Kiều Phong (VNTB) Theo những thăm dò dư luận trước và sau kỳ thi quốc gia 2017, các em học sinh cuối cấp trung học ở Việt Nam đang trong tình thế phân vân rất lớn trong việc chọn ngành, chọn trường đại học cho mình.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017 ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Nỗi lo tài chính
Chừng 10-20 năm trở về trước, và sớm hơn nữa là trong thời giáo dục và đào tạo được bao cấp từ A đến Z, việc thi đỗ vào một trường đại học bất kỳ đã là niềm tự hào của học sinh cấp III ở Việt Nam. Ngày ấy đỗ đại học thì hầu hết phải là học sinh khá giỏi, vượt xa mức trung bình, phải hơn mặt bằng chung rất nhiều thì mới vào đại học được. Tốt nghiệp ra trường, sinh viên thời bao cấp được phân bổ vị trí nghề nghiệp ngay, không cần phải chạy chọt gì. Chính vì vậy ở nông thôn miền Bắc và miền Trung, nhiều vùng nhà nào có con thi đỗ đại học là bố mẹ làm mấy chục mâm khao làng khao xóm, hạnh phúc khỏi cần tả. Nhưng ngày nay, số lượng trường đại học đã quá nhiều, thượng vàng hạ cám đủ loại lẫn lộn. Bình dân, học lực trung bình cũng đỗ đại học, có em chẳng đủ điểm sàn tối thiểu mà cũng có trường gửi giấy báo về tận nhà, y như là tiếp thị. Chẳng còn mấy ai tự hào lắm khi con em mình đỗ đại học. Từ học sinh thi đỗ trường danh tiếng cho đến học sinh được trường đâu đâu nhận vào, đa số các em đều gặp nỗi lo về kinh phí trang trải bốn-năm năm ăn học, và vấn đề việc làm sau khi ra trường, vì thời nay cử nhân tốt nghiệp phải tự đi tìm lấy việc cho mình. Nhiều nhà đã lâm vào cảnh nợ nần khi vay tiền cho con cái đi học đại học mà không xin được việc làm sau khi tốt nghiệp, rồi sinh ra xô xát, tranh cãi trong gia đình.
Khó chọn ngành học.
Ngay cả các em học sinh có học lực tốt cũng phân vân về vấn đề chọn ngành. Các em không biết nên chọn ngành mình yêu thích hay nên chọn ngành xã hội đang có nhu cầu. Nếu chọn ngành mình yêu thích thì vui thật, nhưng chưa chắc ra trường đã có việc làm. Còn nếu chọn ngành có nhu cầu xã hội cao thì làm sao có thể miễn cưỡng vượt qua được quãng thời gian dài làm một việc mình không say mê? Ngay cả khi chọn được ngành mình yêu thích rồi thì cũng chưa chắc chắn, bởi rất nhiều người sau khi vào đại học mới biết là mình thích ngành khác. Cũng vậy, người ta cũng không biết một ngành đang có nhu cầu thì bốn năm sau ngành đó còn nhu cầu nữa hay không. Câu chuyện bão hòa nhân lực khối ngành ngành kinh tế- tài chính- ngân hàng là một ví dụ trực quan sinh động, một thời xã hội tam kinh-tứ luật lao vào ngành này rồi sau đó thất nghiệp vô số kể. Trong bối cảnh nước ta chưa có cơ quan dự báo nhu cầu lao động hoặc dự báo thiếu chính xác/thiếu trung thực, việc chọn ngành nào giữa các ngành học ở bậc đại học và cao đẳng rất dễ dẫn đến sai lầm.
Không còn đường lùi!
Nhưng dù gì cac sem học sinh trung học cũng phải vào đại học hoặc cao đẳng. Ngay cả những quan chức ngành giáo dục ngày ngày khuyên con em người khác đi học nghề thì thực tình vẫn muốn con mình tới giảng đường. Bởi lẽ, ngoài lý do tâm lý xã hội còn có nguyên nhân khác quan trọng hơn, đó là rủi ro của việc học nghề khá cao. Hiện nay, nhà nước Việt Nam duy trì công đoàn quốc doanh và quyết tâm kìm hãm bóp nghẹt công đoàn độc lập, cho nên nước ta không có công đoàn độc lập nào được phép hoạt động công khai để đối trọng với giới chủ bất lương mà bảo vệ công nhân. Không có công đoàn độc lập, người công nhân thân cô thế cô, giới chủ muốn đuổi việc lúc nào là đuổi, nên phẩm giá của người công dân bị coi thường, địa vị xã hội của công nhân như là hạng áp chót, đời sống rất bấp bênh. Lại thêm việc quốc hội của bà Kim Ngân không cho công nhân rút tiền một lần sau khi nghỉ việc nên cả xã hội chẳng ai muốn làm công nhân nữa. Hoặc nếu có lỡ làm công nhân thì ai nấy đều nghĩ cách chuyển sang nghề khác sau khi tích lũy được đủ một số vốn. Nói tóm lại là, nghĩ đến cảnh phải làm công nhân là học sinh Việt Nam rùng mình, cho nên tất cả phải cố lao vào một trường đại học nào đó rồi sau này tính tiếp. Nắm được tâm lý này, các trường đại học “treo đầu dê, bán thịt chó” đục nước béo cò, những học sinh học lực trung bình khá biết vậy mà vẫn phải nhắm mắt đưa chân mà vào, vì các em không đủ sức để thi vào trường lớn, trường danh tiếng. Xác suất rủi ro là rất cao, đã được chứng minh bởi thực tế xã hội, khi số lượng những sinh viên nghỉ học, bỏ học giữa chừng tăng cao trong khoảng sáu năm trở lại đây. Lúc đó các em cũng chẳng còn tâm trí để đi học nghề nữa, bèn tính cách xuất khẩu lao động, lại gặp những rủi ro cao hơn.
Có nên đi học đại học không hay nên học nghề, và nếu có thì nên học ngành nào ở trường nào? Câu hỏi quá khó và quá nặng, đè lên đầu những tâm hồn mười tám tuổi hãy còn ngây thơ trong sáng.