Việt Nam Thời Báo

VNTB- Hoàng Anh Gia Lai: Nếu quân cờ Domino đổ…

Thảo Vy – Nguyễn Cao


(VNTB) – Người ta ví von rằng, nếu mình nợ ngân hàng 50 triệu thì mình là con nợ của ngân hàng, nhưng khi mình nợ ngân hàng 50 tỷ thì mình là chủ nợ của ngân hàng rồi đó. Và bầu Đức đang là chủ nợ theo đúng nghĩa đó.
Có ít nhất 3 vấn đề thời sự kinh tế trong tuần lễ này: Thứ nhất, trong quý 1-2016, có gần 2.920 doanh nghiệp giải thể. Thứ hai, trở lại sau kỳ nghỉ lễ, chứng khoán VN “bay” mất gần 12 điểm trong một phiên giao dịch mà phần lớn các cổ phiếu lớn đều lùi xuống mốc tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Thứ ba, đang vào mùa đại hội cổ đông ngân hàng. Thông tin được công bố trước đại hội cổ đông cho thấy các nhà băng đều khá khiêm tốn khi đặt kế hoạch lợi nhuận do phải dồn lực cho việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu.
Bao trùm cả ba vấn đề này là mối đe dọa đổ vỡ của ông chủ đội bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.

Ngấp nghé mất thanh khoản
Cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá, nhưng nhờ những giá trị uy thế xưa cũ vẫn giúp cho Hoàng Anh Gia Lai (HAG và HNG) “ăn mày dĩ vãng” chưa rơi vào trạng thái mất thanh khoản, dù mức giảm hết biên độ.
HNG (Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) vẫn giao dịch khoảng 1,28 triệu cổ trên giá sàn, HAG giao dịch 4,12 triệu cổ phiếu cũng trên mức sàn. Đây là giá trị còn sót lại nhờ lực cầu vào bắt đáy còn khá lớn. Tuy vậy càng ngày hai cổ phiếu này của bầu Đức càng hoảng loạn khi mất dần tính thanh khoản vì lượng thông tin tiêu cực được đề cập quá nhiều.
HAG đang rơi vào tình trạng lượng cung tiếp tục áp đảo tuyệt đối so với lượng cầu. Trên các diễn đàn chứng khoán, rất nhiều câu hỏi dò xét dành cho hai mã cổ phiếu này xuất hiện theo mô thức: “Thời điểm này ‘nhảy’ vào cổ HAG và HNG đã được chưa?” là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất. Nhưng diễn biến thực tế cho thấy, việc gom vào vẫn chưa thể dứt khoát và tin tưởng như trước đây.
Như vậy, kể từ đầu tháng 2/2016 đến nay, những giao dịch bắt đáy ở hai cổ phiếu HAG và HNG đều thất bại, mặc dù các hoạt động đầu cơ ngắn hạn có thể vẫn có lãi. Trong khi đó, những nhà đầu tư dài hạn đang mắc kẹt với khối lượng khổng lồ và giá trị tài sản có thể còn bốc hơi thêm nữa. Cả hai mã này đều đang giảm hết biên độ và HAG dư bán sàn 3,72 triệu, HNG dư bán sàn gần 1,88 triệu cổ phiếu. Mức giá 6.900 đồng/cổ phiếu đều là hai giá thấp nhất trong lịch sử niêm yết. Hiện tại, cổ phiếu HNG và HAG tiếp tục chuỗi giảm và phá vỡ mọi mức đáy kể từ khi niêm yết.

Ăn mày dĩ vãng!?
Một chuyên gia chứng khoán ví von: Nhiều người biết đến Bầu Đức trong bóng đá với việc theo đuổi triết lý tấn công phóng khoáng và hấp dẫn nhưng tương đối mong manh. Đội bóng của ông đi đâu cũng cuốn hút khan giả nhưng kết quả thực tế trong một năm vẫn phải vất vả trụ hạng.
Với khoản nợ khổng lồ ở hiện tại, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nhận định, số phận tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hiện chỉ còn trông chờ vào sự dang tay của các ngân hàng chủ nợ. Tính đến ngày 31/12/2015, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) có tổng số nợ vay lên tới 27.099 tỷ đồng, tăng lên 50% so với số nợ 18.126 tỷ đồng của năm 2014. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán thì năm 2015, HAGL chỉ đạt 502 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 65% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân dẫn tới kết quả kinh doanh bết bát của HAGL chủ yếu đến từ việc giá cao su giảm thê thảm, có lúc xuống dưới giá thành 1.300 USD/tấn so với mức giá 5.500 USD/tấn ở thời điểm cao nhất.
Vì vậy, HAGL hiện có 27.099 tỷ đồng các khoản vay tín dụng và trái phiếu, trong đó có 8.297 tỷ đồng vay ngắn hạn đến thời hạn phải trả trong năm 2016 và 18.801 tỷ đồng vay dài hạn. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán là Ernst & Young Việt Nam đánh giá HAGL đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trái phiếu. Xét các khoản nợ thì vay trái phiếu chiếm đến hơn 50% các khoản vay, bao gồm 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi, 300 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền và 11.564 tỷ đồng trái phiếu thường trong nước.
Trái phiếu phát hành là một hình thức cấp tín dụng theo kiểu “bơm một cục” nhanh và thoáng nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các trái chủ khi họ không quản lý, giám sát được hoạt động sử dụng vốn của đơn vị phát hành.
Hiện tại, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là chủ nợ lớn nhất của HAG với số tiền 10.715 tỷ đồng bao gồm các tín dụng cho vay thông thường và thu xếp phát hành trái phiếu. Chủ nợ lớn thứ hai của HAGL là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) với tổng số tiền là 3.955 tỷ đồng, trong đó có 3.155 tỷ đồng cho vay dài hạn và 800 tỷ đồng sở hữu trái phiếu. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) là chủ nợ lớn thứ 3 của HAGL với 2.800 tỷ đồng cho vay dưới hình thức trái phiếu.
Một chủ nợ lớn khác của HAGL là Ngân hàng Liên doanh Lào – Việt, số tiền cho vay của Liên doanh này đối với HAGL là 2.250 tỷ đồng. Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HD Bank) với số tiền cho vay và sở hữu trái phiếu tại HAGL là 2.236 tỷ đồng, bao gồm 1.386 tỷ đồng cho vay tín dụng và 850 tỷ đồng sở hữu trái phiếu.
Một số chủ nợ khác có số dư nợ dưới hình thức cho vay tín dụng hoặc sở hữu trái phiếu tính đến ngày 31/12/2015 còn có Sacombank (1.208 tỷ đồng), Bắc Á Bank (820 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đại chúng VN (300 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Bản Việt (240 tỷ đồng) và TP Bank (200 tỷ đồng).
Ngoài ra, một đối tác nước ngoài là Northebrooks Investment (một thành viên của Tập đoàn Temasek, Singapore) hiện đang sở hữu 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và 1.130 tỷ đồng trái phiếu hoán đổi tại Hoàng Anh Gia Lai. Tổng số tiền vay dưới hình thức phát hành trái phiếu của HAGL tại Northebrooks Investment là 2.230 tỷ đồng, kỳ hạn thanh toán lần lượt là tháng 8 và tháng 7/2017.
Có thể thấy rằng với dư nợ khá lớn của các thành viên trong hệ thống ngân hàng tại HAG, đã ngang với tổng tài sản của một ngân hàng thương mại cổ phần cỡ nhỏ. Chính điều này dẫn đến lo ngại hiệu ứng domino xảy ra khi HAGL vỡ nợ sẽ xô ngã hàng loạt nhà băng khác, nhất là trong bối cảnh nội các chính phủ Việt Nam vừa thành lập, nhưng khả năng lại bị giở bỏ vào tháng 7 tới đây.

Bầu Đức là chủ nợ hay con nợ?
Ở thời điểm hiện tại, công ty của bầu Đức phải thế chấp cả công trình khu liên hợp học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai cho ngân hàng.
Người ta ví von rằng, nếu mình nợ ngân hàng 50 triệu thì mình là con nợ của ngân hàng, nhưng khi mình nợ ngân hàng 50 tỷ thì mình là chủ nợ của ngân hàng rồi đó. Và bầu Đức đang là chủ nợ theo đúng nghĩa đó.
Luật sư Trương Thanh Đức, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng Hải, cho rằng chuyện vay nợ là hoàn toàn bình thường nếu doanh nghiệp có khả năng cân đối tài chính tốt. “Với trường hợp công ty bầu Đức, các khoản nợ đã hơn vốn chủ sở hữu, hơn nữa số tiền đó rất lớn nên sẽ có yếu tố gây ra nhiều rủi ro. Nếu khả năng tài chính của họ tốt thì công nợ nhiều hơn vài lần vốn cũng không có gì nguy hiểm cả. Nhưng nguy cơ công ty này gặp rủi ro hoàn toàn là có thật. Bởi họ đang đầu tư ở rất nhiều lĩnh vực, trong khi sản phẩm chủ lực, nguồn thu chính lại không rõ”, ông Đức nói.
Bầu Đức khác với các doanh nhân khi luôn theo đuổi khát vọng làm giàu mới, bằng việc tham gia vào những ngành nghề mang tính đầu cơ và chu kỳ rất cao. Những trải nghiệm của ông chủ tập đoàn HAGL đều từ bất động sản, khoáng sản, thủy điện, đến nông nghiệp với cao su, mía đường, bò sữa… Những năm hoàng kim 2010-2012, khi mủ cao su xuất khẩu với giá 4.000 USD-6.000 USD/tấn, bầu Đức từng tuyên bố: “Có bán nhà tôi cũng lấy tiền trồng cao su”.
Đang vào mùa đại hội cổ đông ngân hàng. Thông tin được công bố trước đại hội cổ đông cho thấy các ông bà chủ nhà băng đều khá khiêm tốn khi đặt kế hoạch lợi nhuận do phải dồn lực cho việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Điều đó cho thấy nếu ngân hàng đánh giá khả năng tài chính trong tương lai của những con nợ như HAGL vẫn chấp nhận được, hiểu rõ doanh nghiệp… thì sẽ cho tái cơ cấu. Ngược lại nếu đánh giá không tốt thì ngân hàng sẽ tìm cách xử lý, thu hồi nợ chứ không duy trì hạn mức dư nợ cũ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chuyện nợ của HAGL là không có gì mới. Bầu Đức vay nợ lớn lâu nay giới đầu tư đã không còn lạ. Và nhìn các khoản nợ tăng lên hàng quý sẽ đoán được kết cục hôm nay. Dĩ nhiên có một điều tế nhị nằm ngoài các sổ sách kiểm toán, đó là không phải ngẫu nhiên mà bầu Đức được chính quyền cấp tỉnh tới các VIP ở trung ương, rồi cả Lào, Campuchia ưu ái dành cho những dự án kiểu “phá sơn lâm, đâm hà bá”.
Quân cờ domino mang tên HAGL có lẽ nếu ngã, sẽ xô đổ không những nhiều ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần mà còn là nhiều ông bà chủ tai to mặt bự khác chốn hậu trường.
Tưởng cũng nên nhắc lại, hôm 18-4, Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Có ba ngân hàng thương mại cổ phần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “xét xử nghiêm minh”.

Liệu Trạng chết, Chúa có băng hà?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo