VNTB – Hòa thượng Thích Thanh Tịnh: vị chân sư tâm Phật tỏa sáng thiên thu, dẫu bị mù lòa bởi đòn thù cộng sản.*

VNTB – Hòa thượng Thích Thanh Tịnh: vị chân sư tâm Phật tỏa sáng thiên thu, dẫu bị mù lòa bởi đòn thù cộng sản.*

Đàm Ngọc Tuyên

(VNTB) – Phước Bửu Tự tọa lạc tại xã Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày Mùng 6 Tết vừa qua, trong niềm tiếc thương vô hạn, phát đi tang báo: Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Tịnh viên tịch, (kèm chương trình tang lễ, do chùa chủ trì).

Phước Bửu Tự là một trong rất hiếm những ngôi chùa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), còn tỏa khói hương, còn thanh âm tiếng chuông ngân vang mỗi sáng tinh sương, mà chưa bị chính quyền triệt hạ, như rất nhiều chùa chiền ở Việt Nam, phải chịu cảnh bi đát, kể từ sau ngày 30/4/1975. Đặc biệt, là cái gai trong mắt chính quyền, nên Phước Bửu Tự từng bị “kẻ xấu”, lén lút trong đêm phóng hỏa thiêu rụi, vào thời điểm nhiều năm về trước.

Năm 1981, là năm mà Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thành lập một tổ chức Phật giáo trá hình, thu hình vào danh xưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN). Mục đích của họ, nhằm biến một đạo giáo từng là quốc giáo (ở VN), thành một công cụ chính trị phục vụ cho ĐCSVN. Vì lẽ đó, như sau ngày 30/4/1975 mà họ đã từng, thì giờ đây, bằng mọi thủ đoạn, họ càng gia tăng việc triệt hạ những chùa chiền, những nơi Tăng, Ni trụ trì nhưng không chịu ước thúc, gia nhập vào tổ chức Phật giáo trá hình, vẫn kiên định chọn lựa làm tu sĩ của GHPGVNTN.

Hẳn nhiên, triệt hạ chùa chiền, đi kèm với bách (giết) hại Tăng, Ni khi không chịu tu theo đảng. Trong hằng hà bi án thương tâm, Tăng, Ni chịu khổ nạn, cho đến tận hôm nay (mà chưa có dấu hiệu ngừng lại). Hòa thượng (HT) Thích Thanh Tịnh, người thầy vừa viên tịch, là một trong những nhân chứng sống, cho việc đàn áp tôn giáo nói chung, của chính quyền cộng sản Việt Nam (csVN).

* * *

Bức ảnh đăng kèm bài viết này, được tôi ghép chung từ 3 bức ảnh, có liên quan đến HT Thích Thanh Tịnh. Phía trước, bên trái là ảnh chân dung của HT. Bên phải là ảnh “Bản Vinh Danh”, được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (Hoa Kỳ) vinh danh công đức mà HT đã xả thân, trong công cuộc vì tương lai một Việt Nam được có dân chủ, nhân quyền.

Người thầy khoác ca-sa vàng, ngồi trên xe lăn, ở vị trí trung tâm, là Hòa thượng Thích Thanh Tịnh chụp tại Tăng phòng của Phước Bửu Tự, cùng với trụ trì Thượng tọa Thích Vĩnh Phước (bên trái, đứng hàng sau), kế tiếp là tác giả bài viết này, nhạc sỹ Triệu Mây ngoài cùng. Đó là lần mà chúng tôi viếng chùa Phước Bửu, vấn an sức khỏe HT, cũng như được HT xác nhận bằng cách gật đầu, khi tất cả cùng nghe Thượng tọa Vĩnh Phước lược kể những khổ nạn mà HT Thanh Tịnh đã trải qua.

Chúng tôi với tâm niệm, sẽ góp nhặt những vỡ đau trên đường tu hướng Phật tích thiện của HT, biên tập cùng với những biến cố của Phật giáo VN. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cùng có dự định tương tự, nhưng thật có lỗi, khi công việc biên soạn chủ, chúng tôi chủ quan trễ nãi, thì hôm nay, vị sư chân tu đức độ HT Thanh Tịnh đã thâu thần viên tịch.

Bên cạnh lược kể của Thượng tọa Thích Vĩnh Phước, chúng tôi còn may mắn được một người bạn tri kỷ của HT Thanh Tịnh, tường minh thêm về thân thế, khổ hạnh của ông. Chúng tôi nay xin ghi chép lại, như nén tâm hương kính viếng anh linh Hòa thượng. (Và cho tất cả chúng ta cùng được biết, thành kính mặc niệm, cùng nhắc nhớ đến người vừa mất).

Nhà thơ Trương Hùng Thái (có bút danh Nguyễn Trì, Lều Gió), là bạn tri kỷ, đồng thời, đồng quan với HT. Không những thế, nhà thơ Lều Gió còn là bạn đồng tù khổ sai cộng sản với HT Thanh Tịnh, trong cùng một vụ án. Vụ án mà chỉ đưa ra xét xử rất ít, dù csVN đã tiến hành bắt bớ, tống ngục rất nhiều thành phần tinh hoa trí thức, bao gồm tu sĩ nhiều tôn giáo ở miền Nam Việt Nam, một cách vô tội vạ, hồi cuối thập niên 70, thế kỷ trước.

Sau ngày chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử bởi cộng sản Bắc Việt, nên số phận của hầu hết người dân ở phía Nam vĩ tuyến 17, vô cùng bi đát, hoặc tù tội, hoặc tan nhà nát cửa, hoặc cả hai. Chọn lựa làm một tu sỹ thành viên của GHPGVNTN, mà không chịu ước thúc vào GHPG trá hình, chính là cách HT Thanh Tịnh thể hiện quyền được tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, một trong những quyền con người được luật pháp quốc tế công nhận. Đó là tất cả lý do, khiến cho chính quyền csVN bắt giam, tống ngục HT Thanh Tịnh đến 2 lần.

Trong chốn nguc tù, ông đã bị cộng sản tra tấn đến mù lòa đôi mắt, bằng cách trói đứng tù nhân, ngang tầm mắt, phía trước thắp bóng đèn cao áp chói ánh sáng nóng rát. Đến lần thứ 2, khi CS tống ngục ông, chẳng bao lâu sau, thì cặp mắt của HT vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh dương quang. Sự tăm tối bủa vây HT, như cáo buộc mơ hồ “lật đổ chính quyền nhân dân”, mà chính quyền csVN xử tù ông. Sự tăm tối còn bủa vây nhiều người dân miền Nam Việt Nam vô tội khác, khi chính quyền cũng bắt giam, xử tù với những cáo buộc huyễn ảo, tương tự. Một thể chế độc tài độc ác lộ nguyên hình, đang áp đặt ách thống trị lên toàn cõi nước Việt, thử hỏi ánh dương quang còn đâu, ngoài tăm tối vây quanh?!

Trước năm 1975, khi chưa xuất gia, HT Thích Thanh Tịnh có tên thật là Hoàng Văn Giang. Quảng Trị là nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Với địa danh cụ thể, được nhắc đến trong ca khúc “Trên bốn vùng chiến thuật” của nhạc sỹ Trúc Phương, với ca từ: “Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá…”. Nhà thơ Nguyễn Trì còn cho biết: Ông từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thông Tin của chính thể VNCH. Bên cạnh đó, ông còn là chủ bút của tờ báo Đông Phương, một thời.

Khi bị tống tù lần hai, ban đầu họ giam cầm ông ở trại Chí Hòa. Tiếp đến đưa về trại Đồng Hòa (hướng ngã ba Bình Long đi vào gần sát biên giới Việt – Cam, thuộc tỉnh Sông Bé cũ – nay là tỉnh Bình Phước). Sau cùng, ông bị đưa về trại tù A20, ở Xuân Phước, tỉnh Phú Yên, thuộc Trung Trung Bộ, nơi có vùng khí hậu khắc nghiệt vô cùng. Mùa đông ở đây rét thấu xương, mùa hè lại nóng đến nứt cả đá như nung vậy. Còn mùa Xuân, khô khốc những cơn gió Lào hừng hực thổi ngày đêm.

Trại tù A20 còn có tên gọi “Trại Trừng Giới”, “Trại Kiên Giam” nằm trong mật khu Kỳ Lộ. Những địa danh do người tù bởi cộng sản, đặt cho nơi này như đồi Vĩnh Biệt, Thung Lũng Tử Thần,…, đã lột tả mức độ sự khắc nghiệt, sự ngược đãi, sự hành hạ mà chính quyền thông qua bọn cai tù bất lương, đã trút lên thân thể những người tù chính trị nhưng vô tội này. Những thân thể vốn đã ốm yếu bởi bệnh tật, bởi đói khát, mà trường hợp HT Thích Thanh Tịnh, là một trong những nhân chứng sống tố cáo tội ác kinh hoàng ấy.

Cùng vụ án với ông, có rất nhiều Tăng sĩ, Cha xứ, hay thành phần trí thức khác, ở miền Nam cũng bị từ đày, đến hơn 100 nhân mạng. Điển hình như thầy Thích Tuệ Sỹ và thầy Lê Mạnh Thát (kêu án tử hình, sau giảm án chúng thân, và phóng thích – theo cách gọi bởi chính quyền csVN); thầy Thích Nhật Ban, thầy Thích Đức Nhuận, nhà thơ Trương Hùng Thái (Nguyễn Trì),…

Có trường hợp Tăng sỹ đã bị tra tấn đến chết, trong nhà tù Chí Hòa, như Hòa thượng Thích Thiện Minh, vào thời điểm cuối năm 1978. Giáo hội xin nhận thi hài làm lễ an táng, cũng bị chính quyền từ chối, nhằm che đậy dấu tích họ đã sát hại. Bản tin của đài BBC London, phát ngày 18/10/1978, như sau: “Hòa Thượng Thích Thiện Minh, chiến lược gia của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người đã từng ở tù trong cả ba chế độ, hôm 17 tháng 10 năm 1978, đã bỏ mình trong một nhà tù, của cộng sản, tại thành phố Hồ Chí Minh.”

Lao tù tra tấn hơn mười năm, vẫn không lay động được tâm thế của bậc chân tu, một lòng vì Phật pháp, phổ độ chúng sinh, nguyện hiến dâng sự sống còn tại thế cho một Việt Nam thật sự có độc lập, cho dân tộc của ông thật sự có tự do, dân chủ. 

Bên cạnh đó, mười năm đọa đày thân xác chốn địa ngục trần gian, lại còn bị những đòn tra tấn man rợ, khiến cho sức khỏe của HT nhanh chóng suy sụp. Hàng chục chứng đau bệnh đặc biệt nghiêm trọng, như tiểu đường đã biến chứng, cao huyết áp,…, có môi trường phát triển bào mòn thêm.

Cho nên, trước tình thế này, chính quyền csVN buộc phải chọn phương án “phóng thích tù nhân bệnh nặng vì tính nhân đạo”. Chọn phóng thích một “tu sĩ bị tra tấn thành phế nhân”, sẽ được tiếng “vì nhân đạo”, theo cách nghĩ của csVN, sẽ giúp tô hồng câu từ trong đường lối tuyên truyền và đối ngoại, vốn dĩ của họ, hơn là để HT Thích Thanh Tịnh sẽ chết trong ngục tù, bất kỳ lúc nào.

Sau khi ra tù, HT Thanh Tịnh không còn bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, như một người vô tổ quốc. (Đây là cách mà chính quyền vẫn hành xử với tù nhân chính trị lâu nay, để gây khó dễ, nhằm quản thúc khéo, hạn chế, tước đoạt quyền tự do đi lại của người dân). Đầu tiên, ông lần tìm về, xin tá túc ở Phước Huệ Tự (Thị xã Bảo Lộc, Lâm Đồng) do thầy Thích Thái Thuận trụ trì.

Tuy nhiên, ông không muốn vì sự hiện diện của mình, khiến cho trụ trì Phước Huệ Tự và tăng chúng phải chịu sự sách nhiễu bởi chính quyền sở tại. Cũng như, có lẽ ông gieo “PHƯỚC” vừa đủ tạo thành “nhân duyên”, với những chùa tự bắt đầu danh xưng sẽ là “PHƯỚC” chăng? Đủ duyên, nên trụ trì Phước Bửu Tự đã hội ngộ với HT Thanh Tịnh, sau đó, TT Thích Vĩnh Phước chọn cung thỉnh ông về Xuyên Mộc, địa danh tọa lạc ngôi chùa TT Vĩnh Phước trụ trì. Như vậy, sẽ giản tiện cho tất cả, ở đây, đích thân TT Vĩnh Phước cùng tăng chúng nơi này, hết lòng chăm lo, phụng dưỡng ông, tính ra cũng đà 20 năm có lẻ…!

* * *

Trước thực trạng Phật pháp nước nhà, ngày càng suy vi, băng hoại, lạc vào ma đạo, bởi cái tổ chức GHPGVN, núp bóng Đức Phật, đã không xiển dương Phật pháp, mà còn làm điều tác tệ, mị hoặc tham nhũng, bòn rút đức tin tín đồ, phục vụ cho đảng phái cai trị nhân dân, tổ quốc VN. (Nhưng lại chịu sự lệ thuộc hoàn toàn vào đảng cộng sản Trung Quốc, dưới mỹ từ trí trá: “thắt chặt tình hữu nghị với bạn 16 chữ vàng 4 tốt”). Thì với những khổ nạn đường tu vừa lược kể, nhưng chẳng thể lay chuyển được tâm thế của Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, với duy thức kiên định đức tin Phật pháp chiếu rọi, sẳn sàng xả thân cho một tổ quốc Việt Nam, cho đồng bào của ông thật sự có độc lập, tự do, dân chủ thật sự trong tương lai. Cho nên, sẽ không quá nếu có gọi Hòa thượng Thích Thanh Tịnh là một trong những vị chân sư, có tâm Phật sáng thiên thu, dù cá nhân ông mù lòa bởi chính quyền cộng sản giam cầm tra tấn thành tàn phế.

Giờ thì, mọi khổ đau trần thế cũng đành ở lại, phân ly, bái biệt nhà sư trên đường tìm về cõi Phật. Tứ thơ với đề từ “Nam Kha Mộng”, viết bởi tiểu tăng Du Huyền, một sadi đang tu tập ở Phước Bửu Tự, sẽ hầu kính, tiễn đưa Hòa thượng Thích Thanh Tịnh, một chặng dương trần:

“Thịnh suy suy thịnh Nam Kha mộng
Danh lợi tiền tài cũng về không
Cửa tùng áo vải rau dưa mặn
Tỏa Đức yêu thương tựa trăng rằm”.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)