Việt Nam Thời Báo

VNTB – Hồ sơ: Vụ án không có bị can?

Hà Nguyên – Cát Tường

 

(VNTB) – Kể từ khi C01 khởi tố vụ án ngày 09/3/2021 đến nay đã 13 tháng vẫn chưa có quyết định khởi tố các bị can.

 

Vừa qua C01 đã trưng cầu giám định, định giá tài sản dự án là 1.177 tỷ đồng tại thời điểm cầm cố cho cha con ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát vay 500 tỷ đồng, chiếm đoạt cả gốc lẫn lãi và dự án luôn…

Ái nữ nhà họ Trần là hai ‘bà lớn’ trong mua bán nợ?

Ngày 9-3-2021, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (C01) Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 20/QĐ-VPCQCSĐT-P4 liên quan đến hai bà Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích, đều là con gái ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Bình Dương, để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

Về nguyên tắc, sau khi thực hiện khởi tố vụ án, nếu có đủ căn cứ để xác định những người bị tố cáo đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan Cảnh sát Điều tra sẽ tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với những cá nhân được cho là phạm tội.

Ngoài ra, nếu đủ căn cứ để xác định các cá nhân phạm thêm các tội khác như đơn tố cáo (trốn thuế, tín dụng đen) thì cơ quan chức năng có quyền ra quyết định khởi tố bổ sung về các tội danh này.

Tới thời điểm này, vụ án vẫn đang được C01 điều tra, vì vậy chưa thể kết luận vấn đề gì.

Giới tài chính từng có ý kiến rằng vì sao không xem xét những nội dung tố cáo đặt trong bối cảnh Tân Hiệp Phát sở hữu một Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC được thành lập vào tháng ngày 7-3-2018, cổ đông lớn của công ty là bà Trần Ngọc Bích và Trần Uyên Phương, mỗi người sở hữu tỷ lệ vốn góp 50%.

Công ty Mua bán nợ VNAMC ra đời sau gần 1 năm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Cùng thời điểm đầu năm 2018, ngoài VNAMC, có hàng chục công ty mua bán nợ xấu khác ra đời, mục tiêu chính của các đơn vị này nhằm thâu tóm dự án bất động sản bị thế chấp tại ngân hàng với giá rẻ, từ đó tiến đến phát triển hoặc chuyển nhượng.

Trong trường hợp của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, sau khi thành lập công ty mua bán nợ vào tháng 3-2018, trong khoảng thời gian từ 18 đến 24-4-2019, dữ liệu từ cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia cho thấy gia đình ông Trần Quý Thanh liên tiếp thành lập hơn 10 công ty bất động sản với vốn cùng điều lệ và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quý Thanh) nắm giữ 0,05%.

Đến ngày 14-5-2019, thêm Công ty cổ phần Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lên tới 3.830 tỉ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.

Ông Trần Quý Thanh rất ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát mà hầu hết do vợ – bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.

Luật không rõ ràng thì cứ vậy mà lách thôi!

Sở dĩ chọn mốc thời gian năm 2019 để nói về chuyện mua bán nợ này của hệ thống Tân Hiệp Phát, vì dường như nó có liên quan đến vụ cha con ông Trần Quý Thanh bị tố “lừa đảo” trong vụ vay nợ nần làm ăn trong giới bất động sản.

Hồ sơ ghi nhận từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh cho biết, năm 2017, Kim Oanh ký hợp đồng mua 100% cổ phần Công ty cổ phần bất động sản Minh Thành Đồng Nai, với dự án Minh Thành 56ha, xã An Phước, Long Thành, giáp cao tốc Long Thành – Dầu Giây, giá 530 tỷ đồng của vợ chồng ông Phạm Hoàng Minh – Hồ Thị Diễm Trang.

Kim Oanh đã trả 380 tỷ và theo thỏa thuận, đã là chủ sở hữu 100% cổ phần Minh Thành. Còn lại 150 tỷ, khi bên bán giao đủ 13ha đất sạch còn thiếu, sẽ trả nốt.

Thời điểm năm 2019 là giai đoạn khó khăn của Công ty Kim Oanh với hàng loạt dự án vướng mắc, khó khăn tài chính, không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Thông qua môi giới, Kim Oanh tiếp cận ông Trần Quý Thanh và 2 con gái, vay 350 tỷ, lãi suất 3%/tháng, tức 36%/năm, 10,5 tỷ/tháng, cầm cố dự án Minh Thành.

Theo lời của bên Công ty Kim Oanh thì họ được yêu cầu phải ký hợp đồng thanh lý giả cách với ông Minh – bà Trang xóa bỏ các thỏa thuận về việc bán 100% cổ phần Minh Thành cho Kim Oanh.

Tiếp đó, Kim Oanh phải giả cách hủy tất cả hợp đồng, văn bản đã ký trước đây với ông Minh – bà Trang. Thứ ba, Kim Oanh giả cách ký bán 50% cổ phần Minh Thành cho Tân Hiệp Phát; ông Minh – bà Trang giả cách ký bán 50% cổ phần còn lại cho phía ông Thanh; giao toàn bộ hồ sơ dự án, con dấu Công ty Minh Thành cho phía ông Thanh những một tài sản thế chấp.

Theo Kim Oanh, khoản lãi ba tháng phải trả một lần là 31,5 tỷ đồng, dưới cái tên “tiền đặt cọc để có quyền mua lại”. Để Kim Oanh khỏi lo ngại sẽ mất tài sản, phía ông Thanh có viết giấy “Cam kết bán lại”.

Ngày 12/8/2020, sau gần 1 năm vay tiền, đã trả lãi đầy đủ, Kim Oanh chuyển khoản trả 350 tỷ tiền gốc nhưng bị phía ông Thanh chuyển trả lại, không trả lại dự án.

Kim Oanh còn cho rằng bị phía ông Thanh lừa chiếm đoạt dự án Nhơn Thành 36 ha. Năm 2017, Kim Oanh mua 100% cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng Nhơn Thành với Khu dân cư theo quy hoạch tại xã Phước An, Nhơn Trạch với giá 150 tỷ đồng. Sau đó kẹt tiền, Kim Oanh cũng mang dự án này đi cầm cố phía ông Trần Quý Thanh.

Ngày 12/8/2020, Kim Oanh chuyển trả nợ gốc 150 tỷ, phía ông Thanh ký văn bản xác nhận đã nhận đủ 150 tỷ. “Nhưng phía ông Thanh bất ngờ nại ra lý do “giao dịch với Cty Nhơn Thành, không liên quan Kim Oanh”, rồi công nhiên chiếm đoạt dự án”, Kim Oanh tố.

Kim Oanh cho rằng khi mang hai dự án này cầm cố phía ông Thanh để vay 500 tỷ; sau khi trừ đi các khoản tiền cò, tiền lãi, “tiền phạt” bị áp đặt; và tiền đã trả nợ gốc, con số đã lên đến 473,5 tỷ; cuối cùng Kim Oanh chỉ còn thực nhận 27,5 tỷ đồng, và bị chiếm đoạt luôn cả hai dự án.

Một chi tiết đáng chú ý là trong các lần họp bàn giữa ông Trần Quý Thanh, nhóm đối tác của ông với Công ty Kim Oanh, điện thoại của người tham dự đều bị ông Thanh ra lệnh thu giữ nhằm tránh ghi âm.

Tự nguyện chứ có ai chìa dao vào cổ để ép vay đâu…

Giới kinh doanh bất động sản ở TP.HCM hầu hết đều biết tiếng của gia đình ông Trần Quý Thanh là chuyên cho doanh nhân doanh nghiệp “vay nóng”, lãi suất 3%/tháng. Việc vay này thay vì thực hiện qua Công ty Mua bán nợ VNAMC, song tất cả đều là ký hợp đồng giả cách sang nhượng.

Đáng chú ý, nội dung tố cáo những cá nhân liên quan tới Tân Hiệp Phát đang tràn ngập trên mạng xã hội và báo chí, nhưng hiện thiếu hẳn các chứng cứ xác tín thường thấy đối với việc cho vay lãi ngoài, vay đảo nợ ngân hàng….

Chẳng hạn như bên cạnh cách hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng tài sản, là các đoạn ký sổ tay hai bên xác nhận số tiền đã giao nhận cho mục đích gì… Trong các giao dịch cho vay lãi hiện nay, các đoạn ký sổ tay này là “rào chắn” bảo vệ người vay trước xu hướng người cho vay lợi dụng hợp đồng giả cách để thôn tính tài sản thế chấp.

Ở chiều ngược lại, cũng trong thông báo công khai, đại diện của các cá nhân liên quan tới Tân Hiệp Phát khẳng định, các hợp đồng chuyển nhượng (với các cá nhân có đơn tố cáo) là có thật, được thực hiện trên thực tế giữa các bên và đều đúng pháp luật.

Phía đại diện pháp lý cho bà Trần Uyên Phương nói rằng các bên tham gia giao dịch có đủ năng lực hành vi dân sự, thậm chí còn là những người có kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường, không bị cưỡng ép phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Bên bán tự nguyện chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua thông qua hợp đồng chuyển nhượng, nhận đủ tiền, chuyển giao tài sản trên thực tế cho bên mua.

Trong quá khứ, hoạt động điều tra xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB) từng phát lộ chuyện đại gia Phạm Công Danh, trong quá trình thu xếp vốn để thâu tóm VNCB, cũng đã phải tìm đến ông Trần Quý Thanh để vay tiền.

Xem ra vụ việc chỉ có thể tường tận hơn một khi vụ án bắt đầu có những tín hiệu cho khởi tố bị can.

***

“Vướng vào vụ giả cách này, chúng tôi tan cửa nát nhà, thậm chí lâm vào cảnh tù tội”, ông Trần Phước Lộc tâm sự.

“Với ông Chung, do vốn liếng đã dốc hết cùng chúng tôi vào đầu tư hai khu đất trên, nên sau khi bị Long và Phương lừa, ông Chung nợ nần khắp nơi, vặt mũi đút miệng, thành ra sai hẹn trả nợ với nhiều người, và bị những chủ nợ tố cáo lừa đảo. Từ chỗ là nạn nhân bị lừa đảo, ông Chung bị đẩy vào cảnh lừa người khác, bị Công an TP.HCM bắt. Với bản thân tôi, vì bị lừa nên tay trắng, cụt vốn, lâm vào cảnh khốn cùng, căn nhà duy nhất phải bán lấy tiền trang trải nợ nần, dắt vợ và hai con nhỏ đi thuê nhà, sinh nhai bằng nghề nuôi chó.

Với ông Huê, sau vụ này vợ chồng cũng trắng tay, đã gần 60 tuổi mà vẫn không ổn định nhà cửa, phải đi thuê mướn.

Sau khi C01 Bộ Công an khởi tố vụ án để điều tra, nhiều lần được cơ quan điều tra mời làm việc lấy lời khai, chúng tôi rất vui mừng, càng tin tưởng vào sự công tâm của cán bộ và cơ quan tố tụng, sự nghiêm minh của luật pháp” – ông Trần Phước Lộc kể về vụ việc ông và hai người bạn làm ăn chung là Nguyễn Văn Chung và Huỳnh Thanh Huê  thỏa thuận mua của vợ chồng ông Lâm Hoàng khu đất gần 3.000m2 tại số 230, Hồ Học Lãm, phường An Lạc, quận Bình Tân; dự tính sẽ chia lô xây nhà bán; giá 70 tỷ đồng.

Đầu 2019, nhóm người này chưa trả hết tiền cho bên bán, gần đến thời hạn ký công chứng sang tên, lại đúng dịp giáp Tết, xoay xở không kịp, ông Lộc đến tìm vay ở nhóm Tân Hiệp Phát…


Tin bài liên quan:

VNTB – Đại diện đầu tiên của Tòa Thánh Vatican thường trú tại Việt Nam

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Công đoàn ở đâu trong Công ty Bkav?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Khoe tài sản không có thật?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo