VNTB – Hiểu tình hình địa phương, hiểu tâm tư quần chúng như thế nào?

VNTB – Hiểu tình hình địa phương, hiểu tâm tư quần chúng như thế nào?

Hồng Dân

(VNTB) – Việc vận động bầu cử ở Việt Nam là phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức. Điều này không bắt gặp ở những quốc gia khác.

 

Nhiều người ứng cử thuộc khối các cơ quan trung ương được phân bổ về địa phương, có thể do quá bận rộn nên không thể tiếp xúc được cử tri tại địa bàn bầu cử. Vậy họ phải vận động như thế nào?

Đây là vấn đề đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ trước đó ở các cuộc bầu cử quốc gia, và cho đến nay vẫn bỏ ngỏ câu trả lời.

Nói theo bài bản của tài liệu tuyên truyền bầu cử, thì để nhận được sự ủng hộ của cử tri, buộc chương trình hành động của người ứng cử phải thật rõ ràng, dễ hiểu và tập trung chủ yếu vào những mối quan tâm của cử tri.

Những đại biểu thuộc khối cơ quan trung ương đang phải gánh trên vai những trọng trách của quốc gia, và việc họ thực hiện những trọng trách đó thế nào cũng là một trong những cách thể hiện chương trình hành động nếu họ được sự tín nhiệm lựa chọn của lá phiếu cử tri.

Về lý thuyết thì phía ban tổ chức bầu cử khẳng định rằng người ứng cử tại địa phương nào, luôn buộc cần phải tìm hiểu rất kỹ về kinh tế – xã hội, đặc điểm địa lý, dân cư, cả về dân tộc, tôn giáo nơi mình ứng cử để xây dựng chương trình hành động sát với thực tế.

Trên thực tế thì về sau, với chính sách luân chuyển cán bộ lãnh đạo của Đảng, cho thấy gần như tất cả các đại biểu Quốc hội được ‘chuyển sinh hoạt’ thích hợp về địa phương nơi được điều về làm lãnh đạo, họ sẽ không chịu sự bắt buộc – dù là lý thuyết, về việc phải xây dựng chương trình hành động sát với yêu cầu thực tế ở địa phương nơi họ đến.

Một băn khoăn khác: Liệu nên có những cuộc tranh luận giữa những người ứng cử để cử tri có sự phán đoán và đánh giá chính xác hơn?

Câu trả lời từ cơ quan chức năng cho câu hỏi về lá phiếu dân chủ tìm hiểu ở trên, sẽ là, “Rất tiếc là luật chưa có quy định phương thức này”.

Nếu cởi mở hơn, vị quan chức này sẽ nói thêm với ngôn ngữ cũng rất đỗi quen thuộc ở cán bộ tuyên giáo: “Tôi nghĩ nếu có cũng rất hay. Việc tranh luận sẽ giúp cử tri có những nhìn nhận, đánh giá đầy đủ hơn về chương trình hành động của những người ứng cử, thậm chí là cả kỹ năng, phong thái của người ứng cử.

Trong điều kiện hiện tại, khi chưa có quy định đó, chúng tôi khuyến nghị các địa phương trong quá trình tổ chức những hội nghị tiếp xúc cử tri cần tăng cường sự đối thoại giữa cử tri với người ứng cử, tránh việc chỉ có người ứng cử nói và cử tri chỉ ngồi nghe.

Mặt khác, do không thể có điều kiện để mời đông đảo cử tri đến dự nên các địa phương cố gắng truyền thanh trực tiếp cuộc tiếp xúc để thêm nhiều người được biết. Những cử tri đến dự là đại diện cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố cũng cần truyền tải được nội dung cuộc tiếp xúc đến với các đảng viên, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình”.

Việc vận động bầu cử ở Việt Nam là phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức. Điều này không bắt gặp ở những quốc gia khác.

Theo cách biện giải như trên, cho thấy dù thật sự có tranh cử chăng nữa, thì với thành phần gọi là “đại diện cử tri” là “đại diện cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở các thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố”, thì những ứng cử viên độc lập ít có cơ hội để thắng cử so với các ứng cử viên của Đảng; “màn độc tấu” của ứng cử viên độc lập sẽ nhanh chóng chìm trong “màn hợp xướng” của đảng chính trị.

Tính đến thời điểm hiện tại thì tin rằng vấn đề đặt ra ở tựa bài viết, “Hiểu tình hình địa phương, hiểu tâm tư quần chúng như thế nào?”, vẫn đưa đến câu trả lời là sự hoài nghi về con số thật sự của người dân quan tâm và tham dự vào công việc bầu cử này.

Chưa có những tổ chức khảo sát độc lập về tỷ lệ người dân ý thức vào kết quả bầu cử sẽ tác động vào chính lợi ích của họ. Nếu sau này họ cảm thấy không hài lòng, thì trong cái không hài lòng đó có một phần trách nhiệm của họ ở mức độ nào?.

Thậm chí, điều quan trọng vẫn tiếp tục đặt ra, chính là làm sao để người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến cuộc bầu cử, từ thời gian vận động bầu cử cho đến ngày đi bỏ phiếu, sao cho không còn hiện tượng bỏ phiếu dùm để lấy thành tích ở một số địa phương…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)