Mai Lan
(VNTB) – Chính quyền TP.HCM cần gấp 38.800 tỉ đồng cho kế hoạch chống dịch Covid, nên đề xuất Chính phủ hỗ trợ gần 28.000 tỉ. Đến 23-9, thông tin nhận được là Chính phủ ‘sẽ cân nhắc’ hỗ trợ… 2.000 tỉ đồng mà thôi.
Vậy là hết tiền để ‘chống’ dịch Covid, đành ‘chung sống’ với Covid như cả thế giới đang làm mà thôi.
Nếu không thể có ‘tiền tươi’, hãy hỗ trợ cơ chế
Tại buổi giám sát việc thực hiện các nghị quyết số 42, số 154, số 68 của Chính phủ, và nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân TP.HCM, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho hay TP.HCM hiện đang cần nguồn lực lớn để phòng, chống dịch và giải quyết bài toán an sinh, an dân.
Theo đó, với thực tế vẫn còn trên 40.000 ca mắc Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện và khoảng 60.000 F0 đang điều trị tại nhà và tầng 1, cho thấy kinh phí liên quan việc kiểm soát dịch của TP.HCM hiện nay rất căng thẳng, TP.HCM đã dự toán cần thêm 38.800 tỉ đồng.
TP.HCM đã huy động mọi nguồn lực dự phòng, dự trữ được 10.800 tỉ đồng, do đó TP.HCM mới đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ cho TP.HCM nguồn kinh phí gần 28.000 tỉ đồng. Bất ngờ là được thông tin Chính phủ ‘sẽ cân nhắc’ hỗ trợ 2.000 tỉ đồng, một con số ‘hết sức khiêm tốn’.
“Dẫn những con số trên để thấy rằng nhu cầu về nguồn lực để phòng, chống dịch tại TP.HCM hiện rất lớn và cấp bách. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phải nỗ lực để giải quyết bài toán an sinh xã hội và an dân khi TP.HCM thực hiện giãn cách, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đều tạm ngưng hoạt động trong các tháng vừa qua khiến nguồn thu ngân sách của TP.HCM cũng giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Trần Hoàng Ngân nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho hay trong 5 năm vừa qua, TP đã ‘thu hộ’ và chuyển về trung ương trên 1,4 triệu tỉ đồng, riêng năm 2019 đã chuyển về trung ương khoảng 330.000 tỉ đồng, trung bình mỗi năm đều chuyển về trung ương trên 300.000 tỉ đồng.
Vì thế, ông Ngân cho rằng trung ương cần xem xét, điều tiết nguồn lực cho TP.HCM, hỗ trợ lúc TP.HCM gặp khó khăn, ít ra thì cũng nên tạo cơ chế để TP.HCM có thể xoay xở, tạo nguồn thu để bù đắp những khoản chi ‘chống’ dịch.
Về cơ chế, ông Trần Hoàng Ngân cho hay sẽ có những giải pháp về huy động nguồn thu mà trung ương và TP.HCM sẽ cùng bàn lại để có cơ chế thích hợp nhất, song có thể có những cách giải quyết như cho TP.HCM phát hành trái phiếu ra sao, tăng nợ công như thế nào, hỗ trợ TP.HCM về cổ phần hóa, điều chỉnh các dự án đầu tư công, chính quyền đô thị… “Điều này giúp TP.HCM có nguồn lực để phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để phục hồi, bắt nhịp lại nhịp sống kinh tế của địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi đóng góp 27% thu ngân sách cả nước” – ông Trần Hoàng Ngân diễn giải.
Thiếu hụt kinh phí vì ‘tự sướng’ thành tích chống dịch Covid năm 2020
Trước đó, trung tuần tháng 8-2021, với lý do để người dân, lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tránh tình trạng rời TP.HCM sang các tỉnh khác hoặc về quê tránh dịch, chính quyền TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ ngân sách cho TP.HCM với số tiền hơn 27.968 tỉ đồng và 142.200 tấn gạo.
Số tiền và gạo này dùng để hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê phòng trọ và lương thực cho người lao động nghèo trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 của Chính phủ. Cụ thể, số lao động nghèo dự kiến hỗ trợ 1.580.100 hộ, lao động nghèo 4.749.330 người. Mức hỗ trợ bao gồm tiền ăn 50.000 đồng/hộ/ngày, tiền thuê phòng trọ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng, gạo 15 kg/người.
Văn bản kiến nghị kể trên của TP.HCM được đưa ra trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, trong đó theo như chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “nhất thiết không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Có chính sách thiết thực bằng tiền, lương thực, thực phẩm… để người dân yên tâm ở tại chỗ, tuân thủ các quy định về phòng chống dịch”.
Kết quả của kiến nghị trên: Bộ Tài chính duyệt chi 71.104,95 tấn gạo cho UBND TP HCM để cấp cho 4.740.330 người lao động nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong thời gian 1 tháng.
Còn số tiền hơn 27.968 tỉ đồng thì… không duyệt vì “đây là chính sách đặc thù do UBND TP.HCM đề xuất”, không nằm trong chỉ đạo cụ thể của nghị quyết Đảng.
Thông tin đầy đủ về nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, chiều 17-9-2021, trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, Bộ Tài chính cho biết ngày 16-9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Đưa thông tin tại cuộc họp này, nhiều cơ quan báo chí nêu: ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn, hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỉ đồng đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định: “Nội dung thông tin như vậy là hiểu sai tình hình ngân sách nhà nước”.
Cụ thể, tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo hiện nay ngân sách dự phòng trung ương với 17.500 tỉ đồng đã chi hết, trong khi đó nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn.
Do đó, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỉ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.