VNTB – Học trò có thể đến trường học ở mùa dịch, nếu…

VNTB – Học trò có thể đến trường học ở  mùa dịch, nếu…

Mai Lan

(VNTB) – Đang có đồn đoán về một ‘chỉ đạo ngầm’  nào đó về chuyện cần nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động trong đời sống xã hội ở Việt Nam như trước ngày 1/2/2020; tức trước lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về công bố dịch virus Corona tại Việt Nam. Dự kiến học trò bắt đầu trở lại trường học từ 17/2 là khởi đầu đó (!?)

Nhắc lại, thông tin về một ‘chỉ đạo ngầm’ chỉ là dạng tin tức hành lang, khó thể kiểm chứng.

Vài ngày gần đây trong chuyện phòng chống dịch lây lan đến từ Trung Quốc, trên báo chí bắt đầu ít nhắc đến thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, mà chủ yếu là đưa tin về các phát ngôn trấn an của thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ông Tuyên hiện là phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Ông Tuyên là người thay mặt Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở trường học. Theo đó, tại các tỉnh chưa xuất hiện dịch corona, sau khi triển khai công tác tiêu trùng, khử độc và hướng dẫn tốt cho các giáo viên, học sinh thực hiện tốt việc phòng bệnh, vệ sinh môi trường theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thì học sinh có thể trở lại trường học bình thường.

Ông Đỗ Xuân Tuyên chính là người có phát ngôn mà báo chí vừa đăng hôm 13/2: “Trong thời gian tới, nếu không có bệnh nhân mới và việc kiểm soát thực hiện tốt, Việt Nam sẽ công bố hết dịch”.

Lý lịch của ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết ông sinh năm 1966, tốt nghiệp Học viện Quân y và từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong ngành y tế tại địa phương: phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hưng Yên; Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hưng Yên. Sau đó, ông giữ chức phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên rồi Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Hưng Yên.

Lý lịch của ông Nguyễn Thanh Long đầy đặn hơn về nghiệp vụ y tế. Ông Long sinh năm 1966, tốt nghiệp thạc sĩ y khoa chuyên ngành truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội năm 1995. Ông bảo vệ tiến sĩ y khoa vào năm 2003 và phó giáo sư y học năm 2009; giáo sư y học năm 2013. Từ năm 1995 đến 2003, ông là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005 là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS. Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008 ông Long là Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS. Sau đó ông nắm giữ chức Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS đến tháng 11/2018. Từ tháng 12/2011 đến tháng 10/2018, ông là ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Sau hơn một năm giữ cương vị phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Long được Thủ tướng điều động về lại Bộ Y tế ngay khi xảy ra dịch virus Corona bắt đầu lây lan sang Việt Nam. Ông Long được cho là người đã đưa ra tham vấn với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc việc cần công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Trở lại với chuyện thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đưa ra khuyến cáo “học sinh có thể trở lại trường học bình thường”.

Theo khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), thì học sinh có thể trở lại trường học ở thời điểm hiện tại, với những điều kiện cụ thể như sau:

“Đầu tiên là việc quản lý sức khỏe học sinh: nên có người tiến hành đo thân nhiệt các em trước khi vào trường, nếu học bán trú thì buổi trưa đo lần nữa, em nào sốt hay nhận thấy có ho, sổ mũi thì cách ly tại phòng y tế và yêu cầu phụ huynh đón về, nghỉ học để tự cách ly ở nhà.

Phụ huynh cũng nên tự giác, nếu thấy con mình bệnh thì cho em nghỉ, cung cấp cho nhà trường giấy bác sĩ để trường biết em bệnh gì. Các trẻ vừa về từ vùng dịch, ví dụ đi du lịch Trung Quốc, cần được cách ly tại nhà đủ 14 ngày. Việc trẻ có bệnh phải ở nhà để không lây cho bạn bè là cần thiết trong mọi hoàn cảnh, không phải chỉ mùa dịch mới cần làm. Giáo viên có bệnh cũng phải nghỉ, tự cách ly.

Biện pháp tiếp theo là giữ trường học thông thoáng, sạch sẽ. Sau khi tan học, trường lớp cần được vệ sinh cẩn thận, lau chùi các bề mặt. Ngoài ra, cũng như khuyến cáo chung là môi trường có nóng, ẩm, thông thoáng làm giảm nguy cơ lây lan của virus corona mới, vì vậy nếu được thay vì đóng kín cửa và dùng máy lạnh, hãy mở cửa các lớp học cho thoáng, tốt nhất là có thêm quạt. Nếu kẹt quá vẫn dùng máy lạnh thì tốt nhất khoảng 28-29 độ. Không nên để trẻ ngồi quá sát nhau, nên cách từ 1 m trở lên.

Bên cạnh đó không thể quên chuyện rửa tay. Không cần thiết đi ‘săn’ nước rửa tay khô, mà nhà trường nên trang bị thêm vòi nước và xà bông, thứ tốt hơn trong việc rửa tay phòng bệnh. Đa số trẻ đã được dạy cho cách rửa tay đúng trong các mùa bệnh khác như các đợt tay chân miệng, tuy nhiên cần tập huấn lại cho trẻ nhớ, giáo viên nhắc trẻ thường xuyên.

Điều cuối cùng là giáo viên và phụ huynh nên nhắc nhở trẻ tránh những hành động như ôm, vật lộn trong giờ ra chơi. Để an toàn hơn, giờ ra chơi trẻ không nên ở lại trong lớp mà phải ra ngoài sân trường thoáng mát, có nắng gió. Nhà trường nên đặt thêm nhiều thùng rác để những trẻ mà cha mẹ lo quá, yêu cầu mang khẩu trang có thể vứt đúng chỗ”.

Một bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng (cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP.HCM), cho biết: “Qua ghi nhận thực tế, nhà vệ sinh trường học cũng là công trình có kết quả khảo sát thực tế – theo cách nói vui của nhiều hiệu trưởng – là “ảo” nhất so với các hạng mục khác như phòng học, thư viện, nhà thi đấu, phòng chức năng.

Bởi mỗi đợt thanh tra, kiểm tra vệ sinh của các đơn vị y tế đều được thông báo trước cụ thể ngày, giờ, trường có thể chủ động lên kế hoạch nâng cấp “cấp tốc” trong vài giờ. Cho nên, cũng nhà vệ sinh đó nhưng buổi sáng đoàn đến kiểm tra sạch sẽ, tươm tất thì cuối giờ học buổi chiều sẽ mang dung mạo khác do quá tải tần suất sử dụng của học sinh. Vì vậy, kết quả đánh giá sẽ không toàn diện” – https://www.sggp.org.vn/nang-chat-luong-nha-ve-sinh-truong-hoc-565841.html

Câu hỏi đặt ra: nếu trong trường hợp có lời kêu gọi phụ huynh hãy đồng lòng ‘bãi khóa’ để bảo vệ sức khỏe con em ở mùa dịch virus đến từ Trung Quốc vẫn đang đe dọa, thì đó có phải đối mặt với những hệ lụy của bộ luật hình sự?

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)