Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hiến pháp Việt Nam vẫn chưa thể hiện đầy đủ về quyền con người

Nguyễn Huỳnh (lược ghi)

(VNTB) – Trước một án tử có dấu hiệu bức cung, nhục hình thì Quốc hội có thể vận dụng quyền năng bảo hiến của mình về quyền con người để vô hiệu hóa cả một chu trình xét xử.

 

Ý kiến trên là của nhà báo Đặng Sơn Duân khi ông nói về tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

Về mặt học thuật của “quyền con người” thể hiện ở bản Hiến pháp 2013 của Việt Nam, theo giáo sư chuyên ngành luật Hiến pháp Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), thì đề xuất “vận dụng quyền năng bảo hiến” ở đây là điều không hề dễ, vì bản thân Hiến pháp Việt Nam vẫn chưa thể hiện đầy đủ về quyền con người.

Rộng đường dư luận, xin được trích giới thiệu về lập luận và diễn giải “quyền con người” của giáo sư Nguyễn Đăng Dung.

“Hiến pháp năm 2013 vẫn còn một số nội dung mà trong quá trình triển khai thực hiện cần phải có những biện pháp để đảm bảo tính hiệu quả. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định về việc hạn chế quyền con người:“Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”.

Hiến định nguyên tắc này đã thể hiện một bước tiến gần đến chuẩn mực của các bộ luật quốc tế về quyền con người và các hiến pháp tiến bộ trên thế giới.

Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948 (Universal Declaration of Human Rights), văn bản được coi là kết tinh của tinh hoa và chuẩn mực toàn cầu, đã quy định nguyên tắc này tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.

Nhưng trong khi đề cập đến vấn đề hạn chế thực hiện quyền, quy định của Hiến pháp năm 2013 nêu trên đã không kèm theo những ngoại trừ với các quyền tuyệt đối (non-derogable rights) mà theo luật nhân quyền quốc tế, các quốc gia không được phép giới hạn hay đình chỉ thực hiện trong bất kỳ bối cảnh nào.

Đó là các quyền không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay nhục hình; quyền không bị bắt làm nô lệ, nô dịch; quyền được suy đoán vô tội; quyền được thừa nhận tư cách thể nhân trước pháp luật và quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo. Thiếu sót này vô hình trung có thể sẽ tạo cơ sở cho việc lợi dụng quy định về tình trạng khẩn cấp để vi phạm các quyền tuyệt đối.

Thứ hai, khoản 2 Điều 15 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”, là thực sự không cần thiết, vì khái niệm “lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, lợi ích hợp pháp của người khác” quá rộng và mơ hồ, tiềm ẩn nguy cơ quy định này bị lạm dụng, lợi dụng để vi phạm các quyền hiến định.

Hơn nữa, việc xâm phạm đến lợi ích của quốc gia, cũng như quyền, lợi ích của người khác đều đã được quy định rõ ràng và cụ thể trong các chương, điều luật của Bộ luật Hình sự như: Chương XI Các tội xâm phạm An ninh quốc gia, Chương XII, Chương XIII, Chương IV về các tội xâm phạm các quyền tự do, dân chủ, tính mạng sức khỏe của người dân…, mà không cần thiết quy định ở một điều chung trong Hiến pháp.

Thứ ba, một trong những tiến bộ nổi bật của Hiến pháp mới là chuyển đổi đại từ nhân xưng chỉ chủ thể quyền từ “công dân” sang “mọi người” (hoặc “không ai”) trong nhiều điều khoản của Chương II.

Điều này phù hợp với bản chất của các quyền liên quan và tạo điều kiện để thực thi các quyền đó trên thực tế. Mặc dù vậy, vẫn còn một số quyền và tự do cần được áp dụng với tất cả mọi người nhưng hiện vẫn chỉ được quy định dành cho công dân, bao gồm: Tự do đi lại, cư trú (Điều 23); Tự do biểu đạt, lập hội, hội họp, biểu tình (Điều 25); Quyền có nơi ở hợp pháp (Điều 22); Quyền được quyết định dân tộc, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ (Điều 42) …

Việc giới hạn chủ thể quyền chỉ là công dân với những quyền và tự do này là chưa phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, và có thể bị coi là sự phân biệt đối xử với người nước ngoài sinh sống hợp pháp ở Việt Nam.

Ví dụ, xét về quyền tự do đi lại, cư trú, Điều 12 ICCPR (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị) quy định rằng: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia đều có quyền tự do đi lại, và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó”.

Như vậy, việc chỉ quy định “công dân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú” rõ ràng không phù hợp với Điều 12 ICCPR.

Tương tự, khi quy định về các tự do biểu đạt, lập hội, hội họp, biểu tình, quyền của các nhóm thiểu số được giữ gìn bản sắc của mình (các Điều 19, 21, 22, 27 ICCPR), quyền có mức sống thích đáng (bao gồm nơi ở); quyền được giáo dục (các Điều 11, 13 ICESCR – Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights – ICESCR).

Các công ước này đều sử dụng đại từ nhân xưng “mọi người” để chỉ chủ thể quyền, hoặc sử dụng cách diễn đạt để hàm ý rằng những quyền này không chỉ áp dụng với công dân ở một quốc gia.

Thứ tư, quy định thiếu một số quyền và tự do quan trọng.

Là thành viên của cả hai công ước ICCPR và ICESCR từ đầu thập kỷ 1980, Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ “những chuẩn mực nhân quyền quốc tế tối thiểu” được ghi nhận trong hai công ước này, mà đầu tiên là phải “nội luật hóa” vào hiến pháp.

Mặc dù vậy, cho đến nay, Hiến pháp vẫn thiếu vắng một số quyền và tự do quan trọng được nhấn mạnh trong hai công ước đã nêu, bao gồm: Quyền không bị bắt làm nô lệ và nô dịch (ICCPR: Điều 8); Quyền không bị bỏ tù vì không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (ICCPR: Điều 11); Quyền được thừa nhận là thể nhân trước pháp luật ở mọi nơi (ICCPR: Điều 16); Quyền đình công (ICECSR: Điều 8.1); Quyền thành lập, gia nhập công đoàn (ICCPR: Điều 22, ICESCR: Điều 8.1); Tự do tư tưởng (ICCPR: Điều 18.1); Quyền được giữ quan điểm riêng mà không bị can thiệp (ICCPR: Điều 19.1)”.

…Như vậy từ cách hiểu trên cho thấy vấn đề “quyền con người” ở Việt Nam đòi hỏi cần có sự tu chỉnh về mặt luật Hiến pháp, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho những yêu cầu về thực thi bảo hộ “quyền con người”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Hãng xe hơi VinFast đang lỗ gần 4,7 tỷ đô la

Do Van Tien

VNTB – Trùm Wagner đã thiệt mạng?

Do Van Tien

VNTB – Tham nhũng trong ngành dầu khí: thể chế tạo ra như vậy

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo