Lynn Huỳnh
(VNTB) – Hộ hôn điền thổ, vạn cổ chi thù. Các cụ nói không sai bao giờ. Chuyện nhà cửa, hôn nhân, ruộng đất dễ gây ra oán thù muôn đời.
Tam đại họ Lê Đình thôn Hoành đã bị triệt hạ nặng nề với 1 cái chết, 2 án tử hình và 1 án chung thân. Chính quyền nghĩ rằng đây sẽ là lời cảnh cáo răn đe nặng ký cho bất kỳ sự phản kháng, hoặc khiếu kiện đất đai nào kể từ sau vụ Đồng Tâm.
Cưỡng chế đất đai từ lâu đã được hợp pháp hóa bằng quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, nay sẽ tiếp tục và sẽ không có gì thay đổi, một khi đất đai vẫn là con gà đẻ trứng vàng. Và cuộc đấu tranh giữ đất sẽ gay go quyết liệt hơn với nhiều máu và nước mắt hơn, khi quyền sở hữu tư nhân về đất đai chưa được công nhận.
Mà đâu chỉ là chuyện của ông chủ lớn nhà nước.
Phóng viên pháp đình quen thuộc với dạng án sau đây thời tấc đất đến mấy tấc vàng bốn số 9 SJC.
Chuyện kể, khi ra đi, nhà cửa đã cho anh con trai trưởng, vả lại, không muốn làm phiền con cháu, nên ông bà mua một rẻo đất ở rìa làng, dựng nhà sống nốt những ngày cuối đời. Ngày đó, “tấc đất” chỉ đáng như hạt cát, chứ chưa to như “tấc vàng” bây giờ, anh em, con cháu, xóm làng sống với nhau hòa thuận…
Rồi một ngày, lão Hạ về với tiên tổ, vợ lão chuyển về sống với con trai. “Túp lều lý tưởng” được nhượng lại cho hàng xóm. Bẵng đi một thời gian, rẻo đất, túp lều kia dường như chẳng nằm trong “bộ nhớ” của dân làng Hạ.
Nhưng bữa nọ, cơn sốt đất như lũ quét tràn qua làng, nơi nơi, người người đổ xô đi hỏi mua đất. Rẻo đất và “túp lều lý tưởng” ngày xưa trở nên đáng giá ngàn vàng. Vì thế, anh em, xóm giềng “bán” luôn cả tình nghĩa “gà cùng một mẹ”, “tối lửa tắt đèn có nhau”… Bọn cò quặm thấy lợi cũng nhảy vào hôi của: nào là vấn đề thừa kế, nào là mua bán phải có chính quyền xác nhận, nào là, nào là…
Thế là, từ đấu tranh bằng “võ mồm” chuyển sang “võ trang”, kết hợp cả “quân sự” lẫn “công lý”… Thề quyết “trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què”, tan vỡ tình làng nghĩa xóm, huynh đệ trở mặt.
Đó là chuyện của thân phận “ông chủ nhân dân”, còn với “đày tớ Nhà nước” – thì đại diện cho cái gọi là quyền lực của ông chủ lớn dưới màu áo Đảng, trong một dịp hàn huyên thân tình giữa anh em họ hàng quê nhà, ông Lê Minh Hoan – Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ câu chuyện “hộ hôn điền thổ, vạn cổ chi thù” tầm vĩ mô, đại khái như sau:
Đối với người nông dân thì điền thổ cực kỳ quan trọng vì đất đai vừa là tư liệu sản xuất, vừa là một phần gia sản để lại cho con, cho cháu. Cũng vì vậy mà chuyện hạn điền, chuyện tích tụ ruộng đất đã được “nâng lên, đặt xuống” bao nhiêu năm trời.
Khi bàn chuyện sửa đổi Hiến pháp cũng được thảo luận sôi nổi. Khi bàn sửa đổi Luật Đất đai lại được “đưa ra” rồi “rút lại” cũng bởi nó quan trọng, nó liên quan đến sinh kế, sinh hoạt hàng ngày của hàng chục triệu nông dân trên mảnh đất hình chữ S này.
Lâu lâu, vấn đề này lại được xới lên trên các diễn đàn bàn về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong nghị trường Quốc hội, nhiều bận ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem chuyện mở rộng hạn điền để hướng tới tích tụ ruộng đất như là một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Có vị chuyên gia còn xem đó như một “khoán 10”, “khoán 100” mới, là cứu cánh duy nhất để vực dậy và mở ra cơ hội đổi mới ngành nông nghiệp.
“Vậy đó, giờ là lúc nông nghiệp xứ mình đứng trước ngã ba đường. Hoặc là, chúng ta tiếp tục giữ tư duy cố hữu “người cày thì phải có ruộng” – mặc dù hệ lụy của nó là đất đai ngày càng manh mún, nông dân ngày càng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, để rồi cái bẫy “sản xuất nhỏ” làm cho nông sản chẳng sớm thì muộn cũng sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Hoặc là, phải nhanh chóng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản xuất hàng hoá để nông sản Việt Nam đủ sức cạnh tranh trong một thị trường hội nhập sâu rộng” – Bí thư Lê Minh Hoan nói.
Thế nhưng câu chuyện tưởng chừng đơn giản, con đường phải đi tưởng chừng dễ dàng đạt được sự đồng thuận cao nhưng đến nay vẫn còn lửng lờ. Điều đó đủ biết những rào cản, những sự giằng xé trong thay đổi tư duy phức tạp biết đến mức nào.
Mà cũng phải thôi, ở đất nước rộng lớn, lịch sử hình thành đất đai khác nhau, hàng chục triệu nông dân chắc chắn cũng có những đặc điểm riêng, hoàn cảnh riêng, nhu cầu riêng, mong muốn riêng. Và chắc là, do những cái riêng như vậy nên luôn có những cuộc tranh luận triền miên, hết cuộc hội thảo này đến cuộc hội nghị kia, từ diễn đàn nhỏ đến diễn đàn lớn…
Có lẽ những bị kịch của “điền thổ – vạn cổ chi thù” giữa người dân và chính quyền của các phiên bản Đồng Tâm sẽ chưa thể dừng lại khi mà quyền sở hữu tư nhân về đất đai chưa được công nhận – bao gồm cả chính sách hạn điền trong sản xuất nông nghiệp.