VNTB – Hòa Lan: thiên đường xe đạp

VNTB – Hòa Lan: thiên đường xe đạp

Phương Thảo

(VNTB) – Không có một nơi nào có nhiều xe đạp như Hoà Lan.

Theo thống kê năm 2016, tổng số xe đạp ở Hoà lan là 22,7 triệu chiếc. Tính trên đầu người thì một người dân xứ hoa Tulip sở hữu khoảng 1,4 chiếc xe đạp và mỗi năm trung bình một người đạp xe khoảng 1000km. Số lượng xe đạp vẫn ngày càng tăng và là một thị trường luôn tăng trưởng, đem lại hàng trăm triệu euro cho nền kinh tế cả nước.

Nhỏ đi xe đạp

Con nít ngay từ nhỏ đã được làm quen với xe đạp khi được cha mẹ chở đi chợ, đi chơi, đi học. Khoảng hai ba tuổi thì con nít được sắm cho một chiếc “xe đạp đi bộ”. “Xe đạp đi bộ” này không có bàn đạp, không có xích líp, và đứa trẻ chỉ ngồi lên và lấy chân đẩy đi, còn cha mẹ đi bộ bên cạnh ngó chừng.

Chừng ba, bốn tuổi thì tụi nhỏ được mua cho xe đạp có hai bánh phụ. Bốn tuổi là tuổi phải đi học ở nhà trẻ, sáng sớm sẽ thấy những đứa nhỏ cúi rạp mình ráng sức đạp xe bốn bánh có chở con gấu bông ở yên xe sau chạy trước, còn cha hay mẹ nó chạy phía sau.

Công chúa con của Đức vua Hoà Lan – người sau này sẽ thay cha trị vì Vương quốc còn đi học bằng xe đạp

Có những đứa không đi xe đạp mà xe đẩy step cũng gần như xe đạp đi bộ nhưng mà không có sườn và yên xe, hay là space scooter – một loại step nhưng không phải chống chân lấy trớn đẩy cho chạy mà đứng nhấp chân đạp đi. Đi học như đi chơi vậy nên đứa nào cũng ham đi và đòi tự đi xe đạp riêng.

Lớn chút thì được cha mẹ mua cho cái xe đạp thiệt đẹp màu hồng, màu xanh. Khi nào lớn hơn thì được đổi xe đạp mới để được đạp xe thẳng chân cho khỏi mỏi. Lúc đó là lúc phải học cách đi xe đạp sao cho đúng luật, rồi còn phải thi như thi bằng lái nữa.

Tới công chúa con của Đức vua Hoà Lan – người sau này sẽ thay cha trị vì Vương quốc còn đi học bằng xe đạp, mà cũng chỉ là một cái xe đạp bình thường như xe đạp của con thường dân.

Lớn cũng đạp xe

Đi xe đạp ở Hoà lan được coi là một thú vui. Khi nào trời nắng đẹp sẽ thấy người ta lũ lượt đạp xe đi dạo vòng vòng. Những người lớn tuổi giờ hay sắm xe đạp điện để chạy, hai vợ chồng già hay có một cặp xe giống nhau. Người Hoà lan có kỳ nghỉ xe đạp. Họ mang theo xe đạp, gắn phía sau xe hơi, tới mấy chỗ cắm trại thì xách xe đạp đi thăm thắng cảnh lanh quanh. Ti vi hay radio cũng hay có bản tin thời tiết trong đó có nói tới “ thời tiết đi xe đạp”, đó là lúc không quá lạnh hay quá nóng, trời khô ráo và không có gió lớn.

Buổi sáng sớm cũng hay thấy người ta đạp xe đạp đi làm khi chỗ làm cách nhà chừng năm bảy cây số. Mỗi ngày làm việc trong tuần lúc nào cũng thấy nhiều người mặc trang phục văn phòng cong người đạp xe đi làm. Các công ty lớn cũng khuyến khích nhân viên đi làm bằng xe đạp, có công ty còn trả 50% phần trăm tiền mua xe đạp cho nhân viên để hướng tới giao thông xanh, sạch và bền vững.

Chiều tối thứ sáu hay thứ bảy, thì sẽ thấy hàng đoàn người mặc quần áo đẹp đi xe đạp đi bar hay đi pub. Dựng xe kế bên quán là vô trong uống rượu bia thoải mái. Còn tự lái xe đi thì không được phép uống, chưa kể là chỗ đậu xe đã rất xa mà còn phải trả tiền đậu xe rất mắc.

Thiên đường xe đạp

Xe đạp ở Hoà lan vô cùng đa dạng. Cũng chỉ là cái xe bình thường, nhưng người ta nghĩ ra đủ kiểu, từ cái xe đạp có sườn thấp sát xuống gần đất với cái ghi đông rộng để cho các bà mẹ có con nhỏ và hay mặc váy, cho tới xe vừa nằm vừa đạp; từ cái xe có gắn được hai chỗ ngồi phía sau để chở con đi học, cho tới xe đạp có cái thùng phía trước như xe ba gác để chở được một lượt ba bốn đứa. Cũng có loại xe khung sườn nặng chịch nhưng cũng có xe nhẹ tưng vì làm bằng sợi carbon. Cũng vì vậy mà giá xe có khi là một hai trăm euro mà có khi cũng lên tới mấy ngàn một chiếc.

Nhưng xe có mắc hay rẻ cỡ nào, mới hay cũ thì đều phải có hai cái ống khoá. Một cái khoá bánh sau và một cái khoá bánh trước hay sườn xe vô hàng rào, trụ đèn. Nếu không khoá thì có khi phải đi bộ về nhà vì một năm có tới khoảng chừng 900 ngàn xe đạp bị ăn trộm ở toàn Hoà lan.

Xe đạp phải có đầy đủ chuông, đèn trước và đèn sau. Đường xe đạp cũng như đường xe hơi lúc nào cũng sáng trưng đèn buổi tối, nhưng nếu đi xe đạp mà không có đèn trước -đèn sau mà bị cảnh sát bắt gặp thì phải nộp phạt 55 euro ( khoảng 1,2 triệu). Trong năm 2015 cũng có tới 1.034 người ở thủ đô Amsterdam bị phạt vì tội đi xe đạp không có gắn đèn, điều đáng nói là con số này đã giảm đi 5 lần so với năm năm trước đó.

Đi xe đạp ở Hoà lan rất an toàn. Xe đạp có đường dành riêng được sơn màu đỏ đậm. Nếu không thì cũng có vạch phân cách rõ ràng. Xe hơi không được phép lấn, xe hơi hay chạy vô đường xe đạp ở nơi vắng vẻ là chỉ có xe của cảnh sát đi tuần tra.

Xe đạp còn có cầu vượt qua xa lộ, đèn giao thông riêng ở các giao lộ. Khi trời lạnh, có tuyết thì có xe đi rải muối cho khỏi trơn trợt. Với 35.000 kilomet đường dành cho xe đạp, hàng năm chính phủ Hoà lan chi ra 400 triệu euro ( khoảng gần 10 ngàn tỷ đồng) để bảo dưỡng hạ tầng cơ sở cho xe đạp, trong đó có bảo dưỡng đường xe đạp, bãi xe, làm thêm đường xe đạp mới …

Một cái xe đạp có thể xài cả chục năm không hư hao gì vì chất lượng rất tốt nhưng người ta vẫn thích mua xe mới. Ví dụ như người già sẽ chuyển qua xài xe đạp điện, con nít lớn lên cần mua xe đạp cho hạp với chiều cao. Vì vậy mà doanh thu hàng năm của ngành kinh doanh xe đạp lên đến 899 triệu. Số lượng xe đạp được mua mới trong năm 2015 là 983.000 xe, còn xe cũ được bán ra cũng lên đến 750.000 xe.

Xe đạp công cộng

Xe đạp công cộng được hãng Hoả xa Hoà lan khởi xướng từ năm 2003. Người Hoà lan có nhiều xe đạp như vậy nên xe đạp công cộng phần lớn dành cho du khách – du khách từ nước khác tới hay du khách ở tỉnh này qua tỉnh khác. Gía thuê xe đạp rất rẻ, chỉ có 3,85 euro cho 24 tiếng đồng hồ, bằng một nửa giá của vé đi tàu điện ngầm hay xe điện nên được nhiều du khách ưa chuộng. Hơn nữa họ cũng muốn được thử cảm giác đi xe đạp ở quốc gia được xếp vào loại có mạng hệ thống xe đạp tốt vào hạng nhất nhì thế giới.

Số xe đạp công cộng trong năm 2003 chỉ có 800 chiếc, tới năm 2015 đã tăng lê gấp hơn 10 lần và có mặt ở trên 277 nhà ga xe lửa, xe điện ngầm ở khắp nơi trên đất nước Hoà lan.

Người thuê xe đạp bằng thẻ có gắn con chip, đây cũng là thẻ đi xe lửa hay xe điện. Trước khi muốn thuê thì phải ghi danh làm thành viên và đóng lệ phí 0,01 euro ( tức khoảng 2.500 đồng) một năm.

Từ đây liên tưởng tới chuyện Việt nam thí điểm xe đạp công cộng ở các thành phố lớn như Hà nội, Sài gòn, Cần thơ. Trong tiềm thức người Việt, xe đạp gắn liền với sự nghèo khó bởi có tiền là họ mua cái xe honda hay xe hơi để thể hiện sự thành đạt và đẳng cấp.

Đi xe đạp ở Việt nam không có đường dành riêng cũng như không bao giờ có được quyền ưu tiên nên ở thành phố lớn đi xe đạp vô cùng nguy hiểm. Người dân vẫn không có ý thức bảo vệ môi trường bằng việc đi xe công cộng hay cho việc đi xe đạp là một thú vui. Thêm vào đó khoảng cách di chuyển quá xa, thời tiết nóng bức quanh năm cũng là những trở ngại làm người ta không muốn di chuyển bằng xe đạp.

Vì vậy, khuyến khích người dân trở ngược về xe đạp ở Việt nam khi chưa có một hệ thống giao thông công cộng hữu hiệu là một việc làm e là không tưởng.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)