VNTB – Hãy đi học lại môn sinh vật

VNTB – Hãy đi học lại môn sinh vật

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Tổ đại bàng không theo nguyên tắc bầy đàn, mà là đơn lẻ, do đó rất khó trong tham vọng có hàng loạt tổ đại bàng như một thứ đồng phục cho thu hút những chim đại bàng tụ về để… đẻ

“Muốn đón được đại bàng thì phải có tổ lớn, muốn có cá to thì phải có ao sâu, Hà Nội không chỉ chuẩn bị tổ cho đại bàng mà còn làm tổ cho cả chích chòe và chào mào.”

Trên báo Dân Việt có đăng lời thuật như vậy về phát biểu của ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tương tự, cũng có thể thấy lời thuật này trên báo Lao động Thủ đô, báo Tuổi Trẻ (*).

Dùng tổ đại bàng cho ví von trong mời gọi đầu tư vào làm ăn tại Hà Nội là một khó hiểu, nếu xét về đặc tính sinh học của chim đại bàng. Tổ là nơi chim đại bàng cái đẻ trứng. Mỗi kỳ sinh nở thì chim cái sinh 2 trứng. Do chim bố mẹ chỉ có khả năng nuôi một chim non, nên thường sẽ có cuộc quyết đấu giữa hai chim con. Con nào thắng sẽ được nuôi cho đến khi trưởng thành. Cha mẹ chúng cũng không có hành động nào để ngăn chặn việc giết chóc này.

Như vậy ẩn dụ cho sinh sôi nảy nở từ tổ đại bàng là một điều vô nghĩa; đó là chưa nói tới việc chim đại bàng hiện nằm trong danh mục Sách Đỏ.

Lâu nay chim đại bàng thường được chọn làm biểu tượng quân sự của nhiều quốc gia, chẳng hạn các cơ quan tình báo trực thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, hoặc Quân lực Việt Nam Cộng Hoà trước đây.

Từ những thế kỷ trước công nguyên, đế quốc La Mã và đế quốc Babylon đã chọn loài đại bàng vàng làm biểu tượng cho quân đội của nước mình. Vào thời kỳ Trung Cổ và Phục Hưng, đa số các quốc gia châu Âu đã chọn đại bàng làm biểu tượng cho quân đội. Các hình vẽ đại bàng trên khiên của binh lính đã được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ thời Phục Hưng, Trung Cổ, La Mã và trên những hình vẽ trong truyện cổ tích châu Âu được mô phỏng lại.

Một ví dụ khác, đại bàng đầu trắng (tên khoa học Haliaeetus leucocephalus) được chọn là quốc điểu của Hoa Kỳ.

Hình tượng đại bàng hoặc giống đại bàng được sử dụng trong các huy hiệu như hiệu lệnh, như là một hình ảnh tượng trưng, và như là một tiêu ngữ. Các bộ phận của cơ thể của chim đại bàng như đầu, cánh của nó hoặc chân cũng được sử dụng như là một hiệu lệnh hoặc tiêu ngữ.

Chim đại bàng biểu tượng cho sức mạnh, lòng can đảm, tầm nhìn xa và sự bất tử. Nó được coi là vua của không trung và sứ giả của vị thần tối cao. Theo thần thoại, người Hy Lạp coi đại bàng là biểu trưng của thần Zeus, những người La Mã coi đại bàng là biểu trưng của Jupiter, bởi các bộ lạc Đức thì coi nó là Odin và người theo Kitô giáo thì là biểu tượng của Thiên Chúa.

Và có lẽ giờ đây cá biệt ở Việt Nam lại chọn cái tổ của đại bàng là biểu tượng của hiệu quả của môi trường thu hút đầu tư. Lưu ý, tổ đại bàng không theo nguyên tắc bầy đàn, mà là đơn lẻ, do đó rất khó trong tham vọng có hàng loạt tổ đại bàng như một thứ đồng phục cho thu hút những chim đại bàng tụ về để… đẻ (!?).

Nói thêm, tại hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác đầu tư và phát triển”, được tổ chức hôm 27-6, còn có những lời tường thuật khá ngô nghê khi xét về ‘nghĩa đen’ của tiết sinh vật học.

“Dẫn lại câu nói của đại biểu Quốc hội “Chúng ta đang làm tổ cho đại bàng đẻ, nhưng cũng phải rải thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt ở thủ đô”, Thủ tướng nhấn mạnh cần quan tâm, tạo mọi điều kiện cho cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển, bao gồm cả hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải được phát triển tốt ở Hà Nội” (báo Tuổi Trẻ *).

chim chào mào

Thức ăn của chim chào mào là côn trùng. Chim chào mào không ăn thêm loại ngũ cốc thóc gạo giống như chim sẻ.

________________

Chú thích:

(*) https://danviet.vn/ong-vuong-dinh-hue-muon-don-dai-bang-phai-co-to-lon-muon-co-ca-to-phai-dao-ao-sau-20200627143737958.htm; 

https://laodongthudo.vn/ha-noi-se-lam-to-lon-cho-dai-bang-va-chuan-bi-ao-sau-cho-ca-to-109790.html; 

https://tuoitre.vn/lo-don-dai-bang-dung-quen-chim-se-2020062808341024.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Tam Luong Hong 4 years

    Bài viết hay