sáng hôm 2-3-2023, ngay sau lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu trước Quốc hội, đồng bào, nhân dân, cử tri cả nước.

Bài diễn văn có đoạn:

Tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, càng quyết tâm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Ở đoạn trên cho thấy được viết theo mạch văn Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, được soạn để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng ngày 26-1-2021.

Mạch văn đó được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc ở thể khẳng định như sau:

“Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá.

Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới” (dừng trích).

Mẫu câu: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” còn được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng trong nhiều bài diễn văn khác nữa.

Thật tế cho thấy hoàn toàn trái ngược, khi mà từ năm 2014, tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam có thể làm để cung ứng cho việc hoàn thiện sản phẩm Galaxy S4 và máy tính bảng của hãng. Mồi ngon đưa đến tận miệng. Thế nhưng câu trả lời được đưa ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam là chưa làm được.

Trong bản danh sách 170 món phụ kiện này có cả những thứ nghe qua thì rất đơn giản như con ốc vít, cọng cáp USB rồi đến cái sạc pin. Thế nên, câu chuyện về một Việt Nam không thể tự sản xuất nổi một con ốc vít bắt đầu ra đời và lan rộng ra công chúng.

Đằng sau câu chuyện ốc vít là cả một chuỗi dài đằng đẵng những vấn đề cần kiếm nguyên do. Không phải Việt Nam không làm nổi cái ốc vít, mà là nếu làm được cái ốc vít theo đúng chuẩn của Samsung, giá thành của nó sẽ cao hơn các nhà cung ứng khác rất nhiều. Tất nhiên, doanh nghiệp bỏ tiền sẽ chọn ở nhà cung ứng có giá bán thấp hơn. Và đó mới là ý nghĩa đích thực của câu nói Việt Nam không sản xuất nổi cái ốc vít thay vì hiểu theo nghĩa đen thuần tuý.

Thời điểm đó, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã đưa ra lời giải thích khá nhẹ nhàng nhưng ‘rất đau’ về chính trị: môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa thực bình đẳng, nhiều doanh nghiệp không nhất thiết đầu tư vào công nghệ, quản trị nhưng vẫn cạnh tranh được nhờ vào mối quan hệ. Chừng nào còn tình trạng đó, sẽ khó cho đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Gần chục năm sau đó, mọi chuyện vẫn là dường như ‘dậm chân tại chỗ’.

“Để có một nền công nghiệp ô-tô, đầu tiên phải có một nền khoa học kỹ thuật và công nghệ cơ bản. Sau đó, phải có nền công nghiệp vật liệu, phải sản xuất ra thép hợp kim. Nhưng trên một chiếc ô-tô (sedan) có hơn 20.000 chi tiết linh kiện, dùng hơn 200 mác thép kim loại và Việt Nam chưa chế tạo được mã nào trong số 200 mã thép đó để có được công nghiệp ô tô. Đó là một sự thật.

Có một thời tôi hay nói mỉa mai là, duy nhất chỉ làm cái ốc vít bắt cho biển số và chỉ 6 tháng sau, nó gỉ mất rồi. Chúng ta chưa có công nghiệp ô-tô vì không có nền khoa học cơ bản. Công nghiệp ô-tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, như ngành vật liệu, động lực học, điện, điện tử, môi trường sinh thái…” – trích phát biểu của ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), trong một hội thảo chuyên ngành về công nghiệp phụ tùng ô-tô ngày 21-2-2023.

Điều mà người đứng đầu VASI muốn nói đến, là ở góc độ vật liệu, mỗi con ốc vít giá thành không lớn nhưng phải đầu tư công nghệ rất đắt để tiêu hao vật tư ít nhất và yêu cầu có nguồn vật liệu phù hợp.

Tại Việt Nam hiện nay các nhà máy thép chủ yếu sản xuất thép xây dựng chứ ít làm thép chế tạo; gang thỏi để đúc chất lượng cao hơn cũng phải nhập; nhôm chế tạo thì trong nước hoàn toàn không có. Vì vậy, nhìn từ góc độ vật liệu cũng cho thấy đang không hỗ trợ tốt cho việc phát triển công nghiệp chế tạo máy cơ khí…

Cá nhân người viết cho rằng dù có nói khiêm tốn, khiêm cung đến đâu đi nữa, thì mẫu câu “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, chỉ nên được hiểu theo nghĩa tuyên truyền cổ động chính trị có định hướng, tránh sử dụng tùy tiện như bài diễn văn nhậm chức của tân Chủ tịch nước.


Tin bài liên quan:

VNTB – Giấc mơ công đoàn độc lập trong giới xã hội dân sự?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Ấn Độ sợ mất Apple vào tay Việt Nam như đã làm mất Samsung

Do Van Tien

VNTB – Thanh trừng tham nhũng sẽ ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của Việt Nam?

Do Van Tien

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 04.03.2023 12:05 at 12:05

Ui, dân Việt ta chỉ thích tứ khoái theo tiêu chuẩn tư bổn thui, nhưng hổng muốn làm gì hít chơn hít chọi á . Ngoài ra, họ chỉ muốn làm trí thức qua phản biện thui, khoa học khoa hiếc này nọ hổng có hợp với tạng người mình . Dân này thì chỉ khi nhất thể hóa, gộp chung thì “Ta” mới đạt được những thành tựu về khoa học . Để tự ên thì cứ xìu xìu ển ển như bây giờ thui .

Anh Thưởng hổng cần cập nhật kiến thức, mà tác giả nên lâu lâu ngó vô tên nước mình dùm cái .

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.