Sơn Trà
(VNTB) – Có thể vụ án sẽ không đưa ra cụ thể “ai là trùm cuối”…
Kỳ 3: Vì sao Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia?
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 về trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nghiên cứu, nghiệm thu đối với bộ kít xét nghiệm Covid-19, đã chỉ rõ những vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Học viện Quân y; các cấp có thẩm quyền đã xử lý nghiêm minh đối với đảng viên, tổ chức đảng vi phạm được dư luận xã hội và đông đảo nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra:Vì sao từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong lúc rất nguy cấp phòng, chống dịch Covid-19 nguy hiểm, Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” được? Từ đó, bộ kít xét nghiệm Covid-19 được “thổi giá” và “đóng dấu chất lượng” mang danh Công ty Việt Á, hợp thức hóa tài sản Nhà nước lưu hành rộng rãi trong cả nước để thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng!?
Liên quan tới vụ việc này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Y tế; Ban cán sự đảng Bộ Khoa học Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận:
Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Việt Á và một số cá nhân.
Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số đồng chí lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Đây là vấn đề mấu chốt dẫn tới hàng loạt vi phạm của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và một số đơn vị, tổ chức đảng, đảng viên liên quan tới bộ kít xét nghiệm Covid -19 xảy ra tại Công ty Việt Á.
Đối với Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng; không họp, không ban hành nghị quyết, kết luận cho chủ trương về một số vấn đề quan trọng để chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống Covid -19; vi phạm trong việc nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao đối với bộ kít xét nghiệm Covid-19 cho Học viện Quân y; việc ký, quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng; quản lý, sử dụng, thanh toán kinh phí, đánh giá, nghiệm thu Đề tài; đặc biệt là việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Công ty Việt Á không đúng quy định của pháp luật về khoa học công nghệ…
Không chỉ vậy, mà còn vi phạm ngay từ khi xác định nhiệm vụ, giao tổ chức thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia của Bộ Khọc học và Công nghệ.
Ngày 30-1-2020, Học viện Quân y có Công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về nghiên cứu bộ kít xét nghiệm phát hiện Covid-19 trái quy định của pháp luật, vi phạm Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, của Bộ Khoa học và Công nghệ (Công văn đề xuất đặt hàng phải là cấp bộ, ngành ký) và Quy định của Bộ quốc phòng.
Hơn nữa, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật lại trực tiếp nhận văn bản đề nghị của Học viện Quân y và tham mưu trình Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định số 144/QĐ-BKHCN thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ không đúng trình tự, thủ tục với Quy chế làm việc của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khi Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ được thành lập và hoạt động, Hội đồng đã kiến nghị xét giao trực tiếp việc thực hiện Đề tài theo hướng Học viện Quân y là cơ quan chủ trì; Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp, theo đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Lê Bách Quang (nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y), nhưng không đưa ra Hội đồng thảo luận, nhằm mục đích để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất thử nghiệm bộ kít xét nghiệm Covid-19.
Đối với hồ sơ Thuyết minh Đề tài do Học viện Quân y lập và gửi trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ cũng trái quy định, vi phạm Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, của Bộ Khoa học và Công nghệ; đồng thời, có nhiều nội dung không đầy đủ, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; phương án phối hợp giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á;
Phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu; quyền sở hữu trí tuệ; sở hữu công nghiệp, nhưng không được Hội đồng tư vấn đánh giá, yêu cầu, kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung, khi thực tế Công ty Việt Á không có chức năng, năng lực sản xuất sinh phẩm, không có năng lực tài chính, là kẽ hở pháp lý để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất bộ kít xét nghiệm Covid-19…
Đặc biệt, mặc dù Đề tài được đầu tư 100% kinh phí ngân sách Nhà nước do Học viện Quân y là cơ quan chủ trì, Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp và đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu, chưa bàn giao kết quả nghiên cứu, nhưng Công ty Việt Á đã sử dụng Đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và chính thức bộ kít xét nghiệm, chẩn đoán Covid -19, dẫn đến Công ty Việt Á dễ dàng “thâu tóm” và chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp kết quả Đề tài nghiên cứu;
Chuyển sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á, tiến hành thương mại hóa sản phẩm, cung cấp ra thị trường thu lợi bất chính hàng ngàn tỷ đồng; mà thực tế hầu hết các vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á có nguồn gốc nhập khẩu không bảo đảm hồ sơ pháp lý theo quy định.