Hoàng Lan Mộc Châu
(VNTB) – Bộ máy hành chính cần hoạt động dựa trên luật pháp, phục vụ lợi ích của người dân, không bị chi phối bởi bất kỳ đảng phái chính trị nào.
Đã nhiều lần các quan chức lãnh đạo của đảng CSVN đòi thực hiện tinh giản bộ máy chính quyền cồng kềnh và lần này có vẻ ráo riết hơn với Tổng Bí Thư Tô Lâm. Việc này nhắc nhớ đến hiệu ứng Matthew và liệu việc tinh giản có thành công khi đảng cộng sản còn cai trị.
Hiệu ứng Matthew là một khái niệm phức tạp, có nguồn gốc từ Kinh Thánh nhưng được phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bởi nhiều học giả. Ý tưởng cơ bản của hiệu ứng Matthew xuất phát từ một câu trong Phúc Âm Tân Ước (Matthew 25:29) “Vì ai đã có, thì sẽ được cho thêm, và họ sẽ có dư thừa. Còn ai không có, thì ngay cả những gì họ có cũng sẽ bị lấy đi.”
Nhà xã hội học Merton được coi là người đưa khái niệm “Hiệu ứng Matthew” vào khoa học xã hội. Năm 1968 ông đã nghiên cứu và thấy những nhà khoa học nổi tiếng thường nhận được nhiều sự công nhận hơn cho công trình của họ, dù công trình đó cũng chỉ có giá trị tương đương với công trình của các nhà khoa học ít tên tuổi hơn.
Nhà tâm lý học Keith Stanovich nhận thấy rằng những đứa trẻ đọc tốt từ sớm sẽ tiếp tục phát triển kỹ năng đọc nhanh hơn, trong khi những đứa trẻ gặp khó khăn ban đầu sẽ ngày càng tụt hậu. Stanovich đã phổ biến thuật ngữ “Hiệu ứng Matthew” trong lĩnh vực giáo dục và tâm lý học.
Hiệu ứng Matthew, còn được gọi là “hiệu ứng người giàu càng giàu, người nghèo càng nghèo,” mô tả xu hướng những người đã có lợi thế ban đầu (về tiền bạc, địa vị, kiến thức, cơ hội…) sẽ tiếp tục tích lũy thêm lợi thế và thành công hơn nữa, trong khi những người có xuất phát điểm thấp hơn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cải thiện tình hình và có xu hướng tụt hậu.
Bộ máy nhà nước Việt Nam nằm trong tay ĐCSVN, đòi hỏi người công chức phải đặt lòng trung thành với đảng trên năng lực và chuyên môn với khải niệm “Hồng-Chuyên”. Trang tin điện tử đảng bộ TPHCM viết, “hồng trước chuyên sau”, “hồng thắm thì chuyên mới thâm” không phải chỉ là tiêu chuẩn cho một cán bộ thời chiến mà ngày nay trong hòa bình xây dựng, trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao, một cán bộ tốt vẫn phải có đủ hai yếu tố hồng và chuyên. Nếu chỉ có hồng mà không có chuyên sẽ không đáp ứng được nhu cầu phục vụ hay lãnh đạo. Nếu chỉ đơn thuần chuyên môn mà không có trình độ chính trị thì không khác gì con người chỉ đứng một chân, sẽ không vững vàng. Có trình độ chính trị là điều kiện cho chuyên môn phát triển.(*)
Người công chức trong chính quyền như thế rõ ràng luôn phải có ‘lợi thế ban đầu’ là Hồng. Tờ báo đảng nói trên viết tiếp, “Khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, đa số các cán bộ chiến sĩ xuất thân từ công nông, họ có giác ngộ về giai cấp nhưng trình độ văn hóa còn thấp nên hạn chế khả năng làm việc. Để khắc phục, Đảng ta đã tổ chức bồi dưỡng nâng trình độ văn hóa và chuyên môn, qua đó dần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đang đòi hỏi. Ngược lại, có một số trí thức có trình độ học vấn cao, nhưng giác ngộ chính trị chưa cao thì Đảng đã đưa họ tham gia công tác, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với công nhân và người lao động để góp phần nâng giác ngộ giai cấp cho họ. Cách làm ấy khắc phục được mặt yếu kém cho từng đối tượng, tạo cho cán bộ một năng lực mới đảm bảo vừa hồng vừa chuyên.
Cho đến thời gian này cũng vậy. Chất lượng công chức bảo đảm phải hồng trước. Truyền thống xét lý lịch 3 đời khi vào ngành công an không thay đổi. Công chức loại xoàng có thể châm chước, nhưng phải trắng chứ không thể xám hay xanh. Muốn thăng tiến thì lý lịch vẫn là khâu then chốt, phải hồng. Hiệu ứng Matthew áp dụng vào hoàn cảnh này chính xác: Lợi thế ban đầu tạo ra lợi thế tiếp theo. Hồng từ ban đầu tạo ra chuỗi thành công lớn hơn trong tương lai. Ngược lại, thiếu Hồng sẽ dẫn đến những khó khăn tiến thân. Hệ quả góp phần làm gia tăng khoảng cách giữa ‘người giàu’- đảng viên, và ‘người nghèo’- không đảng viên.
Thực tế việc tuyển chọn công chức vào ‘bộ máy chính quyền phường tuồng’ của đảng thường là theo motif “Nhất Thân, Nhì Ngân”. Các quan chức đều biết chuyện này, bởi không những họ khuyến khích người bước vào thế giới riêng đòi hỏi trung thành với đảng phải qua cái lưới lọc chỉ gạn lấy người đã có lý lịch hồng, mà hầu hết họ cũng lọt qua cửa quyền theo cách thức truyền thống này. Và đảng thì vẫn ngầm đồng ý vì bộ máy chính quyền sẽ toàn mầu hồng. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy Tp Hồ Chí Minh rất thật lòng với đảng khi nói “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.
Vấn đề nhức nhối trong công tác tinh giản biên chế cán bộ ở Việt Nam là hệ quả của hiện tượng kiểu mẫu đã được thống nhất từ ngày có đảng đến nay, “nhất thân, nhì ngân” hay câu vè “Thứ nhất quan hệ/ Thứ nhì tiền tệ/ Thứ ba hậu duệ/ Thứ tư trí tuệ”. Nó cũng gây ra hiệu quả rất xấu về hoạt động của bộ máy nhà nước; tham nhũng, hối mại quyền thế, lười biếng, hống hách, kết bè kết đảng, ăn bám vào thuế của dân, nhưng vẫn lên mặt là cha mẹ của dân.
Khi việc tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên lý lịch, thân thế Hồng, những người kém năng lực nhưng có “ô dù”, có phe trong đảng, đã dễ dàng vào biên chế, thăng quan tiến chức sẽ khó bị loại bỏ trong quá trình tinh giản. Khó loại bỏ người kém năng lực nhưng ‘có tính đảng’.
Nhiều người có năng lực thực sự nhưng không có sự khởi đầu bằng quan hệ đảng đã tỉnh ngộ, nhìn thấy sự dậm chân tại chỗ của mình chỉ vì không Hồng, bị khựng lại khi đụng cái trần ngăn cách đảng viên ở tầng trên và người không đảng ở tầng dưới dành cho kẻ có đầu óc tự do và dễ bị ‘diễn biến hòa bình”. Họ sẽ luôn cảm thấy bất công, mất động lực làm việc và cống hiến, không được thăng tiến trừ phi vào đảng.
Họ có thể nhân cơ hội tinh giản này, ôm một gói tiền bồi thường, rời bỏ khu vực công để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác có lượng cao hơn, không bị trù dập, phân biệt đối xử. Tinh giản biên chế tại Việt Nam đã luôn gây ra chảy máu chất xám. Trí thức, chuyên viên không phải đảng viên sẵn sàng chia tay, tìm việc ở lãnh vực tư, doanh nghiệp tự do thoải mái, lương cao hơn và nhiều thách thức, nhiều cơ hội hơn.
Kịch bản chung đang diễn ra trong một cơ quan lúc này, khi tinh giản biên chế, sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ là, ví dụ, việc bổ nhiệm trưởng phòng dựa trên quan hệ với lãnh đạo, và chắc chắn phải là Hồng trước, chứ không phải năng lực chuyên môn, thì người được bổ nhiệm có thể không đủ khả năng quản lý và điều hành công việc, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động, thậm chí chia rẽ, khinh thường, đố kỵ lẫn nhau trong cả phòng. Khi tinh giản biên chế, người này có thể được giữ lại do mối quan hệ, Hồng và thân, trong khi những nhân viên giỏi nhưng không Hồng, không “lý lịch trong veo”, không thân với xếp lớn bị cho thôi việc.
Mục tiêu của tinh giản biên chế là nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước bằng cách loại bỏ những người không đủ năng lực và tối ưu hóa nguồn nhân lực. Tuy nhiên, việc tinh giản biên chế cán bộ trong bộ máy nhà nước độc tài, độc tôn và không tin tưởng lẫn nhau rập khuôn theo kiểu mẫu Nhất Thân-Hồng trước Chuyên sau- của giới lãnh đạo đảng, bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực, đặt sự an toàn của đảng lên trên hết, sẽ không đạt được mục tiêu này. Thay vì loại bỏ người kém, nhưng ‘trong veo vì có tình đảng’, thì có thể loại người tài nhưng không Hồng, hoặc chính những người bị nghi ngờ dễ biến chất sẽ phải ra đi. Tinh giản biên chế chỉ đơn giản là giảm số lượng nhân sự mà không cải thiện được chất lượng.
Trong cuộc tinh giản mà Tô Lâm kêu gọi làm nhanh, quyết liệt đang diễn ra, chứng kiến những bất công trong công tác cán bộ, người dân sẽ mất niềm tin vào hệ thống và vào nỗ lực cải cách của nhà nước. Chỉ khi nào bộ máy hành chính được chuyện nghiệp hóa, không vì mục đích phục vụ đảng mà chỉ phục vụ người dân lúc đó mới mong có được một chính phủ lành mạnh vì dân và hữu hiệu.
Một bộ máy hành chính chuyên nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của chính phủ và sự phát triển của đất nước. Bộ máy đó gồm đội ngũ cán bộ, công chức yêu nghề, có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, làm việc theo quy trình rõ ràng, công việc được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả, không phải làm theo chỉ thị và giám sát của ‘đảng bộ’, một thứ quyền lực chi phối tất cả nhưng ăn bám tiền thuế của dân mà chỉ chịu trách nhiệm trước đảng.
Bộ máy chính quyền chuyên nghiệp hoạt động dựa trên luật pháp và các quy định rõ ràng, minh bạch, đảm bảo tính trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trước người dân, không bị lọc, bị loại trừ vì chính kiến, theo kiểu con cháu cán bộ.
Bộ máy chính quyền chuyên nghiệp có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của tình hình, tiếp thu và áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, đưa ra những chính sách phù hợp với thực tiễn và hoạt động dựa trên các quy định chung, áp dụng công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt đối xử dựa trên quan hệ hay địa vị, nó phục vụ tận tâm người dân và tạo dựng được niềm tin của người dân vào chính phủ và nhà nước.
Ngược lại, một bộ máy hành chính không chuyên nghiệp được đảng xây dựng mà nòng cốt là những kẻ trung thành bảo vệ đảng đã và luôn luôn sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực: như quan liêu, cửa quyền, tham nhũng; hiệu quả làm việc thấp; chính sách không phù hợp với thực tiễn, hệ quả là làm mất niềm tin của người dân, gây bất ổn xã hội.
Để chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính, cần thực hiện các giải pháp:
Loại bỏ tổ chức đảng bộ, chi bộ đảng của mỗi cơ quan.
Loại bỏ hẳn truyền thống ‘hồng trước, chuyên sau’. Tuyển dụng dựa trên năng lực thực sự, thông qua các kỳ thi tuyển công khai, minh bạch. Bổ nhiệm dựa trên thành tích công việc và đánh giá khách quan. Nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng không được tham gia, nhúng tay vào bộ máy hành chính nhà nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu giấy tờ, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước.
Không để đảng kiểm tra, giám sát, nhưng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Bộ máy hành chính cần hoạt động dựa trên luật pháp, phục vụ lợi ích của người dân, không bị chi phối bởi bất kỳ đảng phái chính trị nào.
Bộ máy hành chính thực sự chuyên nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc thực hiện các chức năng của mình, từ đó phục vụ người dân tốt hơn. Các dịch vụ công sẽ được cung cấp nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch. Quyền lợi của người dân sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính là một yếu tố then chốt để xây dựng một chính phủ lành mạnh và hữu hiệu. Đây là một quá trình lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự vào cuộc của toàn xã hội. Chỉ khi nào bộ máy hành chính thực sự phục vụ người dân, chứ không phải một đảng phái chính trị, thì mới có thể đạt được mục tiêu này.