Khánh An dịch
(VNTB) – Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã công bố kế hoạch trừng phạt các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar.
Ngày 10 tháng 2 năm 2021
RACHEL TREISMAN
Hôm thứ Tư, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác đối với các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar để đáp lại cuộc đảo chính được thực hiện vào đầu tháng này.
Trong một nhận xét ngắn gọn, Biden cho biết ông đã thông qua một lệnh hành pháp nhằm trừng phạt ngay lập tức các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, với các mục tiêu ban đầu sẽ được xác định trong tuần này. Ông cũng kêu gọi quân đội trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức chính trị bị giam giữ, bao gồm cả nhà lãnh đạo trên thực tế Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
“Người dân Miến Điện đang nói lên tiếng nói của họ và thế giới đang theo dõi”, Biden nói. “Chúng tôi sẽ sẵn sàng áp dụng các biện pháp bổ sung và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác quốc tế của mình để thúc giục các quốc gia khác tham gia với chúng tôi trong những nỗ lực này.”
Đông đảo người biểu tình đã xuống đường kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và trở lại chế độ dân chủ, bất chấp lệnh giới nghiêm và các lệnh cấm tụ tập ở các thành phố lớn trong những ngày gần đây. Xác nhận căng thẳng đang leo thang, ông Biden tố cáo bạo lực chống lại người biểu tình, gọi đó là hành động “không thể chấp nhận được.”
Ông Biden cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm các cá nhân, thành viên gia đình và lợi ích kinh doanh. Lệnh này cũng sẽ ngăn các nhà lãnh đạo quân đội tiếp cận khoảng 1 tỷ đô la trong quỹ Miến Điện đang được giữ ở Mỹ.
Ông cho biết chính quyền của ông sẽ đóng băng các tài sản của chính phủ Myanmar tại Mỹ, đồng thời duy trì hỗ trợ cho các nhóm y tế, xã hội dân sự và các nỗ lực khác mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân.
Ông Biden cũng mô tả cuộc đảo chính là một vấn đề được cả lưỡng đảng và quốc tế quan tâm. Ông cho biết nội các của ông đã tham khảo ý kiến của Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell – người mà ông mô tả là “rất quan tâm đến vấn đề này” – cũng như tiến hành “hành động ngoại giao mạnh mẽ” với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới để tạo điều kiện cho một phản ứng quốc tế.
Ông nói: “Thông điệp mạnh mẽ và thống nhất xuất hiện từ Hoa Kỳ là rất cần thiết trong quan điểm của chúng tôi để khuyến khích các quốc gia khác cùng tham gia trong việc thúc đẩy dân chủ trở lại ngay lập tức”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết tại một cuộc họp riêng rằng chi tiết bổ sung về phản ứng chính sách của chính quyền sẽ được công bố vào cuối tuần, và nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài để cùng áp đặt “những tổn thất lớn và nghiêm trọng lên những người chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính này. “
Thông báo được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi Hoa Kỳ chính thức tuyên bố việc tiếp quản chính quyền là một cuộc đảo chính quân sự, một đánh giá pháp lý kích hoạt việc xem xét hỗ trợ phi nhân đạo cho đất nước này. Đây là các biện pháp trừng phạt đầu tiên từ khi ông Biden lên nắm quyền, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, một số quan chức quân sự cấp cao đã phải đối mặt với sự trừng phạt của Hoa Kỳ. Vào tháng 12 năm 2019, Bộ Tài chính dưới thời chính quyền Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức vì vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Rohingya và các dân tộc thiểu số khác.
Một trong những thủ lĩnh bị trừng phạt là Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Myanmar và hiện là thủ lĩnh cuộc đảo chính.
Các quốc gia khác cũng đang lên án việc tiếp quản chính phủ của quân đội.
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng New Zealand đã công bố một loạt các biện pháp ngoại giao, bao gồm đình chỉ “tất cả các liên hệ chính trị và quân sự cấp cao” với Myanmar, thực hiện lệnh cấm đi lại đối với các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar và quyết định rằng chương trình viện trợ của New Zealand “không được bao gồm các dự án chính phủ quân sự được hưởng lợi hay được giao cho thực hiện.”
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào thứ Sáu để thảo luận về tình hình ở Myanmar. Các phiên họp đặc biệt cần có sự ủng hộ của một phần ba trong số 47 quốc gia thành viên của cơ quan này để có thể triệu tập; HRC cho biết hôm thứ Hai rằng một yêu cầu chung của Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu, với lý do “tầm quan trọng và cấp bách của tình hình,” đã có sự ủng hộ của 45 nước.
Nguồn: NPR