(VNTB) – Người dân chắc hẳn đang băn khoăn, tại sao chỉ trong vòng hơn một năm mà phẩm chất một lãnh đạo lại biến chuyển như vậy
Khi được bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 2-3-2023, theo quy trình nhân sự của Bộ Chính trị thì ông Võ Văn Thưởng được đánh giá “là cán bộ cấp cao của Đảng, được đào tạo, có năng lực, uy tín và kinh nghiệm công tác tương đối toàn diện”. Đến khi được “thôi” làm Chủ tịch nước ngày 20-3-2024, Bộ Chính trị lại cho rằng ông Võ Văn Thưởng đã “vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Tuy nhiên, ngay cả lý do được nêu chung chung đó cũng không rõ sự minh bạch là cụ thể ông Thưởng đã vi phạm điều luật nào của Đảng, của hệ thống pháp luật của Nhà nước.
Nhớ lại, tại buổi lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị về phân công nhiệm vụ các Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải đã bật khóc khi chia sẻ tâm tình về ông Võ Văn Thưởng, tân Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: “Em là người con ưu tú, tiêu biểu của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Thành phố rất tự hào về em. Dù em đi đâu, trên cương vị nào cũng sẽ luôn mang theo tình thương yêu, quý mến của đồng bào thành phố, của Đảng bộ TP.HCM”.
Trong bài phát biểu của mình khi đó, ông Lê Thanh Hải còn nói rằng: Trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố được Bộ Chính trị nhận xét đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực; để từ thực tiễn của thành phố đã gợi mở cho Trung ương những vấn đề về đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới, với trọng tâm là kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Kết quả đó có được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự hỗ trợ có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, Trung ương, là sự phấn đấu nỗ lực, lao động cật lực của Đảng bộ, Nhân dân thành phố, đặc biệt là kết quả của công tác quy hoạch bồi dưỡng đào tạo, luân chuyển, rèn luyện cán bộ” – ông Hải nói và nhấn mạnh rằng thành phố có bề dày thành tích rất tự hào, luôn thống nhất cao về nhận thức, hành động đối với các chủ trương chính sách của Đảng và luôn tạo ra sự đồng thuận trong Nhân dân.
Trong một ghi nhận liên quan từ hãng tin Reuters, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay có thể được giải quyết bằng cuộc bầu cử Chủ tịch mới nhanh chóng, nhưng vẫn có rủi ro là việc thay đổi lãnh đạo hàng đầu liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý kinh doanh ở một quốc gia phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài.
Cũng theo Reuters, một cố vấn tại Việt Nam cho biết: “Việc loại bỏ ông Thưởng có thể khiến các quyết định chính sách và hành chính chậm lại hơn do quan chức lo lắng nhiều hơn về chiến dịch chống tham nhũng”. Và với các nhà đầu tư lâu nay khen ngợi sự ổn định chính trị có thể không chấp nhận sự ra đi sớm của hai Chủ tịch nước trong khoảng một năm.
Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer – Đức, một tổ chức tư vấn cho Reuters biết, những diễn biến gần đây khiến “khả năng dự đoán, độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống” bị hoài nghi nhưng “hệ thống quản lý chính trị tổng thể vẫn ổn định”, và chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ không thay đổi.
Xem ra, với thực trạng thiếu vắng lá phiếu bầu chọn mang tính công khai, minh bạch thì không quá lời khi có người đã phải cay đắng cho rằng hạt giống đỏ gieo xuống lại trúng mùa trái đắng…