Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hết quốc tang thì mới được tới dân tang 

Nguyễn Thị Sen

 

(VNTB) – Buổi lễ nào của Đảng và Chính phủ cũng có một phút mặc niệm ông Trọng mà không có một giây nào tưởng nhớ tới người dân thiệt mạng vì thiên tai

 

Ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng chết, cả nước rưng rưng sục sôi lo cho quốc tang. Quốc tang kéo dài cả hơn tuần lễ từ ngày 19/7/2024 lai rai cho tới ngày 27/07/2024.

Những ngày hạ tuần tháng 7, thiên tai xảy ra liên tục khắp mọi miền đất nước. Lũ lụt sạt lở ở các vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Các thành phố lớn ngập trong nước, ngay tại Hà Nội cũng có vùng chìm trong biển nước.

Ngày 20/7/2024, một vụ sạt lở ở Lâm Đồng khiến 1 người tử vong, một người bị thương nặng nhưng sau đó cũng không qua .

Lũ quét, sạt lở hoành hành ở Sơn La, Điện Biên những ngày cuối tháng 7. Sơn La có 11 chết và 6 người bị thương do lũ quét, sạt lở với tổng thiệt hại hơn 500 tỷ đồng trong các ngày 22-25/07/2024.  Tại Điện Biên đến hết ngày 1/8/2024 thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 6, 3 người mất tích và 7 người bị thương. Thiệt hại tại Điện Biên ước tính là 175 tỷ đồng.

Từ chiều 29 đến sáng nay 31-7, 6 người chết, 1 người mất tích ở các tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Giang và Sơn La. 

Tính ra chỉ trong những ngày Quốc tang cho tới sau khi mở cửa mả của ông Trọng đã có mười mấy người chết, hàng ngàn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, hoặc bị cô lập trong nước. Nhưng trong những ngày ấy tuyệt nhiên không thấy các lãnh đạo cấp cao đi thị sát hay ít ra có ý kiến chỉ đạo gì cho cấp dưới. 

Người người còn bận đau buồn, than khóc, tỏ lòng tiếc thương ông Trọng, ông Chính cũng còn bật khóc mếu máo trước linh cữu ông Trọng. Vừa phải lo quốc tang còn vừa phải lo đón tiếp hơn một trăm lãnh đạo, đại diện các quốc gia trên thế giới tụ tập về Ba Đình để dự quốc tang của người cộng sản cuối cùng.

Các hình thức vui chơi giải trí đều bị cấm trên toàn quốc. Người người trên cõi mạng đua nhau thay đổi trạng thái, hình đại diện để tỏ lòng tiếc thương, ai lỡ khoe hình vui vẻ thì bị ném gạch đá ào ào. Báo mạng lẫn báo giấy của đảng đều chỉ có hai màu đơn sắc trắng đen. Tới Quốc kỳ còn bị Đảng bắt phải đeo tang cho ông Trọng, khăn tang đen bó ngang bó dọc để ép cờ phải nằm im, rủ xuống cả tuần lễ mới được. 

Đoàn thanh niên, Đội thiếu nhi, các hội đoàn nhà nước, cán bộ công nhân viên đều được huy động đi viếng ông Trọng.  Hoa hậu, người nổi tiếng cũng được ưu tiên làm người viếng VIP để tạo trend trên mạng xã hội. Người không có cơ hội đi viếng thì đã có sổ tang trực tuyến sử dụng VNeID để bày tỏ lòng thương tiếc ông Tổng Bí Thư đã ngồi 3 nhiệm kỳ và có công chống tham nhũng. Ông Trọng  đúng là tới chết, đã nằm trong hòm rồi còn phải làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị cho ứng dụng VNeID của Bộ Công An.

Một cái quốc tang với rất nhiều người thương khóc, một cái quốc tang với những lời khen dành cho người đã khuất, cùng những lời có cánh dành cho vợ con ông. Những lời ca ngợi dành cho vợ ông, cựu đại tá công an, đã bị nhấn chìm trước hình ảnh bà cúi gập người chín mươi độ, gục đầu vào tay Vương Hộ Ninh, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc tại nhà tang lễ.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp. HCM lại cho đăng tấm hình này lên trang Facebook của họ.  Tuy nhiên báo chí Việt Nam lại không có một dòng nào bình luận về hành động này. Các báo đảng, dư luận viên chỉ cảm thấy thật xúc động khi đoàn Trung Quốc đeo tang đen và cúi đầu lạy linh cữu ông Trọng; và có lẽ họ cảm thấy cái cúi đầu của bà Mận là chuyện bình thường.

Thương tiếc xong, qua quốc tang, qua thất thứ hai của ông trọng thì Đảng lại bận tổ chức bầu Tổng Bí thư chứ đảng không thể một hai tuần không có Tổng Bí Thư. Bầu bán 100% rồi thì tiếp tới họp báo, trả lời phỏng vấn, nhận lời chúc từ các lãnh tụ độc tài Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn, Belarus, Nga, Lào, Campuchia rất xôm tụ. Qua tới ngày 04/08/2024 đảng mới cho Chính phủ đi làm chuyện dân tang.

Mười mấy mạng người dân chết vì thiên tai sao sánh bằng cái chết của lãnh tụ? Nên phải đợi khi nào Trung Ương và Chính phủ trống lịch mới lo tới nơi. Ngày 4/8/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long mới đi thị sát vùng ngập lụt, thăm hỏi đời sống người dân tỉnh Sơn La, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ tại Điện Biên. Cũng trong ngày này, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Còn Lâm Đồng tới ngày 5/08, thứ Hai đầu tuần mới yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan đến vụ việc sạt lở đất khiến 2 người tử vong.  Vì một cái quốc tang và cái ghế tổng bí thư, mà dân tang bị trễ gần 2 tuần lễ.

Trước giờ, có thiên tai, lũ lụt là nhà nhà người người kêu gọi đóng góp cứu trợ lũ lụt. Các lãnh đạo cũng lập tức diễn trò mỵ dân, đội nón cối, mặc áo phao đi thị sát. Nhưng lần này thì mạnh ai nấy chèo, chỉ dám nói tới bác Trọng. Ở ngoại thành Hà Nội, sát bên mặt trời mà còn bị Đảng lơ thì nói gì tới những tỉnh miền ngược xa xôi như Sơn La, Điện Biên hay tuốt trong Lâm Đồng.

Buổi lễ nào của Đảng và Chính phủ cũng có một phút mặc niệm ông Trọng, mà họ không có một giây nào tưởng nhớ tới người dân thiệt mạng vì thiên tai vốn là hậu quả của quản trị yếu kém của quan chức đảng. 

Cán bộ là đầy tớ của dân, nhưng một đám tang của đầy tớ vẫn quan trọng hơn mười mấy cái đám tang dân. Phải xong quốc tang rồi, mới được nói tới chuyện dân tang.


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Bác Trọng, sẵn sàng gặt bão chưa?

Do Van Tien

VNTB – Di sản của Nguyễn Phú Trọng

Trương Thế Tử

VNTB – Nguyễn Phú Trọng và bệnh kiêu ngạo cộng sản

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.