Thới Bình
(VNTB) – Bộ trưởng Bộ Công thương cảnh báo nếu “ép giá đầu vào”, các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ.
Hàng hóa của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài, nên nếu ép giá đầu vào, trong đó có giá xăng dầu, ở mức thấp, thì giá thành sản phẩm không những không phản ánh đúng giá trị, mà còn có thể gây thiệt hại lớn.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nói rằng ông rất chia sẻ với người dân về việc tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, giá xăng có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế – xã hội.
“Nói như vậy cũng không sai nhưng ở chiều ngược lại thì cũng phải nói thêm, nền kinh tế của chúng ta có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Diên nói.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, bộ trưởng Bộ Công thương cảnh báo nếu “ép giá đầu vào”, các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ.
Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, chứ không nói một chiều.
Thử cùng người viết phản biện các “phân bua” của ngài bộ trưởng.
Trước hết, Bộ trưởng nói giá xăng dầu thấp hơn thế giới. Bộ trưởng lấy tiền USD so với VND. Nếu so sánh vậy thì ai cũng biết được giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn các nước. Còn thử xem thu nhập bình quân đầu người với giá xăng hiện nay thì giá xăng quá cao.
Kế nữa, Bộ trưởng nói xăng thấp xảy ra tình trạng buôn lậu. Vậy không ngăn chặn được tình trạng buôn lậu xăng thì người dân phải chịu mức xăng dầu cao hay sao!? Vậy quản lý thị trường, cơ quan ban ngành đâu mà để xăng lậu lộng hành để ảnh hưởng người dân phải dùng xăng giá cao?
“Phản biện” tầm vĩ mô hơn, có ý kiến rằng đồng ý với ông Bộ trưởng là nếu can thiệp bằng những biện pháp hành chính hoặc biện pháp trợ cấp để “ép” giá xăng dầu xuống thấp, hoàn toàn có thể rơi vào việc chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam dùng các biện pháp thị trường một cách sòng phẳng để giá xăng dầu xuống thấp thì không có cơ sở nào để các nước kiện Việt Nam về vấn đề này. Chẳng hạn như những cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, Việt Nam hoàn toàn có quyền được cắt giảm; hoặc những vấn đề về thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… việc giảm hay không là quyền của Việt Nam.
Theo đó nếu thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế có vai trò điều tiết hành vi của người tiêu dùng, vậy thì cần phải làm sao để hạn chế dùng những sản phẩm không khuyến khích và chuyển sang dùng những loại được khuyến khích.
Ví dụ, cùng là xăng dầu, nhà điều hành khuyến khích dùng xăng sinh học nhiều hơn là xăng hoá thạch. Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế cần thiết phải được duy trì, nhưng trong hoàn cảnh giá xăng dầu tăng lên quá cao, đẩy các loại hàng hoá khác tăng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân một cách đột ngột, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát…, thì buộc phải sử dụng công cụ thay đổi chi phí cấu thành trong giá bán như các sắc thuế.
Nếu các nhà quản lý của Việt Nam hay thích mang nước này, nước kia để so sánh, thì vì sao không đặt tất cả những lo ngại của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về “nếu “ép giá đầu vào”, các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ” đối với Malaysia – một quốc gia quân chủ lập hiến liên bang tại Đông Nam Á.
Về kinh tế, Malaysia là đất nước phát triển nằm trong khu vực Đông Nam Á với việc sản xuất và xuất khẩu dầu cọ và cao su, ca cao và hạt tiêu đứng đầu thế giới. Ngoài ra, đây cũng là quốc gia xuất khẩu gỗ khối và các sản phẩm từ gỗ nổi tiếng trên thế giới.
Hiện tại, theo thống kê có khoảng 12.000 lao động Việt đang làm việc ở Malaysia theo diện xuất khẩu lao động.
Cục Thống kê Malaysia (DOSM) ngày 18-4 thông báo tổng kim ngạch thương mại của Malaysia trong tháng 3 vừa qua tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước lên mức cao kỷ lục 236,6 tỷ RM (tương đương 55,69 tỷ USD). Theo đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục phá kỷ lục và đạt mức cao nhất trong lịch sử khi lần lượt đạt 134,6 tỷ RM và 104,9 tỷ RM.
Thặng dư thương mại tăng 10,3% từ 24,2 tỷ RM năm 2021 lên 26,7 tỷ RM, đánh dấu tháng thặng dư thương mại thứ 23 liên tiếp kể từ tháng 5-2020.
Xuất khẩu hàng hóa tăng 25,4% từ 105,0 tỷ RM lên 133,6 tỷ RM, vượt mốc 100 tỷ RM trong tháng thứ 7 liên tiếp kể từ tháng 9/2021. Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 tăng trưởng là nhờ cả xuất khẩu trong nước và tái xuất. Giá trị xuất khẩu tăng được ghi nhận chủ yếu đối với các sản phẩm điện và điện tử (+13 tỷ RM); sản phẩm dầu mỏ (+4,6 tỷ RM); dầu cọ và các sản phẩm nông nghiệp chế biến từ dầu cọ (+3,1 tỷ RM); khí tự nhiên hóa lỏng (+2,5 tỷ RM); dầu thô (+1,6 tỷ RM) và các sản phẩm chế biến từ dầu cọ (+1,1 tỷ RM). Trong khi đó, nhập khẩu tăng được ghi nhận đối với các sản phẩm điện và điện tử (+7,1 tỷ RM); dầu thô (+6,1 tỷ RM); sản phẩm dầu mỏ (+3 tỷ RM); hóa chất và sản phẩm hóa chất (+2,2 tỷ RM); máy móc, thiết bị và phụ tùng (+1,6 tỷ RM); quặng kim loại và phế liệu kim loại (+1,2 tỷ RM); than đá (+1,2 tỷ RM).
Hối đoái hiện tại là 1 Ringgit Malaysia bằng 5.281,71 đồng Việt Nam. (Nguồn: https://wise.com/vn/currency-converter/myr-to-vnd-rate?amount=1000)
Thật ra những so sánh rồi trách cứ như trên đều là phiến diện vì “không cùng đại lượng” – bởi Malaysia là quốc gia quân chủ lập hiến, còn Việt Nam là quốc gia đơn đảng, không chịu áp lực cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị trong Quốc hội. Đây cũng là lý do khiến các vị bộ trưởng ở Việt Nam khá thoải mái khi đăng đàn phát biểu mà không chút ngại ngần sẽ chịu chỉ trích, vì pháp luật hình sự có “tấm khiên” ở Điều 117, Điều 331 dễ dàng “bịt miệng” phản biện (?!)