Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hãy thắp lại lòng tin của người dân, thưa ngài Tổng bí thư

Nguyễn Nam

(VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được ví là ‘người đốt lò’ vĩ đại nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên không hẳn lòng tin của người dân vào chế độ này được “thắp lại”…

Cá nhân người viết bài này tin rằng nếu ông Tổng bí thư làm sao đó để những câu chuyện cụ thể dưới đây sẽ không còn nữa thì tin rằng không chỉ thắp lại lòng tin của dân chúng, mà nạn tham nhũng trong chế độ này cũng giảm mạnh hơn nữa khi luật pháp được thượng tôn.

Đó là câu chuyện tiếp tục thời sự dù mấy ‘triều đại’ tổng bí thư đã đi qua mà báo chí nhiều lần lên tiếng: Dự án khôi phục tuyến Quốc lộ 1 (dự án PMU1) thực hiện từ những năm 1994 – 1998 để mở rộng nền đường và hành lang an toàn giao thông.

Để thực hiện dự án này, tỉnh Nghệ An đã tiến hành thu hồi đất để giải phóng mặt bằng với chiều dài tuyến 83,8 km. Tuy nhiên, thời điểm đó những hộ dân bị thu hồi đất chỉ được bồi thường tài sản trên đất (cây cối, nhà cửa), diện tích đất đã cấp cho người dân sử dụng ven Quốc lộ 1 đều không được bồi thường.

Cá biệt, tại phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai), hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất nhưng đơn vị trích đo lại không thực hiện đo đạc đối với những gia đình không có tài sản trên đất. Đây cũng là nguyên nhân gây rắc rối cho việc xác định diện tích đất bị thu hồi để thực hiện bồi thường hiện nay.

Gia đình ông Nguyễn Đình Trợi được cấp đất ở từ năm 1976 với diện tích 531 m2 ở khối 11, phường Quỳnh Xuân. Năm 1994, khi mở rộng Quốc lộ 1 lần 1, diện tích bị giải phóng mặt bằng là 13,5 m từ tim đường kéo vào đất gia đình ông.

Thửa đất này có chiều ngang bám Quốc lộ 1 là 25 m, tương đương với diện tích bị thu hồi khoảng hơn 120 m2. “Họ chỉ đền bù một số cây tôi trồng trên đất bị thu hồi, còn đất không được bồi thường đồng nào nên tôi cũng không biết bị thu hồi bao nhiêu đất. Sau này, khi biết được việc không bồi thường đất là sai quy định, chúng tôi mới làm đơn yêu cầu bồi thường. Đến nay, quyền lợi của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết”, ông Trợi nói.

Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Bình (khối 11, phường Quỳnh Xuân) được cấp đất ở từ năm 1975 với chiều ngang bám Quốc lộ 1 là 25 m. Thời điểm thu hồi đất vào những năm 1994 – 1998, bà Bình không biết đã bị thu hồi bao nhiêu đất vì không được bồi thường và cũng không ai đo đạc. Mới đây, bà Bình đã làm đơn yêu cầu xác định lại diện tích bị thu hồi và bồi thường diện tích này.

Giải thích với báo chí, ông Lê Tiến Dào, công chức địa chính phường Quỳnh Xuân, cho biết trong số 452 hộ dân của phường có đất bị thu hồi để mở rộng Quốc lộ 1 vào thời điểm 1994 – 1998, chỉ có hơn 120 hộ dân có tài sản trên đất được bồi thường và có hồ sơ đo đạc, còn lại không có hồ sơ lưu trữ. Đây là điều gây khó khăn cho việc xác định diện tích bị thu hồi để làm cơ sở bồi thường.

“Việc đo đạc lại là không thể vì không còn hiện trạng, chỉ có thể căn cứ vào hành lang giao thông thời điểm chưa mở rộng và sau mở rộng để xác định diện tích thu hồi”, ông Dào nói.

Sau nhiều năm, những hộ dân bị thu hồi đất phát hiện việc thu hồi đất thuộc dự án PM1 không bồi thường là không đúng quy định nên đã làm đơn đòi quyền lợi. Nhận thấy đòi hỏi của người dân là có cơ sở, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành để xin ý kiến chỉ đạo.

UBND tỉnh Nghệ An sau đó thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp các địa phương rà soát, xác định các trường hợp đủ điều kiện được bồi thường. Năm 2020, Thủ tướng đồng ý cấp kinh phí bổ sung hơn 222,388 tỉ đồng để chi trả cho người dân bị thu hồi đất ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và thành phố Vinh.

Qua rà soát, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định số hộ dân bị thu hồi nhưng chưa được bồi thường là rất lớn. Ngày 8-4 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị bố trí thêm 1.282 tỉ đồng trong năm nay để chi trả bồi thường cho các hộ dân đã bị thu hồi đất từ những năm 1994 – 1998.

Để xác định diện tích đất đã bị thu hồi nhưng không có hồ sơ đo đạc lưu trữ, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã căn cứ vào vị trí hành lang an toàn giao thông các dự án nâng cấp Quốc lộ 1 làm cơ sở tính diện tích đất đã bị thu hồi để bồi thường cho người dân…

Một câu chuyện khác cũng ở tỉnh Nghệ An: Đổi sổ, mất luôn đất!

Từ năm 1996, nhiều hộ dân ở xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương) nhận đất rừng để trồng và bảo vệ rừng, được UBND huyện Thanh Chương cấp giấy chứng nhận giao đất (sổ xanh).

Đến năm 2006, để giao đất lâu dài (50 năm) cho người dân, UBND huyện Thanh Chương quyết định thu hồi sổ xanh, cấp đổi lại sổ đỏ. Theo đó, ngày 26-5-2006, UBND huyện này ra Quyết định số 756 cấp sổ đỏ đất rừng cho 362 hộ dân tại xã Thanh Thủy với thời hạn sử dụng đất 50 năm. Thế nhưng, sau khi cấp đổi, có nhiều hộ dân có tên trong quyết định trên không nhận được sổ đỏ, thậm chí còn bị mất đất.

Ông Nguyễn Văn Hòe (ngụ xóm 3, xã Thanh Thủy) nhận 2 thửa đất rừng diện tích 10 ha từ năm 1996, đã có quyết định cấp đổi sổ đỏ năm 2006 của UBND huyện Thanh Chương.

Tuy nhiên, đến nay ông vẫn không nhận được sổ dù đã rất nhiều lần đi đòi. Oái oăm hơn, diện tích đất rừng này nay lại thuộc về người khác để trồng keo. “Chúng tôi lên đòi đất thì một người tên Hạnh ngụ ở thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) bảo rừng này huyện đã cấp sổ đỏ cho ông ta. Mới đây, ông này thu hoạch keo, chúng tôi đến giành lại để trồng thì một người khác ra ngăn cản, phá keo của chúng tôi với lý do người này vừa mua lại đất của ông Hạnh kia”, ông Hòe kể.

Sống ở rừng nhưng không có tấc đất rừng nào để sản xuất, vợ chồng ông Hòe suốt năm này qua năm khác phải đi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Ông Hòe ngồi buồn xo, thở dài: “Chúng tôi lên xã hỏi, xã nói không thấy sổ đỏ chuyển về. Lên huyện kêu, huyện nói đã chuyển về cho xã. Bây giờ chẳng biết kêu ai, đành phải viết đơn kêu cứu nhờ đến báo chí”.

Cùng cảnh ngộ, bà Trần Thị Hòa (ngụ xóm 8, xã Thanh Thủy) nhận gần 14 ha đất rừng năm 1998 và cũng nằm trong danh sách được cấp đổi sổ đỏ năm 2006. Nhưng từ đó đến nay, diện tích đất rừng này và sổ đỏ lại thuộc về người khác.

“Chồng chết sớm, không có đất rừng làm ăn, tui phải bươn chải thức khuya dậy sớm làm bánh tráng để nuôi con. Đi đòi chẳng biết kêu ai nữa nên đành phải chịu”, bà Hòa than thở. Ngoài ra, có 2 gia đình khác ở xã này là bà Nguyễn Thị Vinh và bà Nguyễn Thị Lan cũng mất cả đất lẫn sổ đỏ và vẫn chưa tìm được nguyên nhân…

… Và những câu chuyện người thật – việc thật về đất đai như trên có thể dễ dàng bắt gặp ở hầu hết các tỉnh, thành trong suốt mấy chục năm qua, đến tận hôm nay khi mà quyền sở hữu đất đai của người dân vẫn được Đảng yêu cầu phải là “độc quyền Nhà nước”!


 

Tin bài liên quan:

TBT Trọng sẽ đi Mỹ vào tháng 7 và TPP có thể được ký kết trong mùa hè này *

Phan Thanh Hung

VNTB – Sẽ lại có nhiều người bị bắt vì dám tố cáo bí thư Bùi Văn Cường?

Phan Thanh Hung

VNTB – Sao cứ mãi tham quyền cố vị?!

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.