VNTB – Hệ thống thư viện Hoa Kỳ

VNTB – Hệ thống thư viện Hoa Kỳ

Aria Serena

 

(VNTB) – Hệ thống thư viện Hoa Kỳ được quản lý bởi một tập hợp các nguyên tắc gọi là Tuyên ngôn về Quyền của Thư viện, bao gồm các nguyên tắc về tự do trí tuệ, tiếp cận thông tin và quyền riêng tư.

 

Hệ thống thư viện Hoa Kỳ là một mạng lưới thư viện công cộng, học thuật hoặc chuyên ngành. Thư viện là nơi sưu tập sách, bản thảo, tạp chí và các nguồn thông tin được ghi lại khác. Chúng thường gồm các tài liệu tham khảo, chẳng hạn như bách khoa toàn thư cung cấp thông tin và chỉ mục giúp người dùng tìm thông tin trong các nguồn khác; các tác phẩm sáng tạo, như thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, nhạc và ảnh; sách phi hư cấu, chẳng hạn như tiểu sử, lịch sử và các báo cáo khác; và các ấn phẩm định kỳ, bao gồm tạp chí, tạp chí học thuật và sách được xuất bản như một phần của bộ sách, các bản ghi, đĩa CD-ROM, băng ghi âm và băng video(*). Hệ thống này được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ của chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang, thuế của người dân, cũng như các khoản quyên góp và trợ cấp tư nhân.

Thư viện công cộng, Public libraries, là xương sống của hệ thống thư viện Hoa Kỳ, cung cấp quyền truy cập miễn phí tài liệu, sách vở cho tất cả các thành viên trong cộng đồng. Nó cung cấp nhiều loại dịch vụ, gồm truy cập máy tính và internet, máy chiếu hình, chiếu phim, dịch vụ tham khảo và các hoạt động năn hóa dành cho trẻ em hay người lớn.

Một thư viện công cộng ở New York

Thư viện học thuật, Academic libraries, là một phần của các trường cao đẳng và đại học và phục vụ nhu cầu của sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu. Các trường tiểu, trung học cũng có thư viện của họ. Những thư viện này thường có các bộ sưu tập và dịch vụ chuyên biệt, chẳng hạn như truy cập vào các tạp chí và cơ sở dữ liệu học thuật, mượn liên thư viện và hỗ trợ nghiên cứu.

Các thư viện chuyên ngành, Specialized libraries, như luật, y tế và thư viện chính phủ… có các bộ sưu tập và dịch vụ độc đáo đáp ứng nhu cầu của các nhóm người cụ thể chuyên môn.

Hệ thống thư viện Hoa Kỳ được quản lý bởi một tập hợp các nguyên tắc gọi là Tuyên ngôn về Quyền của Thư viện, bao gồm các nguyên tắc về tự do trí tuệ, tiếp cận thông tin và quyền riêng tư. Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ, American Library Association, (ALA) là tổ chức nghề nghiệp lớn nhất dành cho các thủ thư tại Hoa Kỳ, tổ chức này cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các thư viện và cán bộ thư viện trên toàn quốc.

Các thư viện đóng một vai trò quan trọng trong xã hội Hoa Kỳ, cung cấp khả năng tiếp cận thông tin, và học tập suốt đời, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng. Ví dụ:

Nơi bỏ phiếu: Thư viện thường là địa điểm được dùng, dễ đến bỏ phiếu bầu cử. Ngoài ra, các thư viện có thể cung cấp tài liệu và thông tin để giúp mọi người đăng ký bỏ phiếu, tìm hiểu về các ứng cử viên và các vấn đề cũng như hiểu quy trình bỏ phiếu.

Cử tri đi bỏ phiếu tại một thư viện công tại Arizona

Giáo dục công dân: Các thư viện cung cấp quyền truy cập vào các dữ liệu giúp tìm hiểu về chính phủ, các tổ chức công dân và trách nhiệm công dân của họ. Ví dụ: họ có thể cung cấp sách, trang web và các tài nguyên khác về các chủ đề như Hiến pháp Hoa Kỳ, Tuyên ngôn Nhân quyền và hoạt động của chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang.

Sinh hoạt cộng đồng: Các thư viện có thể đóng vai trò là nơi tập hợp cộng đồng, nơi mọi người có thể cùng nhau thảo luận các vấn đề, chia sẻ ý tưởng và thực hiện các dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ví dụ, tổ chức các câu lạc bộ sách, bài giảng và các sự kiện khác nhằm thúc đẩy sự tham gia và đối thoại của công dân, dạy tiếng Anh cho người mới học, ESL, dậy thi quốc tịch, kèm toán, đọc, viết cho học sinh hay lấy bằng trung học, GED, hay cả tổ chức các sự kiện văn hóa cho người lớn, trẻ em…

Truy cập vào các dịch vụ của chính phủ: Các thư viện cho phép truy cập vào các dịch vụ và tài liệu của chính phủ, chẳng hạn như biểu mẫu thuế, đơn xin hộ chiếu và thông tin về các chương trình và lợi ích của chính phủ.

Giúp đỡ: Các thư viện có thể giúp các vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng, chẳng hạn như tài trợ cho giáo dục, tiếp cận chăm sóc sức khỏe và bảo vệ các quyền công dân. Họ cũng có thể cung cấp các nguồn lực và thông tin để giúp mọi người tự mình tham gia vận động chính sách.

Người nộp thuế phải trả một phần kinh phí cho hệ thống thư viện công cộng tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng gánh nặng thuế của họ. Theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ, tiền thuế 1 người trả cho các thư viện Hoa Kỳ khoảng 35 đô/năm; đánh vào phần thuế thu nhập của từng người hay từ thuế bất động sản, thuế bán hàng hoặc các hình thức thuế địa phương khác.

Ngoài nguồn tài trợ thêm của chính phủ, các thư viện cũng có thể nhận được hỗ trợ từ các khoản đóng góp tư nhân, trợ cấp và các nguồn tài trợ khác. Tuy nhiên, tài trợ của chính phủ vẫn là một phần quan trọng trong hỗ trợ tài chính của hệ thống thư viện.

Nhiều người không bao giờ đến thư viện nhưng vẫn phải đóng thuế. Nhưng ai đó dù không sử dụng thư viện với mục đích cá nhân, họ vẫn được hưởng lợi từ các dịch vụ và tài nguyên mà thư viện cung cấp cho cộng đồng nói chung. Như vậy, thật hợp lý khi mong đợi mọi người nên đóng góp vào việc tài trợ cho hệ thống thư viện thông qua thuế. Người nộp thuế giúp đảm bảo rằng những lợi ích này có sẵn cho mọi người, bất kể thu nhập hoặc hoàn cảnh.

Trong hệ thống thư viện công cộng, có Thư viện Quốc Hội, thư viện lớn nhất ở Hoa Kỳ và là một trong những thư viện lớn nhất trên thế giới. Đây là thư viện nghiên cứu chính thức của Quốc hội Hoa Kỳ và đóng vai trò là thư viện quốc gia của Hoa Kỳ.

Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ

Thư viện Quốc hội được thành lập theo một đạo luật của Quốc hội vào năm 1800 và mở cửa cho công chúng vào năm 1802. Tọa lạc tại thủ đô Washington, D.C. và mở cửa cho các nhà nghiên cứu, học giả và công chúng.

Thư viện Quốc Hội có một bộ sưu tập tài liệu khổng lồ, bao gồm hơn 38 triệu cuốn sách và các tài liệu in ấn khác, 3,6 triệu bản ghi âm, 14,8 triệu bức ảnh, 5,5 triệu bản đồ và 70 triệu bản thảo. Bộ sưu tập gồm các tài liệu bằng hơn 470 ngôn ngữ với nhiều chủ đề khác nhau, từ khoa học và công nghệ đến lịch sử, văn học và nghệ thuật.

Ngoài bộ sưu tập khổng lồ của mình, Thư viện Quốc hội còn cung cấp nhiều dịch vụ và tài liệu cho các nhà nghiên cứu và công chúng. Người đọc có quyền vào phòng đọc, bộ sưu tập kỹ thuật số, triển lãm và sự kiện. Nó cũng cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và tham khảo, đồng thời đóng vai trò là đơn vị dẫn đầu các thư viện và thông tin qua các chương trình nghiên cứu và phát triển của mình.

Địa chỉ Thư Viện Quốc Hội 101 Independence Avenue SE, Washington, DC 20540, gần Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ, Tòa án Tối cao và các tòa nhà chính phủ khác.

Có lẽ không gì dễ dàng hơn để có một thẻ thư viện. Người lớn chỉ cần đem bằng lái xe, hay một cái thư nơi nào đó gửi cho mình ra thư viện, nhân viên thư viện sẽ giúp cho có một thẻ thư viện miễn phí qua địa chỉ của mình. Trẻ em cũng có thể đem thẻ học sinh hay xin thẻ cùng cha mẹ. Với cái thẻ đó, có thể mượn, và trả sách ở bất cứ thư viện nào trong quận hạt, County, của mình. Trường hợp thư viện không có tài liệu mình muốn, họ sẽ mượn từ thư viện nào đó gửi về cho mình. Có thể vào trang web của County để làm thẻ thư viện.

Một số thư viện có thể cấp thẻ ngay tại chỗ, trong khi những thư viện khác có thể gửi thẻ cho mình qua đường bưu điện (Một hình thức xác định địa chỉ).

Quy trình xin cấp thẻ thư viện QH cũng không khác gì ở các thư viện khác, nhưng nếu sống xa Washington, D.C., mà vẫn muốn có thể nhận được thẻ Thư viện Quốc hội, vào trang Web của thư viện. Nếu từ VN sang chơi, có dịp ghé ngang, ai đó có thể làm một thẻ thư viện Quốc Hội để khi về VN, có thể mượn tài liệu đọc trực tuyến. Trang web của Thư viện https://www.loc.gov/ cung cấp quyền truy cập vào nhiều bộ sưu tập kỹ thuật số, triển lãm trực tuyến và các tài nguyên khác có thể truy cập từ bất kỳ đâu có kết nối internet.

Nếu là nhà nghiên cứu và cần có các bộ-sưu-tập-thực của thư viện, có thể yêu cầu tài liệu thông qua dịch vụ mượn liên thư viện tại thư viện gần nhà, điều này khó áp dụng cho người sống ngoài Hoa Kỳ.

Để có thẻ Thư viện Quốc Hội, cần gửi đơn và cung cấp thông tin để xác định danh tính và nhu cầu nghiên cứu của mình qua trên trang web của Thư viện.

Lưu ý rằng quy trình làm đơn và các yêu cầu có thể khác nhau tùy thuộc vào tư cách là nhà nghiên cứu, giáo viên hoặc sinh viên, vì vậy hãy xem xét cẩn thận thông tin trên trang web của thư viện trước khi gửi đơn.

Có được thẻ Thư viện Quốc Hội từ xa có vẻ khó khăn hơn so với việc nộp đơn trực tiếp, nhưng vẫn có thể truy cập nhiều tài liệu và dịch vụ của Thư viện từ mọi nơi trên thế giới.

Mỗi Tổng Thống đều có một bảo tàng và một thư viện riêng của họ. Thí dụ thư viện và Bảo tàng Tổng thống John F. Kennedy ở Boston, Massachusetts, Thư viện JFK dành riêng cho cuộc đời và di sản của Tổng thống John F. Kennedy. Thư viện chứa hơn 8,4 triệu trang tài liệu, bao gồm các bài báo từ thời JFK tại Quốc hội và khi là Tổng thống, cũng như các vật dụng cá nhân, bài phát biểu, ảnh và đồ tạo tác của ông. Bảo tàng triển lãm về cuộc đời, gia đình và nhiệm kỳ tổng thống của JFK, cũng như các cuộc triển lãm tạm thời về nhiều chủ đề khác nhau. Vào đây có thể thấy diễn trình cuộc ám sát đẫm máu vị tổng thống trẻ này.

Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Franklin D. Roosevelt: Nằm ở Hyde Park, New York. Thư viện chứa hơn 17 triệu trang tài liệu, bao gồm các giấy tờ cá nhân của Roosevelt và các giấy tờ từ thời ông còn làm Tổng thống.

Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Ronald Reagan: Nằm ở Thung lũng Simi, California. Thư viện chứa hơn 50 triệu trang tài liệu, bao gồm các giấy tờ cá nhân của Reagan và các giấy tờ từ thời ông là Thống đốc California và Tổng thống Hoa Kỳ. Bảo tàng trưng bày bản sao của Phòng Bầu Dục và chiếc máy bay dành riêng Air Force One cho các tổng thống.

Thư viện Tổng thống Ronald Reagan

Không có thư viện riêng của TT đầu tiên của Mỹ, George Washington. Ông thật đáng thương. Khi ông mất tại nhà riêng trong căn phòng nhỏ chỉ kê vừa cái giường và cái ghế, trong khu đồn điền riêng ở Mount Vernon, Virginia, mà cũng là nơi làm việc của Tổng Thống lúc đó, vật dụng cá nhân lúc đó có tài liệu, sách vở, đồ nội thất và bộ sưu tầm gốm sứ Trung Hoa bị thất tán, nhiều người trong gia đình, họ hàng lấy đi làm kỷ niệm, cho đến nay người ta vẫn cố vận động trả lại!

Mỗi thư viện và bảo tàng tổng thống cung cấp một cái nhìn độc đáo về cuộc đời và di sản của vị Tổng thống mà nó tôn vinh, cũng như bối cảnh lịch sử quan trọng đối với các sự kiện và vấn đề của thời đại.

Vào các bảo tàng của Tổng Thống phải trả tiền khá đắt, và để đọc tài liệu cũng phải được phép và trả tiền.

Không thể mượn sách hoặc tài liệu từ thư viện tổng thống hoặc bảo tàng của họ. Các thư viện và viện bảo tàng của tổng thống chủ yếu gồm các hồ sơ và các bộ sưu tập nhằm mục đích sử dụng cho các học giả, nhà nghiên cứu và công chúng cho mục đích nghiên cứu hay giáo dục. Mỗi thư viện liền với bảo tàng TT thường chiếm một khoảng đất rộng rãi, kiến tạo trang nghiêm, đẹp đẽ.

Nếu muốn mượn sách hoặc các tài liệu khác liên quan đến vị TT nào, có thể đến thư viện công cộng tại địa phương, nơi có thể có sẵn nhiều loại tài liệu để mượn, bao gồm sách đọc, sách nói, DVD, v.v. Cũng có thể kiểm tra với thư viện trường học hoặc trường đại học nếu là sinh viên, giảng viên hoặc nhân viên.

So sánh hệ thống thư viện của Mỹ với một số hệ thống thư viện quốc gia khác.

Hệ thống thư viện ở các quốc gia có thể khác nhau đáng kể về cấu trúc, kinh phí và dịch vụ. nhưng chung chung, như ở Anh, Pháp, Nhật, Singapore, Phi Luật Tân, Đại Hàn đều giống nhau phần nội dung, chức năng.

Các hệ thống thư viện trên toàn thế giới đều có chung mục tiêu cung cấp thông tin và giáo dục. Mặc dù cấu trúc và kinh phí của các hệ thống thư viện có thể khác nhau, nhưng tất cả chúng đều đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đời sống trí tuệ và văn hóa của cộng đồng.

Hệ thống thư viện ở Trung Quốc do chính phủ tài trợ và vận hành, bao gồm thư viện quốc gia, thư viện công cộng, thư viện học thuật và thư viện chuyên ngành. Hệ thống thư viện ở Trung Quốc có một lịch sử lâu đời, với thư viện được ghi lại sớm nhất có từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Tất cả dân Trung Quốc đều có quyền sử dụng các thư viện công cộng miễn phí, nơi cung cấp sách, tạp chí, báo, DVD và các tài liệu khác để mượn. Các thư viện quốc gia ở Trung Quốc cũng lưu giữ các bộ sưu tập tư liệu lịch sử quan trọng, chẳng hạn như sách cổ, bản thảo và tài liệu. Ngoài ra, Trung Quốc gần đây đã đầu tư mạnh vào việc xây dựng các thư viện mới và mở rộng các thư viện hiện có, đặc biệt tập trung vào việc tạo ra các thư viện kỹ thuật số tiên tiến nhất.

Trong khi hệ thống thư viện ở Trung Quốc có một số điểm tương đồng với hệ thống thư viện của Mỹ, thì cũng có một số điểm khác biệt chính. Ví dụ, chính phủ Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong việc tài trợ và giám sát hệ thống thư viện, và có thể chú trọng nhiều hơn vào việc thu thập và bảo quản các tư liệu lịch sử. Ngoài ra, quyền truy cập vào một số tài liệu có thể bị hạn chế do chính sách kiểm duyệt của chính phủ.

Còn hệ thống thư viện ở Bắc Triều Tiên bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ và việc truy cập thông tin bị hạn chế rất nhiều. Thư viện Quốc gia Triều Tiên nằm ở thủ đô Bình Nhưỡng và mở cửa cho công chúng tham quan, nhưng bộ sưu tập của nó chỉ giới hạn ở các tài liệu tuyên truyền thúc đẩy hệ tư tưởng của đảng cầm quyền và các lãnh đạo.

Một thư viện công ở Bắc Hàn

Ngoài Thư viện Quốc gia, còn có nhiều thư viện công cộng và học thuật khác trên khắp Triều Tiên, nhưng chúng thường tập trung vào việc tuyên truyền, hỗ trợ hệ thống giáo dục của đất nước và thúc đẩy hệ tư tưởng đảng Lao Động.

Do sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với thông tin và thiếu tự do ngôn luận ở Bắc Triều Tiên, hệ thống thư viện không được coi là pháo đài của tự do trí tuệ hoặc truy cập mở thông tin.

Thư viện đầu tiên trên thế giới với những cuốn sách hiếm nhất.

Thư viện có những cuốn sách hiếm nhất trên thế giới rất khó xác định một cách dứt khoát, vì có rất nhiều thư viện với những bộ sưu tập khổng lồ và có giá trị. Một số thư viện nổi tiếng với các bộ sưu tập sách quý hiếm:

Thư viện Anh ở London, nơi lưu giữ hơn 170 triệu hiện vật, gồm một số cuốn sách quan trọng và quý hiếm nhất hay độc bản trên thế giới, chẳng hạn như Magna Carta, First Folio của Shakespeare và Kinh Thánh Gutenberg.

Thư viện Quốc hội ở Washington, D.C., là thư viện lớn nhất thế giới, với hơn 170 triệu mục, bao gồm sách quý hiếm, bản thảo, bản đồ, v.v.

Thư viện Vatican ở Thành phố Vatican, nơi đã thu thập và bảo quản những cuốn sách và bản thảo quan trọng từ thế kỷ 15, và có một bộ sưu tập hơn 1,5 triệu cuốn sách và bản thảo.

Không rõ thư viện nào đầu tiên trên thế giới. Nhiều thư viện cổ đã bị tàn rụi theo thời gian. Tuy nhiên, một số thư viện được biết đến sớm nhất:

Thư viện Ashurbanipal ở Assyria cổ đại (nằm ở Iraq ngày nay), có từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và chứa hơn 30.000 sách viết trên đất sét.

Thư viện Alexandria ở Ai Cập cổ đại, được thành lập vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và trở thành một trong những thư viện lớn nhất và quan trọng nhất trong thế giới cổ đại.

Điều thú vị nhất đối với người viết bài này là tại Hoa Kỳ, mặc dù hệ thống thư viện dầy đặc, nhưng đó đây người ta có thể thấy những “hộp thư viện” nho nhỏ ở góc phố, ngã tư, trong thành phố hay nông thôn. Ai đó trong khu làm cái hộp kính nho nhỏ dễ thương, chứa được khoảng chục cuốn sách một lúc, họ gọi là micro libraries, hay community bookshelves, hay book boxes, thường thấy ghi trên đó hàng chữ “take a book, leave a book”. “lấy một cuốn sách, để lại một cuốn sách”; cộng đồng trong khu có thể trao đổi đủ các loại sách qua hộp thư viện này.

Đại Hàn cũng có thư viện nho nhỏ loại này, họ gọi là Gunpo.

________________

Tham khảo

(1) https://www.britannica.com/topic/library


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)