Hà Nguyên
(VNTB) – Nếu không có người chống lưng, chắc chắn khó thể buôn lậu vàng dữ dội như bà Mười Tường.
Sáng 23-2-2022, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã tuyên án đối với trùm buôn lậu Mười Tường và đồng phạm trong vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Theo đó, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh, sinh năm 1969, được dư luận xã hội biết qua biệt danh Mười Tường, 8 năm tù. Đây chỉ mới là mức án của 1 trong số 6 tội danh mà cơ quan chức năng đã khởi tố đối với bà trùm buôn lậu này.
Theo cáo trạng, khoảng 9g20, ngày 24-6-2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang tổ chức tuần tra tại khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ri thuộc tổ 6, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc đã phát hiện 4 người đi trên 1 phương tiện vỏ lãi, chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn, nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra. Ngay lúc đó, 4 người nói trên tháo chạy về phía Campuchia. Lúc này, một người trong nhóm trên đã ném lại một túi nilon, bên trong có 470.000 USD.
Lực lượng tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số tang vật. Đến ngày 6 và 9-7-2021, Sang và Linh ra đầu thú. Riêng bị cáo Lê và Minh bị bắt, điều tra trong vụ án buôn lậu 51kg vàng xảy ra ngày 30-10-2020 tại khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, Châu Đốc, An Giang, cũng tự thú trước đó có tham gia vận chuyển 470.000 USD cùng với Sang và Linh.
Quá trình điều tra, 4 bị cáo: Sang, Linh, Lê, Minh khai nhận, từ năm 2018, Sang, Lê, Minh làm thuê cho trùm buôn lậu Mười Tường. Riêng Linh (Phong) làm thuê cho Xuyến (chị của bà Mười Tường). Trong thời gian trên, các bị cáo này thường tham gia vận chuyển hàng hóa, tiền tệ cho Mười Tường từ Campuchia về Việt Nam và được trả tiền công từ 3 – 4 triệu đồng/tháng.
Bà Mười Tường bị khởi tố 6 tội danh, gồm: Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài, buôn lậu đường cát, buôn lậu 51kg vàng, vận chuyển trái phép 470.000 USD qua biên giới, vận chuyển trái phép 200.000 USD qua biên giới và rửa tiền.
Theo hồ sơ, khoảng năm 2003, bà Mười Tường điều hành đường dây cả trăm người chuyên vận chuyển hàng lậu, trong đó chủ yếu là điện thoại di động. Năm 2005, bà Mười Tường bị Công an TP.HCM bắt và tuyên phạt 6 năm tù về tội buôn lậu.
Sau khi mãn hạn tù, bà Mười Tường về An Giang tiếp tục thu nạp “đàn em” để hoạt động buôn lậu và nhanh chóng thao túng địa bàn tuyến biên giới An Giang, thao túng thị trường. Gần đây, nhiều người thấy Mười Tường giàu lên nhanh chóng với rất nhiều nhà, đất, khách sạn mặt tiền ở huyện An Phú và thành phố Châu Đốc.
Từ năm 2010 – 2020, bà Mười Tường thành lập nhiều công ty, cơ sở kinh doanh và cho người thân, người làm thuê đứng tên. Ngoài ra, nhiều người thấy bà Mười Tường hay đi làm từ thiện, tặng quà cho các gia đình khó khăn. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, đó là hoạt động nhằm che giấu hành vi phạm pháp; đồng thời việc thành lập các công ty, cơ sở kinh doanh của bà Mười Tường cũng chỉ nhằm hợp thức hóa việc buôn lậu đường cát và nhiều hàng hóa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Bảo vệ pháp lý cho bà Mười Tường tại phiên tòa hình sự, các luật sư đưa ra ý kiến rằng lời khai của Sang và các lời suy đoán của 3 bị cáo khác thì không có chứng cứ, mâu thuẫn về địa điểm tập trung đi nhận USD ở Campuchia. Theo đó các bị cáo đều khai nhận bọc nilon màu đen, nhưng báo cáo của lực lượng biên phòng An Giang thể hiện bọc nilon màu hồng. Khi phát hiện vụ việc thì biên phòng phát hiện đã xử lý trước nhưng không chụp hình tang vật là bọc tiền và chiếc vỏ lãi.
“Có rất nhiều vật chứng vụ án không được xem xét điều tra xác minh. Cụ thể là bọc nilon biên phòng thu giữ màu hồng nhưng nhóm bị cáo khai màu đen. Như vây, bọc hàng mà biên phòng bắt giữ được có thể là vụ án khác, cái này lại chưa được điều tra làm rõ. Với những thiếu sót trong quá trình điều tra, chúng tôi đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung thêm, làm rõ ràng các tình tiết đó”, luật sư Đỗ Đức Biên, Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh, tức Mười Tường đề nghị.
Tại phiên tòa, bà Mười Tường cho rằng, từ 2-3 năm nay, bà đã không liên lạc với Sang, do Sang nghiện cờ bạc và mâu thuẫn với lính của bà. Bà thừa nhận trong số 4 người này có Minh và Lê là người làm thuê cho kho đường phèn Hạnh Phát và chăm sóc cây xanh cho bà. “Minh và Lê làm thuê cho tôi, còn họ đi ở đâu là quyền của họ. Có thể họ thấy làm cho tôi lương thấp nên đi làm gì đó. Tôi hoàn toàn không biết số tiền 470.000 USD đó. Đây không phải là số tiền nhỏ, họ vu khống tôi”, bà Mười Tường nói.
Liên quan đến chuyện làm ăn của bà Mười Tường, tính đến hiện tại thì chỉ có hai người “chống lưng” bị bắt là Trung tá công an Nguyễn Văn Sang, từng giữ chức Đội phó an ninh, Đội Trưởng cảnh sát giao thông Công an thị xã Tân Châu. Hồi cuối năm 2020, ông Sang được điều động về Phòng cảnh sát Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh An Giang, sau đó xin nghỉ hưu sớm.
Ông Sang bị bắt khi cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang mở rộng vụ án “rửa tiền” liên quan đến bà trùm buôn lậu Mười Tường. Theo Công an tỉnh An Giang, bị can Sang đã tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền hơn 1,3 tỷ đồng có được từ hoạt động buôn lậu của bà Mười Tường.
Trước đó, Công an tỉnh An Giang cũng khởi tố bị can, bắt giam ông Nguyễn Văn Võ, 53 tuổi, ngụ huyện Châu Phú, nguyên cán bộ Công an để điều tra hành vi “rửa tiền”. Ông Võ đã có hành vi tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền trên 3 tỷ đồng của bà Mười Tường phạm tội mà có.
Nếu đã ‘phong thánh’ bà Mười Tường là trùm buôn lậu vàng ở miền Tây Nam bộ suốt thời gian dài, thì thật khó tin nổi khi “chống lưng” cho những cú áp phe động trời này vỏn vẹn có hai cán bộ công an, với người ‘đeo lon’ cao nhất chỉ là Trung tá (?!)