Việt Nam Thời Báo

VNTB – Họ lũ lượt nhau đóng cửa, chỉ còn Trung Quốc là ở lại…

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Năm 2020 ai còn ai mất? Có một nghịch lý, người Việt ngày càng thêm quen với ‘shopping online’, trong khi hầu như các sàn thương mại điện tử đều đang lỗ sập mặt. Thương mại điện tử đem lại nhiều lợi lộc của người tiêu dùng và người bán hàng, trong khi lại đốt tiền của các chủ sàn, chủ chợ.

 

Bắt đầu từ ngày 20.1.2020, website Lotte.vn sẽ ngừng hoạt động. Công ty tuyên bố sẽ hoàn tất công nợ với các đối tác trước ngày 20.2.2020 và sẽ không chấp nhận giải quyết thêm các vấn đề khiếu nại sau thời gian này.

Lotte.vn thuộc tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), ra đời từ tháng 10.2016. Tại thời điểm đó, Tổng giám đốc Seo Tae Ho của Lotte.vn tuyên bố sẽ đưa trang thương mại điện tử này vào top đầu thị trường với 20% thị phần. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trên bản đồ thương mại điện tử Việt Nam do iPrice Insights phối hợp SimilarWeb thống kê mỗi quý, Lotte.vn chưa bao giờ xuất hiện trong top 5 trang thương mại điện tử có lượt truy cập cao nhất Việt Nam.

Ngay trước đó, Adayroi.com (A Đây Rồi) vào ngày 17.12.2019 và tiếp theo là Vinpro.vn ngày 19.12.2019 cũng ngừng hoạt động. Trước nữa, website Vienthonga.vn của Viễn Thông A cũng hợp nhất với Vinpro.vn từ ngày 6.11.2019 sau khi Viễn Thông A được Vingroup mua lại hồi tháng 10-2018.

Các website thương mại điện tử này đã phải ngừng cuộc chơi bán hàng trên mạng đầy biến động và đốt tiền này. Vienthonga.vn là website bán hàng của hệ thống bán lẻ điện thoại lâu năm nhất ờ Việt Nam, thành lập năm 1997.

Vinpro của Vingroup ra đời năm 2015. Adayroi.vn cũng của Vingroup từng là một trong Ngũ trụ thương mại điện tử Việt Nam, gồm Lazada, Shopee, Tiki, Sendo và Adayroi. Vốn điều lệ của Công ty TNHH VinPro là 1 ngàn tỷ đồng, trong đó tập đoàn mẹ góp 940 tỷ đồng, chiếm 94% vốn sở hữu.

Lotte.vn nêu lý do đóng cửa là “Thay đổi kế hoạch kinh doanh trong tương lai”. Trong khi đó Adayroi cùng với Vinpro và Viễn thông A cho thấy một hướng đi rõ hơn. Thông báo của Adayroi có nêu: Đây là bước chuyển mình quan trọng nhằm nâng cấp mảng thương mại điện tử thành mô hình “New Retails” – kết hợp giữa phương thức bán lẻ truyền thống và phương thức bán lẻ trực tuyến (O2O). Việc sáp nhập Adayroi vào VinID không chỉ giúp dữ liệu hóa hành vi người dùng mà còn tạo ra nền tảng mới, trong đó khách hàng là trọng tâm với mục tiêu dự đoán đúng nhu cầu, đáp ứng chính xác và kịp thời hơn mong muốn của khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Trước đó, hồi quý 1.2019, website thương mại điện tử Robins.vn thông báo dừng hoạt động bán hàng trực tuyến. Robins.vn ra mắt tháng 5.2017, thuộc sở hữu của Central Group – tập đoàn Thái Lan nắm trong tay chuỗi siêu thị Big C và cửa hàng điện máy Nguyễn Kim. Tiền thân của Robins.vn là sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang Zalora – gia nhập thị trường Việt Nam năm 2012 và được Central Group mua lại vào năm 2016.

Cuối năm 2018, trang thương mại điện tử Vui Vui.com của Thế giới Di Động đã nói lời chia tay sau 2 năm hoạt động. Ở thời điểm ra mắt, Vuivui được những nhà sáng lập kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 4-5 năm, thậm chí vươn lên dẫn đầu ngành vào năm 2020.

Trước đó nữa, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam cũng chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt trang web như Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn… Trước khi dừng hoạt động, Beyeu.com – một dự án của Webtretho được IDG Ventures Việt Nam đầu tư – còn ngậm ngùi để lại lời nhắn: “Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp quyết định sẽ dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người còn lại”.

Năm 2020 ai còn ai mất? Có một nghịch lý, người Việt ngày càng thêm quen với ‘shopping online’, trong khi hầu như các sàn thương mại điện tử đều đang lỗ sập mặt. Thương mại điện tử đem lại nhiều lợi lộc của người tiêu dùng và người bán hàng, trong khi lại đốt tiền của các chủ sàn, chủ chợ.

Thực tế, các sàn thương mại điện tử đốt tiền chủ yếu để lôi kéo khách hàng, tập cho người Việt thói quen mua sắm online. Có lẽ họ chết vì kiệt sức, đốt tiền quá sức. Họ tập cho người ta thói quen mua hàng online, nhưng lại là thói quen tiêu cực: khuyến mại khủng mới mua. Trong khi bản chất của thương mại điện tử vững bền là sự thoải mái, tiện dụng trên nền công nghệ và Internet mà tất cả cùng có lợi. Đó cũng là một thách thức không hề nhỏ mà khi ngài thủ tướng của Việt Nam tuyên bố nhiệm kỳ mới sắp tới của chính phủ sẽ thành lập cấp bộ về cái gọi là “Kinh tế số”.

Các trang thương mại điện tử tổng hợp tại Việt Nam hiện chỉ còn ‘tứ trụ’: Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Shopee.vn. Cổ đông lớn nhất của cả 4 trang thương mại điện tử ấy đều là Trung Quốc. Lâu nay hàng hóa trên thị trường xuất xứ từ Trung Quốc rất nhiều, kể từ khi chưa có các trang thương mại điện tử. Vì thế mà phải chăng trong nếp nghĩ của nhà chức trách Việt Nam, hiện nay họ có độc chiếm thị phần online tại Việt Nam, âu cũng là bình thường, chẳng gì mà ầm ĩ cho ‘rách việc’?

Tin bài liên quan:

VNTB – VinFast hoãn khai trương nhà máy ở Bắc Carolina tới năm 2028

Do Van Tien

VNTB – ​Mỗi ngày có khoảng 630 ca ung thư phải nhập viện ở bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: những hứa – hẹn của các chính khách

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo