Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Hiện nay chúng ta đang đặt ‘tài chính là tự chủ’ là rất sai”…

Hồng Dân

 

(VNTB) – Tài chính là điều kiện để phát triển tự chủ đại học chứ không phải tài chính là điều kiện để có tự chủ đại học…

 

 “Thành ra đúng luật thì chi phí đào tạo tính đủ phải có trách nhiệm nhà nước chứ không phải khi đừng cầm ngân sách nhà nước thì muốn lấy bao nhiêu cũng được, hay khi sử dụng ngân sách nhà nước thì bị khống chế đủ thứ. Hiện nay chúng ta đang đặt ‘tài chính là tự chủ’ là rất sai”.

PGS-TS Phan Thanh Bình, cựu Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cựu Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, có nhận xét như trên, và ý kiến này được sự đồng tình của ông Vũ Hải Quân, Giám đốc đương nhiệm của Đại học Quốc gia TP.HCM.

Tự chủ đại học là phải tự chủ tài chính?

Theo người đứng đầu Đại học Quốc gia TP.HCM, thì trăn trở từ thực tiễn hoạt động trong thời gian vừa qua là việc triển khai thực hiện một cách có hiệu quả về chủ trương quyết sách lớn của Đảng về đào tạo, khoa học và công nghệ.

Một trong những vấn đề là sự nhận thức và thực thi về tự chủ đại học. Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM đặt loạt câu hỏi: “Liệu có phải tự chủ đại học là phải tự chủ về tài chính và không nhận ngân sách chi thường xuyên từ trung ương? Kể cả khi trường đại học đã tự chủ thì có thực sự được quyền tự chủ hay chưa? Đã được thu mức học phí tính đúng, tính đủ chưa?

Quy định về khối ngành, mã ngành đào tạo và việc mở mới các ngành đào tạo có còn phù hợp hay không? Cách tính chỉ tiêu người học dựa trên số lượng giảng viên, theo mét vuông đất, diện tích xây dựng liệu có còn phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số hay không?.

Quy trình cấp kinh phí, thực hiện và nghiệm thu đề tài khoa học như hiện nay có còn phù hợp hay không? Liệu có thể có cơ chế khoán, cơ chế đặt hàng cho các đại học, cho các thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học được không?”…

Đẩy người nghèo học giỏi ra khỏi đại học

Theo cựu Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Phan Thanh Bình, tự chủ đại học gồm nhiều mặt mà trong đó tài chính là điều thứ 3. Nhưng trong quản lý nhà nước hiện nay, tài chính đang là điều thứ nhất, mà việc này đang đặt ra những giới hạn quyền tự chủ thực sự của các trường đại học. Theo quan điểm của ông Bình thì: “Tài chính là điều kiện để phát triển tự chủ đại học chứ không phải tài chính là điều kiện để có tự chủ đại học”.

Ông Bình tiếp tục: “Tôi trở lại vấn đề học phí với trường công. Luật đã nói rằng học phí phải tính đúng chi phí đào tạo, bên cạnh đó có sự hỗ trợ của trách nhiệm Nhà nước ở đây. Trước hết một trường đại học muốn dạy tốt cần có 10 đồng phải tính đúng chi phí 10 đồng. Nhà nước cho 5 đồng thì trường có quyền lấy thêm 5 đồng để đảm bảo tổng chi phí đào tạo. Còn hiện nay đã lấy 10 đồng thì anh đừng cầm 5 đồng của Nhà nước”.

Nhưng theo ông Bình: “Nếu như thế là ta đang đẩy các trường công lập đi ra tư thục, đẩy những người nghèo giỏi cũng phải trả tiền nếu muốn học các trường tốt. Vì trường tốt thì vấn đề chi phí đào tạo không thể đơn giản”.

Kết luận vấn đề này, vị cựu Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Thành ra đúng luật thì chi phí đào tạo tính đủ phải có trách nhiệm nhà nước chứ không phải khi đừng cầm ngân sách nhà nước thì muốn lấy bao nhiêu cũng được, hay khi sử dụng ngân sách nhà nước thì bị khống chế đủ thứ”.

Học vấn là ‘đặc quyền’ của gia đình giàu có

Theo nghị định 81 của chính phủ, từ năm học 2022 – 2023, mức trần học phí với trường đại học công lập chưa tự chủ sẽ tăng vọt so với năm học trước đó, ngoại trừ khối ngành nghệ thuật.

Cụ thể, mức học phí thấp nhất dao động từ 1,2 – 2,45 triệu đồng/tháng. Trong đó, khối ngành y dược tăng tới 71,33%, từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng. Các khối ngành còn lại (trừ khối ngành nghệ thuật) hầu hết đều tăng từ hơn 20 đến gần 30%. Riêng khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên có mức tăng trên 15%.

Với các trường đại học công lập đã chuyển đổi qua loại hình tự chủ, mức tăng học phí cũng khác nhau. Trường tự đảm bảo chi thường xuyên, mức thu này được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần trường chưa tự chủ tương ứng với khối ngành. Như vậy, năm học tới các trường này được thu từ 24 – 49 triệu đồng/năm. Với trường công lập tự đảm bảo cả chi thường xuyên và chi đầu tư, học phí được thu tối đa 2,5 lần mức trần trường chưa tự chủ, tức tương ứng với 30 – hơn 61 triệu đồng/năm học.

Trong bức tranh toàn cảnh kinh tế đầy khốn khó như hiện tại, thì chỉ cần tăng giá dù ít, đã là một gánh nặng đối với các gia đình ở giới cần lao.


Tin bài liên quan:

VNTB – Làm sao để có những ‘đảng viên tinh hoa’ về giáo dục?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nền giáo dục dâm loạn và bạo lực

Do Van Tien

VNTB – Đô lên, dầu xuống, vàng tuột

Baraju T. Ogelefecejo

1 comment

T Vy 17.05.2023 10:26 at 10:26

Mọi người đều bình đẳng, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu, không có chuyện người này bóc lột người kia…ối giời ơi, cái thiên đường tuyệt diệu ấy bây giờ hoá ra lại như thế này à?

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo