VNTB – Học sinh có thể mượn sách giáo khoa như thời bao cấp

VNTB – Học sinh có thể mượn sách giáo khoa như thời bao cấp

Mai Lan

 

(VNTB) – Hai phó thủ tướng đồng quyết định về việc ngân sách nhà nước sẽ ‘bao cấp’ về sách giáo khoa để cho học sinh mượn sử dụng.

 

Tại Thông báo 236/TB-VPCP ngày 08-8-2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Vũ Đức Đam đề ra yêu cầu về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho học sinh mượn sử dụng như sau: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thống nhất trình Chính phủ kịp triển khai từ năm học 2022 – 2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Đề xuất “cho mượn sách giáo khoa” được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra từ cuối tháng 6, nhằm hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Bộ này cũng đã từng có chỉ thị đề nghị các địa phương tuyên truyền tới giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản sách giáo khoa để sử dụng lâu bền. Bộ cũng yêu cầu các trường bố trí kinh phí hợp lý để mua sách cho thư viện giúp học sinh có thể mượn sách, sử dụng; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách cũ cho các khóa sau sử dụng.

Như vậy thì nếu không gì thay đổi, học sinh có thể được nhà nước hỗ trợ việc mượn sách giáo khoa để học từ năm học 2022 – 2023.

Phản biện về chính sách trên, có ý kiến ngờ vực rằng theo quy trình, thủ tục hiện nay, nếu được cấp ngân sách đầy đủ đi chăng nữa thì liệu đến khi khai giảng năm học, học sinh có kịp được mượn sách giáo khoa như chủ trương của bộ? Như vậy, chi nhiều tỷ đồng ra mua sách đưa vào thư viện trong khi nhiều gia đình học sinh cơ bản đã tự mua trước từ tháng 7, tháng 8 rồi, thì phải chăng ngành giáo dục có “vung tay quá trán”?

Số tiền lớn chi ra phải chăng chỉ còn ý nghĩa “chữa cháy” cho một chủ trương chưa thật sát sao về quản lý giá sách giáo khoa?

Chính sách luôn có độ trễ. Thời gian vào năm học mới không còn nhiều. Cần tránh đột phá kiểu “chữa cháy” nhất là khi bài học về đấu thầu, sử dụng ngân sách trong mua vật tư chống dịch có cài cắm lợi ích nhóm, tham nhũng, trục lợi khiến vừa mất tiền vừa mất cán bộ trong ngành y tế còn đang nóng hổi.

Cùng lên tiếng phản biện trong một hội luận do nhóm thân hữu trang Việt Nam Thời Báo tổ chức, có ý kiến là chỉ làm một phép tính nhỏ: một gia đình có 3 học sinh học các lớp liền nhau sẽ phải mua 3 bộ sách giáo khoa, trong khi có thể chỉ cần  mua 1 bộ nếu luân phiên sử dụng, đem nhân với con số 23,5 triệu học sinh trong cả nước, sẽ tính ra được ngay sự lãng phí lớn đến thế nào (!?).

Một nhà báo từng là thầy giáo cho rằng cái vướng rất rõ trong chuyện mượn sách giáo khoa này, chưa hẳn là tiền bạc, mà là phần nội dung lúc sử dụng.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có nghiên cứu về việc sách giáo khoa được sử dụng như thế nào và bị lãng phí ra sao để có cách giải quyết. Thời tôi còn đi dạy, chỉ cần sách giáo khoa in, còn bài tập thì làm vào tập của mỗi học trò.

Nay thì in cả vở bài tập và học sinh làm trực tiếp trong sách bài tập, nên lứa sau có dùng lại cũng không được, bởi rất khó để mua được sách bài tập riêng, nên phụ huynh đành phải mua cả bộ cho con, tốn kém, lãng phí và gây khó cho những gia đình đông con. Và tình cảnh này cũng tương tự khi đó là sách giáo khoa cho mượn sử dụng” – vị nhà báo xuất thân là giáo chức, nhận xét.

Một lưu ý khác, đó là kể cả khi dùng ngân sách mua sách đưa vào thư viện thì đó vẫn là tiền của người dân, doanh nghiệp với sự chia sẻ giàu – nghèo, dựa trên thuế. Cho mượn sách là chuyện tốt, nhưng vẫn là câu chuyện ở phần ngọn. Cái gốc là giá sách.

Liên quan vấn đề trên, một nguồn tin khả tín cho hay sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM  xin ý kiến hội đồng nhân dân TP.HCM  duyệt chi ngân sách trang bị khoảng 100.000 đầu sách giáo khoa cho các trường phổ thông. Cụ thể, thành phố sẽ tổ chức đấu giá, sau đó đưa vào các thư viện trường học để dùng chung cho học sinh…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)