Việt Nam Thời Báo

VNTB – Họ có còn kịp mua cơm không?

Nguyễn Nam

(VNTB) – “Họ có còn kịp mua cơm không?” – nhà báo Trương Quang Vĩnh, cựu trưởng ban chính trị của báo Tuổi Trẻ, thảng thốt.

Nhà báo Trương Quang Vĩnh kể ngày 10/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19, với gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng. Được báo, đài thông tin là “Quyết định chưa có trong tiền lệ”.

Thế nhưng đã 8 ngày trôi qua, trên báo chí, gói hỗ trợ này vẫn còn là những từ ngữ nghị quyết, tinh thần quyết tâm, vẫn còn là những thắc mắc về tiêu chí, điều kiện… Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì nói cụ thể hơn: Trong tháng 4 này những đối tượng trên sẽ nhận được tiền hỗ trợ của Chính phủ!!!

“Với những người nghèo, những tấm vé số là những bữa cơm, nên đứt một ngày bán là đứt những bữa cơm trong ngày. Nhiều đối tượng nghèo khác kiếm cơm hàng ngày bằng sức lao động của mình cũng tương tự vậy. Chờ đến “tháng 4 này”, họ có còn kịp nhận tiền mua cơm không?” – nhà báo Trương Quang Vĩnh đặt câu hỏi.

Vẫn theo nhà báo Trương Quang Vĩnh, bức xúc trước hoàn cảnh nghèo khó đó, nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều tổ chức và cá nhân thiện nguyện, họ không phải ban hành nghị quyết và không chờ ai hướng dẫn thực hiện, họ đến với người nghèo bằng tất cả tấm lòng với “nghị quyết” là 2 dòng chữ: “Nếu khó khăn bạn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”.

Với “nghị quyết” đó, các cây ‘ATM gạo’ đã nở rộ các tỉnh, thành; đến ATM thực phẩm (*), đến những bữa cơm, những gói quà, đến siêu thị 0 đồng… Và nhiều người trong số họ đã tổ chức gửi những “bữa cơm di động” đưa đến tận tay những ai không còn đủ sức lực để xếp hàng nhận cơm…

Đáp lại, nhiều tổ chức, cá nhân cũng góp sức mình bằng cách góp gạo cho các cây ‘ATM gạo’. Với họ, không có lời tuyên bố, vì lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, và người mù có thể thấy!

Nhà báo Vương Liễu Hằng không giấu sự ngờ vực bằng văn phong ‘cà khịa’ quen thuộc ở cây bút chuyên trách mảng phóng sự xã hội của báo Công an TP.HCM: “Điều to bự mà triệu triệu con mắt đang chăm chăm nhìn vào hiện nay, là gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ của chính phủ. Gói ấy là gì!? Chừng nào nó mở ra? Mở ra cho ai hay chỉ là bánh vẽ?

Nhóm đối tượng hoang mang nhất, là những người không có việc làm cụ thể ở bất kỳ công ty tổ chức nào… Họ sẽ nhận hỗ trợ ra sao và nhận ở đâu? Trong khi họ mới chính là thành phần cùng khổ nhất?”.

Theo nữ nhà báo Vương Liễu Hằng, câu trả lời thiết thực là cứ bám nơi cư trú, bởi trong quy định, những người thuộc các ngành nghề như: Bán hàng rong, bốc vác, xe ôm, xích lô, bán vé số lưu động, người lao động tại các cơ sở ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe… đều là đối tượng được hỗ trợ!

Thế nhưng cái ngặt cũng lại là ở chỗ đó. Theo quy định thì những đối tượng trên phải đăng ký thường – tạm trú ít nhất 3 tháng kể từ trước 1/4/2020, trong khi có nhiều người lao động, đặc biệt là người bán hàng rong và bán vé số không đủ thời hạn đăng ký trên (mà thậm chí có người còn không đăng ký). Vậy, họ phải làm sao?

“Sóc Trăng đã làm khá tốt khi chính công ty xổ số đứng ra rà soát những đối tượng bán vé số trên địa bàn để phối hợp hỗ trợ. Tuy nhiên hoạt động linh động kiểu này vẫn tuỳ thuộc vào từng địa phương lẫn… ông chủ tịch phường.

Cú giật thót nhất trong gói là trong danh sách hỗ trợ thấy thành phần… có công cách mạng (!) Không phủ định giờ đây vẫn chả ít những “mẹ đào hầm từ thủa tóc còn xanh” vẫn bạc mặt vì đói. Tuy nhiên cũng không thể không thấy một hiện trạng khác: Tất cả các cây củi gộc đã, đang, sẽ và có thể là không bao giờ vào lò, thì đều là hậu duệ gần với những thành phần… có công cách mạng!” – nhà báo Vương Liễu Hằng nhận xét.

_______________

Chú thích:

(*) ATM thực phẩm nhằm giúp đỡ những người nghèo, người yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong đời sống bởi dịch Covid-19. Điểm ATM tại trụ sở báo Người Lao Động nằm ở góc ngã tư Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, Sài Gòn không chỉ tiếp sức người nghèo bằng gạo như các cây ATM thông thường khác, mà còn là nơi cung cấp thực phẩm để giúp người nghèo có được bữa cơm tươm tất trong những ngày cách ly xã hội, không có việc làm.

Tin bài liên quan:

VNTB – Chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Đồng Tâm ngang nhiên thách thức pháp luật?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: ỷ thế nên chơi kèo trên sao mấy ông trung ương?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tết không bàn… chính trị

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.