VNTB – Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương khóa XIII đưa ra yêu cầu gì?

VNTB – Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương khóa XIII đưa ra yêu cầu gì?

Nguyễn Nam (lược thuật)

(VNTB) – Phấn đấu cho chuyện gì?

 

Trong phát biểu khép lại tuần lễ hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài diễn văn mang tên “Ra sức phấn đấu, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”.

Xin lược trích một số vấn đề trong bài phát biểu được coi là mang tính chỉ đạo của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhà nước tiếp tục độc quyền về đất đai

Trung ương cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết Trung ương 6 theo hướng tiếp tục khẳng định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất.

Kinh tế tập thể là chủ đạo

Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

Kinh tế tập thể có nhiều hình thức tổ chức, hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…), trong đó hợp tác xã là nòng cốt.

Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tổ chức; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không chỉ phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo lao động và theo vốn góp.

Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là chính, bao gồm cả lợi ích của thành viên, của tập thể và lợi ích của xã hội, của Nhà nước; đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hoá, xã hội trên địa bàn.

Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các cá nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cả người ít vốn và người nhiều vốn, cùng góp vốn, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, và quản lý dân chủ.

Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế hợp tác. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng về chất lượng; bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn của nền kinh tế; có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Đánh giá hiệu quả của kinh tế tập thể phải toàn diện, cả về kinh tế lẫn chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; về hiệu quả của tổ chức và của các thành viên.

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, Liên minh hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Thay lời kết

Ngay sau bài phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tin tức cho biết Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội lên đường dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ trong hai ngày 12 và 13-5 tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Thủ tướng Việt Nam sẽ có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington DC ngày 11-5, trong đó ông Chính dự kiến sẽ đưa ra những nhận định về hiện trạng và tương lai của mối quan hệ Việt-Mỹ. Ông Chính dự kiến cũng sẽ tham gia nói chuyện tại Hội Châu Á Bắc California trong buổi thảo luận diễn ra ngày 17-5 ở San Francisco.

Những nội dung chuyến công du này của Thủ tướng Việt Nam, rất có khả năng nằm trong ‘gửi gắm’ của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa kết thúc tại Hà Nội.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)